Khó khăn sau chuyển đổi hợp tác xã ở Trực Ninh

06:11, 26/11/2016
Thực hiện Luật HTX năm 2012, UBND huyện Trực Ninh đã sớm chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) tổ chức đại hội thành viên. Đến hết tháng 3-2016, toàn huyện có 21/33 HTX đã tổ chức đại hội thành viên, 7/33 HTX tổ chức hội nghị báo cáo kết quả công tác sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Riêng HTX NN Trực Tuấn, xã Trực Tuấn tổ chức đại hội tháng 7-2016 và 2 HTX NN Đại Thắng, Phương Tân của xã Phương Định tổ chức đại hội kết thúc nhiệm kỳ tháng 9-2016 và ban hành Nghị quyết giải thể HTX theo hình thức tự nguyện. 
 
Sau đại hội, các HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp trong huyện nhanh chóng bắt tay vào đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Trong đó, có 100% số HTX thực hiện dịch vụ thủy nông, thủy lợi nội đồng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; 26 HTX (chiếm 83% số HTX) tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật; 20 HTX tổ chức dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp; 4 HTX có dịch vụ tín dụng nội bộ, 3 HTX tổ chức dịch vụ nước sạch; 9 HTX làm dịch vụ vệ sinh môi trường. Chất lượng các dịch vụ từng bước được cải thiện, góp phần phục vụ tốt yêu cầu sản xuất của các hộ nông dân. Trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, các HTX đã tiến hành thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất. Toàn huyện hiện có 656 máy làm đất, 80 máy gặt đập liên hợp. Bên cạnh đó, các HTX đã tổ chức dịch vụ gieo sạ trên diện tích 416ha. Điển hình là các HTX Trực Chính, Trực Phương có tỷ lệ gieo sạ trên 90% diện tích. Trong việc thực hiện dịch vụ thủy lợi nội đồng, bám sát kế hoạch của UBND huyện, các HTX đã tích cực phối hợp với 2 Cty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh và Hải Hậu tổ chức ra quân làm thủy lợi phục vụ sản xuất vượt kế hoạch, khối lượng đào đắp đạt trên 330 nghìn m 3. Các địa phương cũng đã phối hợp với 2 Cty thủy nông làm tốt công tác giải phóng mặt bằng thi công các công trình, nạo vét kênh cấp 1, 2 kết hợp với ấp trúc làm đường giao thông kênh cấp 3, chiều dài trên 26,5km, khối lượng trên 77 nghìn m 3; nạo vét kênh cấp 3, đắp bờ vùng, bờ thửa, ấp trúc đường giao thông nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới. Một số HTX NN làm tốt như HTX Tân Phú, Cổ Lễ, Trực Chính, Trực Đạo, Trực Thành (Thị trấn Cát Thành), HTX Tây Đường (Trực Phú)… với tỷ lệ đào đắp vượt kế hoạch từ 35 đến 97%.
Hoạt động dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp của HTX SXKD, DVNN Trực Đông, xã Trung Đông (Trực Ninh).
Hoạt động dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp của HTX SXKD, DVNN Trực Đông, xã Trung Đông (Trực Ninh).
Tuy vậy, kể từ khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, cũng như các địa phương khác, công tác chuyển đổi HTX NN theo Luật HTX năm 2012 ở huyện Trực Ninh vẫn gặp không ít khó khăn. Hầu hết các HTX NN trước nay hoạt động tập trung vào các dịch vụ: Thủy nông, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sản xuất. Khi Luật đi vào thực tế, một số Điều của Luật HTX năm 2012 khó áp dụng vào mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp toàn dân (số lượng thành viên, thành phần hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, các tổ dịch vụ, kế toán chiếm nhiều) dẫn đến bộ máy phình to ra, không tinh gọn nên không có kinh phí trang trải hoạt động và trả lương cho cán bộ HTX. Tài sản của HTX được hình thành từ trước đến nay thuộc về tập thể, nay giao lại cho một số người tham gia HTX quản lý các dịch vụ (trạm bơm, máy bơm, kênh mương thủy lợi, trụ sở, sân kho, hợp đồng thầu khoán ruộng...) sẽ tạo ra vướng mắc. Hoạt động dịch vụ phục vụ của HTX đối với những hộ không tham gia HTX cũng gặp khó khăn. Hơn nữa do nhận thức của cán bộ lãnh đạo từ xã đến các thôn, đội còn hạn chế, chưa nắm bắt hết các nội dung của Luật HTX mới, chưa nhận thức rõ được vai trò của HTX mới trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hoạt động của HTX NN toàn xã theo Luật HTX kiểu mới ít tạo ra lợi nhuận nên không đủ trang trải nuôi bộ máy cán bộ quản lý của HTX, do đó không có sức hấp dẫn người sản xuất, kinh doanh tập thể. Các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và nghị định của Chính phủ và thông tư của các bộ về HTX còn ít, chậm được ban hành, thiếu cụ thể đối với loại hình HTX NN theo Luật mới. Nhiều xã không có cán bộ có đủ trình độ, năng lực và nhiệt huyết điều hành hoạt động của HTX theo Luật HTX năm 2012 nên khó thực hiện sau khi chuyển đổi. Ở một số HTX, xã viên không góp vốn cổ phần nên hoạt động của HTX mang tính cầm chừng, hiệu quả thấp. Các tổ dịch vụ của HTX ngày công lao động thấp nên không khuyến khích được người tham gia. Một số xã thiếu sự chỉ đạo cụ thể, cán bộ HTX vẫn chờ ý kiến chỉ đạo của UBND xã. Nhiều xã buông lỏng quản lý đối với hoạt động của HTX nên phần lớn các HTX rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, yếu kém kéo dài dẫn đến người dân thiếu sự tin tưởng vào chỉ đạo, điều hành của cán bộ HTX. Tính công khai, minh bạch của các khoản thu, chi của HTX nhiều nơi làm chưa tốt, hằng năm không có báo cáo tài chính công khai. Nhiều dịch vụ chủ yếu của HTX không được triển khai thực hiện do cán bộ thôn ngại khó, ngại việc... Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, do tác động của cơ chế thị trường, các dịch vụ của HTX bị cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều cơ sở kinh doanh tư nhân nên nhiều HTX rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Theo nhiều cán bộ quản lý HTX trên địa bàn huyện Trực Ninh, việc thực hiện chuyển đổi theo Luật mới rất khó đáp ứng, nhất là tìm phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, khả thi, tạo nhiều việc làm để phục vụ lợi ích xã viên và tập thể, đồng thời duy trì phát triển HTX bền vững. 
 
Để việc tổ chức lại hoạt động của HTX theo Luật HTX năm 2012 thực hiện có hiệu quả, các HTX cần xác định rõ phương hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiệm kỳ mới và trong từng năm. Trong đó nòng cốt là xây dựng phương án hoạt động sản xuất, dịch vụ theo hướng mở rộng ngành nghề, phù hợp với xu thế của thị trường như xây dựng dịch vụ sản xuất giống, rau an toàn, dịch vụ thức ăn chăn nuôi, thu mua sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ vận tải, vật liệu xây dựng... để thu hút xã viên góp vốn tham gia. Việc trẻ hóa bộ máy quản lý, bầu chọn những người có năng lực, trình độ và phẩm chất là hết sức cần thiết để điều hành HTX thoát khỏi tình trạng yếu kém hiện nay./.
 
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com