Giao Thủy phát triển kinh tế trang trại

08:11, 04/11/2016
Những năm gần đây, huyện Giao Thủy có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích các cá nhân, tập thể mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (NTTS) thông qua đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại. Qua đó, huyện đã khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai ven biển và những vùng sản xuất lúa năng suất thấp, góp phần từng bước thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng NTM.
 
Đến nay, toàn huyện Giao Thủy có 218 trang trại chăn nuôi, NTTS và tổng hợp; tổng doanh thu của các trang trại ước đạt 361 tỷ đồng/năm. Các trang trại chăn nuôi chủ yếu nuôi lợn nái sinh sản, lợn thương phẩm, gà công nghiệp và vịt. Trung bình mỗi trang trại nuôi khoảng 150-300 con lợn thịt, 1.000-2.500 con gà, vịt… Lãi bình quân 250 triệu đồng/trang trại/năm. Hầu hết các trang trại chăn nuôi nằm trong vùng quy hoạch của các địa phương. Nhiều trang trại đã mạnh dạn vay vốn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: công nghệ chuồng kín, máng uống tự động, máng ăn bán tự động; đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời, hợp vệ sinh và tiết kiệm các loại dinh dưỡng cho vật nuôi; áp dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí sinh học bi-ô-ga, sử dụng men vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Nhờ môi trường chăn nuôi sạch, chế độ dinh dưỡng đảm bảo và thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn, quản lý dịch bệnh nên hiệu quả sản xuất từ các trang trại cao hơn hẳn chăn nuôi nông hộ. Tiêu biểu là trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp khép kín của anh Mai Văn Nam ở xã Giao Hải. Trang trại của anh Nam được chia làm 2 khu: khu 1 chăn nuôi 30 con lợn nái ngoại và 5 con lợn đực giống chất lượng cao; sản xuất lợn giống cho khu 2 nuôi lợn thịt. Mỗi năm trang trại của anh Nam xuất bán 450-500 con lợn thịt; doanh thu đạt 1,8-2 tỷ đồng/năm, lãi trên 300 triệu đồng/năm. Do kết hợp tốt công thức vườn - ao - chuồng nên các trang trại tổng hợp ở Giao Thủy phát triển ổn định. Trang trại tổng hợp của ông Mai Xuân Láng, xã Giao Hà được thành lập năm 2013 trên diện tích 7ha đất lúa năng suất thấp chuyển đổi thuộc vùng quy hoạch trang trại của xã. Ông Láng cho biết: Ngay sau khi thuê đất, ông đã đầu tư trên 5 tỷ đồng vào đào ao, lập vườn, xây dựng chuồng trại. Hiện trang trại của ông được phát triển lên tới 2,5ha trồng cây dược liệu đinh lăng, cây hòe; nuôi 10 con bò đẻ và 30 con lợn rừng; dưới nước thả 4ha cá và tôm thẻ chân trắng. Đây là trang trại phi chất thải nên rất bền vững, cho thu nhập ổn định. Mỗi năm, trang trại của ông Láng đạt doanh thu xấp xỉ 2 tỷ đồng, cho thu nhập trên 300 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động. Trong 5 năm trở lại đây, phong trào NTTS ở Giao Thủy phát triển sôi động, nhất là nuôi mặn lợ. Phương thức nuôi quảng canh được chuyển dịch sang nuôi tập trung, thâm canh. Nhiều trang trại nuôi ngao, cá vược, cá hồng mỹ, tôm, một số loài thủy đặc sản… được hình thành tại các vùng nuôi theo quy hoạch ở các xã: Bạch Long, Giao Phong, Giao Thiện, Giao Xuân, Thị trấn Quất Lâm... đáp ứng được nhu cầu sản xuất và làm giàu chính đáng của người dân. Các chủ trang trại đã đầu tư thời gian, kinh phí để học hỏi kinh nghiệm và kiến thức mới trong quản lý, kỹ thuật NTTS nên đạt hiệu quả sản xuất cao. Điển hình là trang trại của ông Cao Văn Uyển, xã Giao Phong. Năm 2010, ông đã đấu thầu 4,5ha ngoài đê biển và đầu tư xây dựng 13 ao nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Trang trại nuôi tôm của ông doanh thu mỗi năm đạt trên 3 tỷ đồng, lãi 1 tỷ đồng/năm. 
Trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp của anh Mai Văn Nam, xã Giao Hải mỗi năm lãi trên 300 triệu đồng.
Trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp của anh Mai Văn Nam, xã Giao Hải mỗi năm lãi trên 300 triệu đồng.
Để đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế trang trại, huyện Giao Thủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp quan tâm quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, quy hoạch phát triển thủy sản phù hợp với thực tiễn địa phương để có cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại. Các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các gia đình có năng lực kinh tế và có điều kiện về lao động, khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tốt, có mong muốn làm giàu tham gia đầu tư xây dựng trang trại. Trước khi triển khai xây dựng trang trại, các hộ dân đều được tư vấn, tổ chức cho đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các phòng chuyên môn tạo điều kiện tốt nhất cho những hộ đầu tư trang trại; đặc biệt là thủ tục giao đất nhanh gọn, đúng pháp luật nên đã tạo được niềm tin của tập thể và cá nhân tham gia xây dựng trang trại. Chỉ đạo tốt việc xây dựng và thực hiện cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật cho các trang trại và các quy chế khác theo quy định của tỉnh, Trung ương. Các cơ quan chức năng của huyện tích cực phối hợp với các cơ sở dạy nghề của tỉnh đào tạo nghề cho các chủ trang trại, những người trực tiếp chăn nuôi, NTTS. Khuyến khích các doanh nghiệp thuê tư vấn kỹ thuật nước ngoài để học tập phương pháp sản xuất ngao giống. Đến nay, Giao Thủy đã tự sản xuất được giống ngao, tôm, cua… đáp ứng nhu cầu sản xuất của địa phương và bước đầu cung cấp cho người nuôi ở các tỉnh khác. Không chỉ có các cơ chế, chính sách ưu đãi, huyện còn thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, lưới điện cho các khu quy hoạch NTTS, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, tạo điều kiện cho Ban quản lý dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi Cồn Ngạn; nuôi tôm công nghiệp Bạch Long - Giao Phong hoàn thành các hạng mục công trình tạo điều kiện cho các trang trại sản xuất hiệu quả. Vận động các tổ chức, cá nhân góp kinh phí xây dựng trạm điện phục vụ sản xuất kịp thời. Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập thể, cá nhân mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Với sự chỉ đạo của UBND huyện, các ngành chức năng đã hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm góp phần phát triển ổn định sản xuất trong nhiều năm qua.
 
Phát triển kinh tế trang trại ở Giao Thủy đã khẳng định được hướng đi đúng đắn, tận dụng tiềm năng, lợi thế, nguồn nội lực của huyện. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện thường xuyên cập nhật thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quan điểm chỉ đạo của tỉnh về phát triển kinh tế trang trại. Đồng thời tiếp tục xúc tiến việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại theo đúng quy định; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh và trình độ kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất. Tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, giao thông, hệ thống điện, nước, xử lý chất thải và BVMT ở các vùng đã quy hoạch. Từng bước hình thành các hình thức liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp với các trang trại./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com