Những "thủ lĩnh nông dân"

02:11, 04/11/2016

Về xã Trực Khang (Trực Ninh) đúng lúc Hội Nông dân (HND) xã đang tổ chức hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân trong xã về xây dựng NTM, chúng tôi chứng kiến cảnh Chủ tịch HND xã Trần Xuân Vũ đang say sưa hướng dẫn, giải thích cho bà con hiểu về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong công cuộc xây dựng NTM. Trong câu chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi cảm nhận được tình cảm chân thành của họ dành cho người chủ tịch Hội. Sinh ra ở vùng quê thuần nông, năm 1978, ông Vũ tham gia bộ đội Hải quân, đóng tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Đến năm 1983, sau khi phục viên, ông được đi học ngành tài chính - kế toán hệ tại chức và về làm việc tại HTX nông nghiệp của xã. Quá trình phấn đấu, đến năm 2006, ông được bầu làm Chủ tịch HND xã. Từ đó đến nay, trên cương vị là “thủ lĩnh” nông dân, ông Vũ luôn nhận được sự tín nhiệm của cán bộ, hội viên, sự tin tưởng, ủng hộ của lãnh đạo địa phương và lãnh đạo HND cấp trên. Ông đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng HND vững mạnh và thúc đẩy các phong trào thi đua công tác Hội, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân trong xã vươn lên từng bước thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Mô hình chăn nuôi gia cầm của gia đình anh Đồng Ngọc Hà, xóm 5, xã Trực Khang (Trực Ninh) mỗi năm cho thu nhập 150 triệu đồng trở lên.
Mô hình chăn nuôi gia cầm của gia đình anh Đồng Ngọc Hà, xóm 5, xã Trực Khang (Trực Ninh) mỗi năm cho thu nhập 150 triệu đồng trở lên.

Cùng với BCH HND xã, ông luôn xác định lấy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi làm trọng tâm để thu hút hội viên, thúc đẩy các hoạt động khác; đồng thời phân công nhau thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực tiễn, phát hiện những khó khăn vướng mắc phát sinh để có giải pháp khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, ông và Ban thường vụ HND xã cũng chú trọng tới việc phát động các phong trào thi đua, hỗ trợ, sát cánh cùng hội viên, động viên khích lệ những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để thúc đẩy phong trào. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích hội viên nông dân phát triển kinh tế, ông cùng BCH HND xã tăng cường phối hợp với Trung tâm khuyến nông, Cty thuốc bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp, HTX DVNN mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng thời điểm phù hợp với điều kiện địa phương nên đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định. Bản thân ông cũng thường xuyên xuống từng hộ gia đình để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ gia đình đang sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về tưới tiêu để chuyển sang các ngành nghề khác như kinh doanh, dịch vụ tổng hợp, giúp đỡ hội viên vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; phối hợp với các Ngân hàng NN và PTNT, CSXH tạo điều kiện cho nông dân vay vốn, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu bền vững. Tâm sự với chúng tôi, ông Vũ chia sẻ, thành công ông có được hôm nay là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng ủy, UBND xã và HND cấp trên đã tạo điều kiện thuận lợi, cùng với sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, HTX DVNN và các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhờ sự cần cù, chịu khó của từng hội viên nông dân xã, nhất là sự năng động, nhiệt tình của người Chủ tịch Hội nên công tác Hội và phong trào nông dân xã Trực Khang từ đơn vị yếu kém đã vươn lên đứng trong tốp dẫn đầu của huyện Trực Ninh. Trong đó, cán bộ HND luôn gương mẫu đi đầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; qua đó xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao. Điển hình như mô hình chăn nuôi gia cầm của gia đình anh Đồng Ngọc Hà, xóm 5 với diện tích gần 500m2 đã xây dựng chuồng trại để chăn nuôi 2.000 con gà thịt, 200 vịt siêu trứng, bình quân thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt của ông Bùi Văn Khơi, xóm 9 với quy mô 35 lợn nái, 300 lợn thịt, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Những mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giúp các hội viên nâng cao chất lượng đời sống, đóng góp tích cực vào thành tích chung của Hội và của địa phương.

Anh Đỗ Văn Hà, Chủ tịch HND xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) đã gắn bó với công tác Hội và phong trào nông dân gần 10 năm. Trong đó từ năm 2012, sau đại hội HND xã nhiệm kỳ 2012-2017, anh được bầu làm “thủ lĩnh nông dân”. Trên cương vị mới, anh Hà luôn tìm tòi, học hỏi để tìm ra hướng đi, cách làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách sản xuất truyền thống. Một trong những việc mà anh luôn đi đầu vận động nông dân là phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Cùng với Ban thường vụ, BCH HND xã, anh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế. Từ đó nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Bám sát định hướng quy hoạch của xã, các hộ nông dân mở rộng diện tích sản xuất vụ đông. Nhiều năm liền, diện tích cây vụ đông của xã Nghĩa Phú duy trì trên 100ha. Ngoài một số cây trồng truyền thống như: bí xanh, cà chua, một số hộ đã đẩy nhanh thời vụ để trồng xen canh thêm từ 1-2 vụ rau màu ngắn ngày cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ha/vụ; tiêu biểu như hộ các ông: Trần Văn Lạc, Trần Văn Tạc (xóm 12); Trần Văn Kết (xóm 13); Nguyễn Văn Tố (xóm 11)… Phong trào cải tạo vườn tạp để trồng rau màu theo mùa vụ, phát triển kinh tế sinh vật cảnh cũng được nhân rộng ở các xóm, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng thanh long của ông Hoàng Văn Hiển, xóm 9; mô hình nuôi cá trắm kết hợp trồng bí xanh, cây cảnh, rau màu ngắn ngày của anh Trần Văn Thọ, xóm 12… Ngoài 4 sào vườn nhà với hàng trăm gốc cây cảnh các loại như: sanh, si, đa, lộc vừng… có trị giá hàng tỷ đồng, năm 2011 ông Trần Văn Thọ đã mạnh dạn đầu tư gần 70 triệu đồng chuyển đổi 4 sào ruộng thành ao thả cá, trong đó có gần 3 sào chuyên thả cá trắm cỏ. Xung quanh khu vực chuyển đổi, ông làm giàn trồng 200 gốc bí xanh, 200 gốc quất và xen canh các loại rau màu ngắn ngày. Sau hai năm thực hiện, đến nay mô hình chuyển đổi của ông Thọ đã đi vào sản xuất ổn định, mỗi năm thu hoạch 1 vụ cá với sản lượng từ 6,5-7 tạ; 3 vụ bí xanh cho thu hoạch gần 10 tấn… tổng doanh thu đạt 120-130 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhiều hội viên nông dân trong xã còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại, cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Nhiều mô hình “ruộng - vườn - ao - chuồng” cho thu nhập cao như hộ gia đình ông Vũ Đình Sỹ, chi HND xóm 13, ông Nguyễn Xuân Hoán, chi HND xóm 12. Đến nay, toàn xã đã có gần 760 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó có 10 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 38 hộ cấp tỉnh, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Nói chuyện với chúng tôi, anh Hà cho biết, không phải cách làm mới nào cũng được người dân đồng tình hưởng ứng ngay, mà Hội phải đẩy mạnh tuyên truyền, thậm chí vận động cán bộ làm trước để người dân thấy lợi, từ đó hội viên nông dân mới làm theo.

Đó chỉ là 2 trong hơn 200 “thủ lĩnh” nông dân trên địa bàn tỉnh đang hằng ngày bám sát cơ sở, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com