Khai thác thủy sản tại Vườn quốc gia Xuân Thủy

08:11, 01/11/2016
Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Giao Thủy) nằm ở phía nam cửa sông Hồng, có hệ sinh thái ngập mặn ven biển lớn nên có sản lượng thủy sản tự nhiên dồi dào. Nhằm tạo điều kiện cho người dân sống ở các xã khu vực vùng đệm của VQG có thêm nguồn thu nhập, từ năm 2012 Ban Quản lý VQG đã cho phép người dân được khai thác thủy sản tại vùng lõi.
Khai thác rau câu tại VQG Xuân Thủy.
Khai thác rau câu tại VQG Xuân Thủy.
Vùng lõi VQG Xuân Thủy có diện tích 7.100ha với những đầm lầy, cồn, bãi triều và rừng ngập mặn. Các xã khu vực vùng đệm VQG gồm Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Hải, Giao Xuân với đông đảo người dân sinh sống. Từ lâu người dân khu vực này đã lấy nghề khai thác thủy sản tự nhiên làm sinh kế. Tuy nhiên, do hoạt động khai thác tự phát, không có sự quản lý của cơ quan chức năng nên gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái của VQG. Từ nhận thức nhu cầu khai thác nguồn lợi tự nhiên này là tất yếu vì sinh kế của người dân sống trong khu vực nên Ban Quản lý VQG đã kết hợp với các xã vùng đệm để đưa ra những biện pháp quản lý chặt chẽ, vừa tạo điều kiện cho người dân có thêm nguồn thu nhập, vừa giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững. Một số tổ, đội bảo vệ rừng ngập mặn đã được thành lập nhằm trông coi và ngăn chặn các hành vi khai thác bừa bãi. Qua quá trình triển khai công tác quản lý với nhiều hoạt động từ tuyên truyền, giáo dục đến xây dựng và thực hiện các quy chế…, người dân đã nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong việc khai thác thủy sản tự nhiên. Hiện có 1.000-1.500 lao động thuộc 5 xã vùng đệm VQG đánh bắt thủy sản thủ công tại vùng lõi với mức thu nhập trung bình 100 nghìn đồng/người/ngày. Công việc chính của những người dân sinh sống ở khu vực vùng đệm VQG là làm ruộng hoặc nuôi thủy sản. Họ tranh thủ những lúc nông nhàn để khai thác thủy sản tự nhiên tại VQG để có thêm thu nhập phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Một ngày làm việc của những người dân khai thác thủy sản tại VQG thường bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 2 giờ chiều. Buổi sáng là thời điểm nước rút; khi đó trên bãi bùn hé lộ nhiều sinh vật tự nhiên như cáy, cá thòi lòi, don, lư… Chị Nguyễn Thị Mười, xã Giao Thiện đang dùng dụng cụ để cào đất bắt don vui vẻ bắt chuyện với chúng tôi. Những con don màu nâu nhạt hiện ra sau mỗi lần cào đất, chị chỉ việc đưa tay nhặt. Chị Mười cho biết: “Việc khai thác thủy sản tại vùng lõi VQG mang lại cho gia đình tôi thêm nguồn thu nhập những lúc nông nhàn. Hôm nào khai thác được ít thì mang về nhà làm thức ăn, ngày nào bắt được nhiều thì mang ra chợ bán. Ban Quản lý VQG đã tạo điều kiện cho người dân được khai thác thủy sản tại đây nên chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình, khai thác hợp lý, không làm ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên của VQG”. Trong những bụi cây rừng ngập mặn, các bà, các chị đang tíu tít trò chuyện nhưng vẫn không quên nhiệm vụ chủ yếu là bắt lư - một loại nhuyễn thể không vỏ, mình dẹt, to khoảng 2-3 đầu ngón tay và thường ngụy trang dưới lớp bùn bên dưới các bụi cây ngập mặn. Mỗi lần vào bắt lư, người dân phải trang bị quần áo kín, ủng để không bị các cành cây làm bị thương. Lư có quanh năm nhưng “rộ” nhất là vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 âm lịch với giá thu mua gần 100 nghìn đồng/kg. Công việc vất vả nhưng tiếng nói cười vang rộn. Những người dân khai thác thủy sản tại vùng lõi VQG hoàn toàn chỉ được phép khai thác bằng phương pháp thủ công, không dùng các phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt để tránh làm hại đến nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào mà thiên nhiên ban tặng. Ngoài việc khai thác thủy sản tự nhiên, nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế đa dạng hơn, Ban Quản lý VQG cùng chính quyền 5 xã vùng đệm đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình đấu thầu một phần diện tích các đầm lầy, bãi triều… để thả thêm các loại thủy sản như tôm sú, cá mú, cua… để có thêm nguồn thu nhập và góp phần giúp nguồn thủy sản thêm phong phú, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ban Quản lý cũng nhắc nhở người dân chỉ được nuôi thả trong vùng được cho phép, nghiêm cấm xâm lấn đất mở rộng diện tích hay chặt phá cây rừng để nuôi thủy sản. Có như vậy việc nuôi thả và việc bảo vệ thiên nhiên mới bền vững. Những đối tượng thủy sản được thả tại đây hoàn toàn phát triển tự nhiên, người nuôi không phải cho ăn hay chăm sóc như nuôi ở ao, đầm trong đồng vì ở đây có điều kiện tự nhiên rất tốt, có đa dạng các sinh vật phù du, tảo biển, rong rêu làm thức ăn cho con nuôi. Anh Đinh Minh Đức, xóm 21, xã Giao Thiện (Giao Thủy) đấu thầu 6ha để nuôi thả tôm sú, cá mú… Không phải đầu tư lớn mà chủ yếu bỏ công sức, mỗi năm anh Đức cũng lãi 30-40 triệu đồng/ha. Hay anh Đoàn Văn Vinh, người dân xã Giao Hải đấu thầu diện tích là 10ha để thả thêm tôm, cá. Mỗi năm anh thu nhập được khoảng 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, tại khu vực nuôi thủy sản quảng canh tại các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, bà con còn có nghề thu hoạch “của giời” là rau câu (rong câu) cũng cho thu nhập khá. Trung bình mỗi ngày, một người lao động thu hoạch được 5-7 tạ với giá trị ngày công khoảng 200 nghìn đồng. Đồng chí Nguyễn Viết Cách, Giám đốc VQG cho biết: “Chúng tôi đã tạo điều kiện cho người dân các xã vùng đệm của VQG khai thác thủy sản tự nhiên và được phép thả thêm một số đối tượng nuôi để người dân có thêm thu nhập. Các hoạt động này đều được quản lý, người dân phải tuân thủ các quy định bảo đảm sinh kế của họ không gây hại đến môi trường sinh thái tự nhiên của VQG”. Ban Quản lý VQG Xuân Thủy cũng thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình khai thác thủy sản của người dân, đôn đốc, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức cá nhân, trách nhiệm trong việc bảo vệ và gìn giữ thiên nhiên.
 
Hoạt động khai thác thủy sản tại VQG Xuân Thủy khá thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập ổn định. Công việc tuy vất vả nhưng những người dân nơi đây vẫn rạng rỡ nụ cười bởi họ có được sinh kế ổn định. Phương thức quản lý này giúp bảo đảm hài hòa các lợi ích, mục tiêu bảo vệ và phát triển hiệu quả hệ sinh thái rừng ngập mặn, cân bằng môi trường vì sự phát triển bền vững, thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu./.
 
Bài và ảnh:  Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com