Làm giàu từ mô hình nuôi lợn rừng

03:11, 18/11/2016

Chúng tôi về xã Hải Đường (Hải Hậu), hỏi thăm trang trại chăn nuôi lợn rừng của anh chị Hân - Thúy, ở xóm 4 thì ai cũng biết và tấm tắc khen: “Vợ chồng nhà ấy trẻ mà chịu khó lắm! Giờ đã xây được nhà cửa đàng hoàng, sắm được ô tô con…, là một tấm gương làm kinh tế giỏi được nhiều người trong vùng biết đến”.

Gia trại nuôi lợn rừng của gia đình anh chị Hân - Thúy, xóm 4, xã Hải Đường (Hải Hậu).
Gia trại nuôi lợn rừng của gia đình anh chị Hân - Thúy,
xóm 4, xã Hải Đường (Hải Hậu).

Cùng sinh năm 1982, Vũ Văn Hân và Nguyễn Thị Thúy học cùng khóa phổ thông với nhau. Khi vào đại học, Hân học khoa Thú y (Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) còn Thúy học Đại học Sư phạm II, ngành Hóa - Sinh. Tốt nghiệp ra trường, cả hai cùng về quê lập nghiệp. Thúy trở thành cô giáo dạy Sinh học ở Trường THPT Hải Hậu C; Hân ở nhà phát triển kinh tế gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thúy cho biết, hồi mới đầu tư vào phát triển kinh tế, kinh nghiệm chưa có, kiến thức chủ yếu vẫn là qua sách vở, hai vợ chồng cũng gặp nhiều vất vả. Nhưng với bản tính chịu khó, cần cù, dám nghĩ, dám làm, vợ chồng động viên nhau, đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn. Hết chăn nuôi gà, vịt rồi ngan, lợn có lúc tổng đàn lên đến 500-700 con. Còn nhớ năm 2010, do ảnh hưởng của đợt rét cuối năm, đàn ngan mới nhập chuồng còn nhỏ, nhiệt độ không đủ ấm nên bị chết đến quá nửa, số ngan còn lại sơ xác, gầy hom phải bán rẻ như cho. Không dừng lại ở đó, vợ chồng chị lại vay mượn gây dựng đàn lợn thịt siêu nạc đến 200-300 con. Được 1-2 năm bắt đầu có thu nhập, nhưng đến năm 2012, gặp bão số 7, chuồng trại tốc mái, đàn lợn siêu nạc lại bị ảnh hưởng. Thua lỗ, nợ nần chồng chất, đã có lúc tưởng chừng vợ chồng không thể gượng dậy nổi. Hân quyết định đi xin việc và làm cán bộ kỹ thuật tại Cty Thức ăn chăn nuôi Cargill tại Hà Nội; Thúy ở nhà vừa đi dạy, vừa tăng gia thêm vừa lo trả nợ, vừa kiếm vốn bù đắp dần. Cuối năm 2012, được ông bà ngoại hỗ trợ cho 5 sào đất ruộng, được địa phương tạo điều kiện chuyển đổi từ ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi trang trại, hai vợ chồng lại bắt đầu gây dựng lại kinh tế gia đình. Lần này, qua tìm hiểu, học hỏi, gia đình anh quyết định lựa chọn mô hình nuôi lợn rừng. Qua các phương tiện truyền thông, Hân sang Thái Bình, rồi lên Gò Chè (Thạch Thất - Hà Nội) để tìm mua giống và học hỏi kinh nghiệm. Được sự hỗ trợ của gia đình, anh thế chấp đất đai vay Ngân hàng NN và PTNT được 100 triệu đồng, kết hợp vay mượn thêm người thân, anh em trong nhà, có bao nhiêu vốn liếng dồn vào xây dựng trang trại nuôi lợn rừng. Ban đầu anh mua 1 con lợn đực, 10 con lợn nái. Trên diện tích chuồng trại rộng gần 5 sào anh chia làm 2 khu, gồm khu nuôi nhốt, chăn thả kết hợp trồng cây xanh và khu dành cho trồng cỏ chè, bảo đảm thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Áp dụng phương thức chăn nuôi “gối sóng”, lợn nái sinh sản được bao nhiêu nuôi thành lợn thịt bấy nhiêu, trang trại chăn nuôi lợn rừng của anh chị ngày càng phát triển. Chị vừa đi dạy, vừa tranh thủ thời gian rỗi phụ giúp chồng quản lý trang trại và lo phần kỹ thuật mỗi khi chồng đi vắng. Anh vừa kết hợp công việc của Cty, vừa tranh thủ giới thiệu, quảng bá sản phẩm lợn rừng của trang trại. Dần dần, anh đã xây dựng được mối liên kết tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Thái Bình, Nam Định… Đến nay, trang trại của anh chị đã có đầu ra ổn định, dần có thu nhập và đã trả được nợ ngân hàng và các khoản vay mượn khác. “Thuận vợ, thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”(!). Với sự cần cù chịu khó, dám nghĩ, dám làm của hai vợ chồng, hiện tổng đàn của trang trại đã có 50 con lợn rừng nái và trên 120 con lợn thịt. Bình quân mỗi năm, trang trại của gia đình anh xuất bán hàng trăm con lợn rừng giống; 8-10 tháng xuất 1 lứa lợn thịt, mỗi lần xuất từ 10-20 con. Từ đầu năm 2016 đến nay, trang trại của anh đã xuất bán trên 100 con lợn thịt. Với giá thị trường, lợn rừng giống loại trên 10kg có giá từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng; loại từ 6-7kg trở xuống giá dao động 1,2 đến 1,8 triệu đồng. Con giống loại trên 12-15kg bán theo trọng lượng, giá từ 200-250 nghìn đồng/kg; lợn giống chọn lọc giá bán 300-350 nghìn đồng/kg. Chia sẻ kinh nghiệm, chị Thúy cho biết, sức đề kháng của lợn rừng khá tốt, thị trường lại rộng, dễ tiêu thụ nên nhiều hộ có thể phát triển mô hình này. Bằng cách thả gối đàn, lúc nào trong chuồng nhà anh cũng có hơn 100 con lợn rừng. Đặc biệt, trang trại của gia đình anh còn lai tạo thành công giống lợn đực Việt với giống lợn cái Thái Lan, cho ra đời lợn con (F3) hội tụ đầy đủ gen của cả bố và mẹ. Đây là giống được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhờ sự năng động dám nghĩ, dám làm nên mô hình chăn nuôi lợn rừng của gia đình anh Hân, chị Thúy được nhiều người biết đến. Nhiều nông dân ở các nơi khác đến học hỏi kinh nghiệm đều được anh chị hướng dẫn tận tình. Chị Thúy chia sẻ thêm, để mô hình chăn nuôi lợn rừng đạt hiệu quả kinh tế cao, điều quan trọng nhất là lựa chọn, chủ động được con giống tốt, chuồng trại gắn với khu vườn rộng thoáng mát đảm bảo điều kiện nuôi “bán hoang dã” thả rông với nguồn thức ăn rau, củ, quả tự nhiên. Trang trại nuôi lợn rừng của gia đình anh Hân - Thúy là điển hình của nông dân thời nay quyết tâm vươn lên làm giàu từ đồng đất quê hương./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com