Thời gian qua, một số HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (SXKD DVNN) trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và phát triển chuỗi giá trị, liên kết để sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đây được xem là bước đi thích hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cũng là khẳng định vai trò của HTX trong phát triển các dịch vụ, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa. Điển hình trong số đó là HTX SXKD DVNN Nghĩa Châu, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng).
Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX cho biết, trong vụ xuân và vụ mùa năm 2016, HTX đã ký kết với Cty TNHH Toản Xuân (Nam Định) để xây dựng mô hình sản xuất lúa an toàn theo chuỗi liên kết với diện tích gieo trồng 25ha, thu hút trên 100 hộ nông dân tham gia, tập trung chủ yếu ở xóm 12, 13. Trong đó, nhiều hộ đã tập trung gieo cấy với diện tích lên đến 3ha như hộ anh Trần Quốc Chưởng, xóm 16; hộ anh Tống Văn Oai, xóm 12 với diện tích gieo cấy trên 1,1ha. Để sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết, Cty đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với HTX xây dựng quy trình sử dụng giống, phân bón; tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăm bón, sử dụng thuốc BVTV theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Trong đó, yêu cầu các hộ nông dân khi tham gia mô hình hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu và thay thế bằng chế phẩm sinh học. Ở mỗi giai đoạn lúa sinh trưởng đều có cán bộ kỹ thuật của Cty và HTX bám đồng ruộng và hướng dẫn bà con nông dân ghi vào “sổ tay theo dõi” từng giai đoạn phát triển của cây lúa. Ngoài ra, khi tham gia trong mô hình liên kết, HTX ký hợp đồng cung ứng giống của Cty CP Giống cây trồng Nam Định để cung cấp giống Bắc thơm số 7; ký hợp đồng cung ứng phân bón NPK16-16-8 của Đạm Phú Mỹ theo phương thức trả chậm. HTX đã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất lúa an toàn theo quy trình, tiêu chuẩn và được các thành viên thực hiện nghiêm túc. Khi thu hoạch, với phương thức thu mua tại ruộng, Cty đưa xe đến đầu bờ ruộng, lúa gặt đến đâu, thóc đóng bao và chuyển lên xe đến đó. Cty cam kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cao hơn giá thị trường 6-10%, tiền được thanh toán ngay sau đó 1 tuần. Qua 2 vụ, HTX đã cung cấp cho Cty trên 200 tấn thóc Bắc thơm số 7. Trong đó, giá thị trường ở vụ xuân 2016 có giá bình quân 7 triệu đồng/tạ, Cty đã thu mua với giá 8,1 triệu đồng/tạ; giá vụ mùa ở mức 7,6-7,7 triệu đồng/tạ, Cty mua 8,45 triệu đồng/tạ. Anh Trần Quốc Chưởng, thành viên HTX Nghĩa Châu cho biết: “Tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa, gạo cho doanh nghiệp, chúng tôi được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cặn kẽ việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV, qua đó quản lý tốt dịch hại, giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Nông dân chúng tôi nhẹ gánh đầu vào và cũng không phải lo đầu ra, năng suất và lợi nhuận cao hơn cấy lúa thông thường từ 1,2-1,3 lần”. Cũng như anh Chưởng, nhiều hộ nông dân đều có chung nhận định, tham gia chuỗi sản xuất này, người nông dân có lợi thế: đảm bảo lúa an toàn, chăm bón theo hướng dẫn, bón phân cân đối, hạn chế sâu bệnh, năng suất cao; thu hoạch xong bán ngay tại ruộng, không phải lo công phơi, vận chuyển, giảm chi phí, nhân công, giá lại cao hơn so với thị trường 6 đến 8%. Ngay trong vụ mùa 2016 vừa qua, sau khi thu hoạch và bán cho Cty, nông dân đã nhận tiền chỉ sau 4 ngày nên rất phấn khởi, yên tâm. Trao đổi thêm với chúng tôi, đồng chí Quang cho biết, từ trước đến nay, việc tiêu thụ lúa gạo chủ yếu thông qua các đầu mối bán lẻ tiêu thụ nội bộ, lợi nhuận nằm ở một bộ phận tiểu thương còn người nông dân không có lãi. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nông dân không thiết tha với nông nghiệp và ngại đầu tư cho nông nghiệp. Và biện pháp để nhằm khắc phục tình trạng trên, tìm ra hướng đi mới cho nông dân, HTX đã đứng ra làm đầu mối ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa an toàn với Cty TNHH Toản Xuân. Cái lợi rõ nét nhất của hình thức sản xuất này là nông dân sản xuất tập trung hơn nên thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, hạn chế sâu bệnh và đẩy mạnh được cơ giới hóa, qua đó hạ giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo số lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Nông sản được doanh nghiệp tiêu thụ không còn bị tư thương ép giá, không còn tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Lượng lúa hàng hóa tăng, chất lượng đảm bảo, bán được giá cao hơn. Nông dân nhàn hơn, lợi nhuận cao hơn nên gắn bó với đồng ruộng.
Như vậy có thể thấy rằng cánh đồng lớn đồng nhất về giống sản xuất theo chuỗi liên kết tại HTX Nghĩa Châu là cách làm mới trong sản xuất lúa, có thể là “hình mẫu” của nông nghiệp trong tương lai, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Cũng theo đồng chí Chủ tịch HĐQT HTX, sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đất nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là xuất khẩu. Để mô hình thành công rất cần sự vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được tính ưu việt của mô hình cũng như dần có những thay đổi trong tập quán canh tác. Từng người nông dân hoặc các tổ hợp tác, HTX nhỏ lẻ không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế mà cần phải thực hiện liên kết giữa các nông hộ (tổ chức của nông dân) với các doanh nghiệp thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế; đồng thời làm gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, sản xuất theo chuỗi đòi hỏi người nông dân phải bám sát quy hoạch, liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Tuy bước đầu mô hình sản xuất theo chuỗi trên địa bàn HTX với diện tích còn nhỏ nhưng qua quá trình triển khai cho thấy mô hình chuỗi giá trị đã mở ra cơ hội, điều kiện, tiền đề để phát triển, nhân rộng mạnh mẽ các hình thức liên kết này trên lĩnh vực nông nghiệp trong tương lai. Việc đẩy mạnh liên kết giữa người nông dân với HTX và giữa HTX với các Cty, doanh nghiệp, nhà khoa học là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Được biết, trong kế hoạch sản xuất vụ xuân năm 2017, Sở NN và PTNT sẽ tiến hành rà soát, ban hành các chính sách nhằm đẩy mạnh mối liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, yêu cầu mỗi huyện, thành phố phải xây dựng được một mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tỉnh cũng sẽ có cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao, giống lúa; vùng rau, màu, hoa quả, dược liệu. Đây sẽ là những “cú hích” quan trọng để các HTX như HTX SXKD DVNN Nghĩa Châu tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống của các hộ xã viên./.
Thanh Tuấn