Nghĩa Châu phát triển dịch vụ, thương mại

08:11, 01/11/2016
Xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) vốn có nghề khâu nón lá truyền thống với nơi giao dịch nguyên liệu, sản phẩm là chợ Đào Khê nổi tiếng của khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi để xã phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh thương mại - dịch vụ. Để tăng nhanh tỷ trọng thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo mở rộng quy mô làng nghề, hỗ trợ vốn vay mở rộng sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân địa phương và các xã lân cận.
 
Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND xã Nghĩa Châu đã quy hoạch khu vực phát triển thương mại dịch vụ với trung tâm là chợ Đào Khê và các trục đường chính của xã. Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn ưu tiên đầu tư nâng cấp chợ, các tuyến đường có khả năng phát triển thương mại để người dân thuận tiện trưng bày, trao đổi, lưu thông hàng hóa. UBND xã cũng yêu cầu các tổ chức đoàn thể tranh thủ nguồn lực tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trang bị kiến thức thực hành khởi sự doanh nghiệp; dạy nghề, truyền nghề và tư vấn, hướng dẫn các hộ dân tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên môn hoá để tăng năng suất, giá trị ngày công lao động. Đến nay, tổng nguồn vốn vay hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất từ 2 kênh Ngân hàng NN và PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội của xã đạt trên 35 tỷ đồng. Đây là cơ sở giúp người lao động có đủ năng lực để tự tổ chức sản xuất, kinh doanh quy mô hộ gia đình hoặc ứng tuyển làm việc trong các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Trong đó, Hội Nông dân xã đang thực hiện hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất theo cách thành lập các tổ hợp tác chuyên sản xuất lá nón gồm các nhóm hộ chuyên sản xuất vành; nhóm hộ chuyên lên vành lợp lá; nhóm hộ chuyên khâu nón và tổ hợp tác thu mua bao tiêu sản phẩm. Bằng việc thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp thúc đẩy dịch vụ phát triển, đến nay, nghề truyền thống khâu nón lá thôn Đào Khê đã được nhân rộng ra toàn xã với gần 6.000 lao động. Sản phẩm của làng nghề cũng phát triển đa dạng với nhiều dòng nón trang trí, nón lễ hội. Tương ứng với sự phát triển của làng nghề, trên địa bàn xã cũng hình thành 40 cơ sở là đầu mối thu gom sản phẩm, cung ứng nguyên phụ liệu và lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt cho người dân trong vùng. Những năm gần đây khi giao thông liên vùng phát triển, thuận tiện cho xe cơ giới lưu thông, chợ Đào Khê hoạt động mỗi ngày một sầm uất. Cơ cấu hàng hoá tại chợ đa dạng từ phục vụ sản xuất, tiêu dùng hằng ngày của người dân địa phương, đến cung ứng nguyên phụ liệu của nghề làm nón lá, tiêu thụ sản phẩm của người dân ở khu vực các xã miền thượng huyện Nghĩa Hưng và các huyện Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh và huyện Yên Khánh (Ninh Bình)... Trung bình mỗi ngày, chợ Đào Khê luân chuyển trên 2.000 chiếc nón lá do người dân trong xã sản xuất cung ứng cho thị trường trong nước và sang cả thị trường các nước Lào, Thái Lan, Căm-pu-chia. Thu nhập từ nghề khâu nón cũng vì thế mà mỗi ngày một tăng, người dân càng gắn bó, chăm chút cho nghề truyền thống của quê hương. Cả xã mỗi năm cũng thu về khoảng 40-50 tỷ đồng từ nghề nón lá.
Bán nguyên liệu làm nón lá truyền thống tại chợ Đào Khê, xã Nghĩa Châu.
Bán nguyên liệu làm nón lá truyền thống tại chợ Đào Khê, xã Nghĩa Châu.
Cùng với phát triển nghề làm nón, định hướng phát triển thương mại dịch vụ còn được tập trung vào sản xuất nông nghiệp với mục tiêu sản xuất nông sản hàng hóa, tạo thu nhập cao từ đồng đất quê hương. Người nông dân tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào canh tác lúa và nuôi trồng thủy sản. Năm 2016, HTXDVNN đã liên kết với Cty TNHH Toản Xuân tổ chức canh tác và tiêu thụ lúa gạo an toàn trên diện tích 24ha. Hiện tại, tổng diện tích nuôi thủy sản đạt trên 60ha, tập trung vào sản xuất cá giống và nuôi thương phẩm các loại cá truyền thống như: trôi Ấn Độ, trôi Rigan, cá trắm đen, chim trắng, lóc bông… Sản lượng cá thịt toàn xã đạt trên 150 tấn và sản xuất hơn 800 triệu con cá giống mỗi năm, thu lãi khoảng trên 6 tỷ đồng. Tại vùng chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 27ha tập trung ở xóm 6 và xóm 7, nhiều hộ sản xuất cá giống, cá thịt, cá lóc bông đạt hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu lãi từ 100 triệu đồng mỗi hộ trở lên. Xã hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản tại thôn Hạ Dương để các hộ sản xuất cùng ngành nghề có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Với sự nỗ lực đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, tỷ trọng thương mại dịch vụ đã chiếm xấp xỉ 40% trong cơ cấu kinh tế của xã. 
 
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, UBND xã Nghĩa Châu tiếp tục củng cố phát triển làng nghề truyền thống thích ứng với thị trường hiện đại, nghề nuôi thủy hải sản và các loại hình dịch vụ tiêu dùng khác. Bên cạnh đó, xã nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch làng nghề gắn kết khai thác các địa chỉ du lịch trên địa bàn huyện với hoạt động trải nghiệm thực tiễn tại làng nghề bởi nghề làm nón lá rất dễ tổ chức hoạt động trải nghiệm cho nhiều đối tượng du khách. Khách du lịch có thể học cách làm một chiếc nón hoàn chỉnh hoặc phát huy sự sáng tạo khi cùng tham gia trang trí chiếc nón lá, thiết kế những sản phẩm lưu niệm hợp lý, được ưa chuộng. Hoặc mô hình du lịch trải nghiệm được tổ chức tại thôn Hạ Dương với hoạt động tham quan quy trình sản xuất cá giống, chăm sóc, đánh bắt cá và chế biến các món ăn từ cá, trong đó khai thác phát triển tinh hoa ẩm thực truyền thống trong chế biến các món ăn từ cá… Như vậy vừa góp phần phát triển du lịch vừa quảng cáo, phát triển thị trường cho các sản phẩm truyền thống của địa phương./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com