Những năm qua, HND huyện Mỹ Lộc đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho hội viên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch HND huyện cho biết, để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, ngay từ đầu năm, các cấp HND trong huyện đã phát động và tổ chức cho trên 6.600 hộ gia đình hội viên đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đến thăm trang trại của gia đình anh Phạm Văn Khá, chi HND xóm Nam, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc), anh cho biết, anh bắt tay vào khởi nghiệp từ năm 2005 nhưng vốn ít, kinh nghiệm chưa có nên hiệu quả sản xuất còn hạn chế. Khi xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình anh đã dồn đổi thêm được 3.000m
2 đất ruộng liền kề, nâng tổng diện tích trang trại của gia đình lên 6.000m
2. Được sự hỗ trợ của HND xã, anh mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT 200 triệu đồng để đầu tư nuôi cá truyền thống, chủ yếu là cá trắm cỏ, cá trôi. Để tận dụng đất đai, trên bờ, anh tập trung xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi gà, lợn thịt, còn lại anh đào 2 ao nuôi cá truyền thống. Để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, anh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề do HND phối hợp tổ chức để nâng cao kiến thức nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, anh có thêm kinh nghiệm trong phát triển kinh tế trang trại. Hiện, trang trại của gia đình anh nuôi 40 con lợn thịt, 400 con vịt, 100 con gà. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán 2-3 lứa lợn, 4-5 lứa gà, vịt. Ngoài ra, với diện tích ao nuôi cá truyền thống, mỗi năm anh thu được từ 2-3 tấn cá, thu nhập 150 triệu đồng trở lên. Còn đối với anh Trần Trọng Việt, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa (Hà Nội), nhiều năm bươn chải khắp trong Nam, ngoài Bắc, Việt quay trở về quê hương bắt tay khởi nghiệp để trồng rau sạch trong nhà lưới. Với kinh nghiệm tích lũy được, kết hợp với nghiên cứu thị trường, Việt đã tập trung vốn tự có, vay thêm vốn của gia đình, anh em, bạn bè để đầu tư vào trang trại trồng rau sạch. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và trực tiếp của HND xã, Việt đã chuyển đổi, đấu thầu và ký hợp đồng thuê của các hộ dân ở khu vực đồng bãi sông Châu Giang được gần 2ha để xây dựng trang trại. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ đúng quy chuẩn, trang trại rau sạch của Việt ngày càng phát triển. Nhiều sản phẩm như dưa chuột, dưa chuột bao tử, cà chua, rau sạch các loại theo phương thức “mùa nào thức ấy”… đã được Việt đưa đi tiêu thụ tại các thị trường Hà Nội, Nam Định và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân trong huyện có vốn, vật tư, kỹ thuật để phát triển sản xuất; phát triển ngành nghề, tạo việc làm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đến nay, toàn huyện đã có 26 trang trại được công nhận theo tiêu chí mới. Bên cạnh đó, HND huyện đã triển khai kế hoạch xây dựng mô hình kinh tế tập thể với mô hình tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong ở xã Mỹ Hà, tổ hợp tác may mặc ở xã Mỹ Thắng nhằm tư vấn, phổ biến kinh nghiệm, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện cho nông dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng NTM. HND Mỹ Lộc còn phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện thẩm định triển khai mô hình thí điểm dự án liên kết bao tiêu lương thực giữa Cty TNHH Toản Xuân với các hộ nông dân các xã Mỹ Thịnh, Mỹ Hà trên cánh đồng diện tích 40ha theo chương trình “sản xuất lúa sạch an toàn”. Hằng năm HND xã Mỹ Hà ký kết với Cty CP Lương thực miền Bắc tiêu thụ lúa gạo với tổng diện tích canh tác trên 20ha. HND huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) mở các lớp dạy nghề ngắn hạn về nuôi trồng thủy sản cho 180 cán bộ hội viên nông dân 2 xã Mỹ Thuận, Mỹ Thịnh; phối hợp với Cty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao tổ chức tập huấn sử dụng phân bón NPK cho 500 hội viên nông dân các xã, thị trấn theo phương pháp “4 đúng”, giúp nông dân thâm canh hiệu quả. Ngoài ra, HND các xã, thị trấn còn phối hợp với Ban Nông nghiệp, HTX nông nghiệp tổ chức 14 buổi tập huấn cho 3.230 hội viên về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, hoa màu, cây ăn trái, sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi... giúp nông dân thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, HND các cấp trong huyện còn phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Đến hết tháng 9-2016, tổng số vốn vay nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH đạt 26 tỷ 651 triệu đồng cho 1.751 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT cho 1.465 hộ vay 149 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, HND huyện đã vận động, xây dựng và thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số vốn trên 272 triệu đồng, giúp cho 12 hộ vay với lãi suất ưu đãi; nhận ủy thác từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương 900 triệu đồng cho 22 hội viên của 2 xã Mỹ Thịnh, Mỹ Thắng vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, hội viên nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm dần, số hộ khá và giàu tăng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần hội viên tăng rõ rệt, vai trò của tổ chức HND được nâng lên thu hút ngày càng đông hội viên tham gia sinh hoạt./.
Thanh Tuấn