Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

08:11, 14/11/2016
Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Hải Hậu đã tập trung phát động và tổ chức cho hội viên thực hiện 3 phong trào thi đua của Hội, trong đó ưu tiên thực hiện các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh giúp hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Qua trao đổi về các giải pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đồng chí Đỗ Văn Mạnh, Chủ tịch HND huyện cho biết, hiện nay, phong trào hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trong huyện. Hằng năm, HND huyện đã chỉ đạo HND các xã, thị trấn lập danh sách hội viên có hoàn cảnh khó khăn để xây dựng kế hoạch, tìm giải pháp giúp đỡ để họ thoát nghèo. Xác định muốn phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất trước hết phải có vốn, HND huyện đã phối hợp với các ngân hàng khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay. HND huyện đã phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT huyện chỉ đạo các cơ sở Hội tiến hành sắp xếp, củng cố 551 tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với Ngân hàng CSXH thông qua 258 tổ vay vốn và tiết kiệm đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH là trên 162 tỷ đồng cho trên 6.500 hộ vay; tín chấp với Ngân hàng NN và PTNT trên 332 tỷ đồng cho trên 9.500 lượt hộ vay. HND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tích cực đôn đốc các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tốt việc thu hồi lãi, trả nợ đúng hạn; làm tốt quy trình bình xét cho vay theo đúng quy định và thường xuyên có những đợt kiểm tra việc sử dụng vốn đối với hội viên. Ngoài ra, HND huyện còn nhận quản lý và điều hành 4 dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cho 85 hộ vay 2,1 tỷ đồng. Xây dựng và quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện trên 1,1 tỷ đồng cho 145 hộ vay. Nhờ nguồn vốn được vay, nhiều hội viên đã sử dụng hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, kinh tế khá giả. 
Nông dân Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chăm sóc rau màu.
Nông dân Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chăm sóc rau màu.
Bên cạnh đó, HND huyện còn duy trì, phối hợp với các doanh nghiệp, các ngành liên quan tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng phân bón chất lượng theo phương thức trả chậm cho hội viên. Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện phối hợp của các ngành, doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm 2016, các cấp HND trong huyện đã tổ chức 57 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phương pháp sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi... cho trên 8.550 lượt hội viên; tổ chức 6 lớp dạy nghề cho trên 210 hội viên của các xã: Hải Cường, Hải Phương, Hải Phúc, Hải Phú, Hải Đường và Hải Sơn. Ngoài ra, các cấp Hội cơ sở còn phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới, Cty TNHH Thanh niên Việt tổ chức 73 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật sử dụng hợp chất sinh học E.T, A2 trên cây lúa, cây rau màu... cho 9.125 hội viên của 32/35 xã, thị trấn. Đến nay, hàng nghìn hội viên có việc làm ổn định tại các xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Hằng năm, Hội phát động phong trào mỗi cơ sở Hội giúp từ 1-2 hội viên thoát nghèo, xây dựng các mô hình điểm về phát triển kinh tế; đến nay đã xây dựng thành công 9 mô hình sử dụng chế phẩm sinh học BiOWish trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng 2 mô hình nuôi trồng thủy sản tại xã Hải Triều và Thị trấn Thịnh Long; 2 mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Hải Toàn và Hải Long; 4 mô hình chăn nuôi tại các xã Hải Minh, Hải Long và Hải Đông… Ngoài ra, HND huyện còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở 2 lớp dạy nghề may công nghiệp và nuôi trồng thủy sản cho 70 hội viên… Có vốn, có kiến thức, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất; đến nay, toàn huyện có 154 trang trại và trên 1.500 gia trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả. Nhiều trang trại, gia trại cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm, mức thu nhập bình quân đạt trên 30,1 triệu đồng/người/năm. Nông dân đã tích cực chuyển đổi sản xuất theo quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh cây trồng vụ đông dưới chân ruộng 2 lúa, hình thành các vùng chuyên canh cây rau màu như Hải Toàn, Hải Phú, Thịnh Long, Hải Tây…, vùng chuyên canh cây dược liệu như Hải An, Hải Toàn, Hải Lộc, Hải Quang…, xây dựng các mô hình trồng lúa chét, lúa chất lượng cao như Hải Tây, Hải Tân… 
 
Thông qua các hoạt động hỗ trợ đã giúp người dân tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phong trào thi đua lao động, sản xuất giúp hội viên phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm, tăng thu nhập, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Số hộ nông dân tham gia lao động sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng nhiều, bình quân hằng năm có 45% số hộ đạt hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; hàng nghìn hộ thoát nghèo. Số hộ nông dân có thu nhập cao ngày càng tăng. Qua đó, ngày càng khẳng định được vai trò của tổ chức HND xứng đáng là “bà đỡ - điểm tựa cho nông dân” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
 
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com