Đầu tư mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hoá

08:11, 22/11/2016
Tháng 10-2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTAEAEU) (bao gồm các nước Nga, Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan) chính thức có hiệu lực đã mở ra kỳ vọng mới, tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường này để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và phát triển hợp tác, đầu tư. Tranh thủ cơ hội này, các ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động tìm hiểu, xúc tiến thị trường để tìm kiếm cơ hội, mở rộng đầu tư xuất, nhập khẩu tại thị trường EAEU, nhất là Liên bang Nga.
Kiểm tra quy trình làm sạch ngao trước khi chế biến tại Cty Thủy sản Lenger Việt Nam, CCN An Xá (TP Nam Định).
Kiểm tra quy trình làm sạch ngao trước khi chế biến tại Cty Thủy sản Lenger Việt Nam, CCN An Xá (TP Nam Định).
Nga vốn là bạn hàng truyền thống của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh vào thập kỷ 80 nên hầu hết các doanh nghiệp đã khá quen với xu hướng tiêu dùng, đặc điểm văn hóa Nga để chiều lòng khách hàng. Hiện tại với dân số lên đến 170 triệu người, nhu cầu tiêu dùng lớn, chất lượng hàng hóa của Việt Nam đã có thể đáp ứng nhu cầu tương đối dễ tính của người tiêu dùng Nga. Đặc biệt tại thời điểm hiện nay khi FTAEAEU chính thức có hiệu lực thì tất cả các nước tham gia cam kết cùng dỡ bỏ các hàng rào thuế quan, đơn giản hóa quá trình tiếp cận hàng hóa và dịch vụ trong quan hệ thương mại song phương, giảm thuế nhập khẩu. Theo đó Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 59% mặt hàng từ EAEU, trong đó có sản phẩm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép... Thuế suất đối với 30% mặt hàng khác như nông sản, các sản phẩm từ lụa, đồ gia dụng bằng nhựa… sẽ giảm thuế nhập khẩu về 0%. Riêng mặt hàng may mặc, các sản phẩm bao gồm áo phông dệt kim nam, nữ, áo khoác dệt thoi sợi hóa học nam, nữ đều được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu; các sản phẩm may mặc khác cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu có điều kiện. Đây là một trong những lợi ích chính của FTA mang lại và là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng về giá và chất lượng cũng như chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trên thị trường Nga. Hơn nữa, hiện thị trường Nga cũng đã chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền nội tệ của hai nước thay cho ngoại tệ trung gian để thúc đẩy thương mại tốt hơn. Đồng thời Nga tiếp tục gia hạn lệnh cấm vận nông sản từ châu Âu tới cuối năm 2017; cấm vận hàng rau quả, thịt, hoa từ Thổ Nhĩ Kỳ từ 2016… nên thị trường Nga đang là mục tiêu chinh phục của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng. Đối chiếu với thị trường Nga, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản, công nghiệp nhẹ như dệt may, gỗ giấy, da giày… sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ thuế suất, điều kiện tiếp cận thị trường khi xuất khẩu hàng hóa sang Nga. Ngược lại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cung ứng, phân phối hàng hóa thuộc các ngành hàng như thịt, sữa, bột mì, phân bón, dầu khí và những sản phẩm từ dầu, ô tô các loại, thép, thiết bị máy móc… cũng được hưởng lợi từ việc nhập hàng hóa phi thuế quan (những mặt hàng này trước kia phải chịu thuế suất rất cao khi xuất, nhập tại thị trường cả hai nước). Để đón đầu hiệu lực FTAEAEU, trước đó, Sở Công thương đã lên kế hoạch tổ chức xúc tiến kết nối sản phẩm Việt Nam với thị trường Nga. Theo đó, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực dệt may, da giày, thủy, hải sản của tỉnh đã tham gia Hội chợ giao thương tìm đối tác tại Trung tâm Thương mại Hà Nội - Mát-xcơ-va INCENTRA (Hà Nội). Hội chợ là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam trực tiếp tiếp cận thị trường Liên bang Nga, quảng bá sản phẩm thương hiệu, kết nối giao thương, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, từng bước xây dựng mạng lưới đại lý, phân phối tại chỗ, làm quen thị trường, tìm hiểu thị hiếu, thói quen tiêu dùng và sức mua của khách hàng cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp phân phối tại nước sở tại; cung cấp thêm thông tin nhu cầu của thị trường Nga đối với hàng hóa Việt Nam, thuận lợi, khó khăn trong giao dịch kinh doanh giữa hai nước, cũng như lợi thế của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này. Với lợi thế đó, các doanh nghiệp tỉnh ta cũng đang nỗ lực đầu tư công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh để nâng cao giá trị cạnh tranh hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm hàng hoá có thế mạnh của tỉnh được thị trường Nga ưa chuộng như: đồ thủ công mỹ nghệ, dệt may, tơ lụa, đồ gỗ, ngao, tôm, thịt đông lạnh… Chuyển động mạnh nhất trong khối doanh nghiệp là các đơn vị xuất khẩu, chế biến nông, thủy sản đã chủ động liên kết, đầu tư vốn, khoa học công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó Cty TNHH Công Danh (TP Nam Định) chuyên kinh doanh hàng nông, thủy sản thực phẩm xuất khẩu đã đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến thịt lợn mảnh, thịt lợn sữa đông lạnh xuất khẩu với công suất 800 nghìn tấn/năm trị giá gần 7 tỷ đồng để sẵn sàng đón các đơn hàng xuất khẩu. Cty TNHH Biển Đông xã Hải Lộc (Hải Hậu) đã đầu tư khép kín “từ trang trại đến bàn ăn” với các sản phẩm thịt lợn đông lạnh xuất khẩu, các loại thức ăn nhanh chế biến từ thịt lợn trên dây chuyền công nghệ cao như: xúc xích, thịt ba chỉ, thăn, chân giò xông khói. Trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, Cty Thủy sản Lenger Việt Nam (TP Nam Định) đã đầu tư dây chuyền công nghệ cao chế biến ngao sạch xuất khẩu theo công nghệ Hà Lan (toàn bộ máy móc, trang thiết bị đều được nhập trực tiếp từ Hà Lan). Công nghệ chế biến ngao của Lenger được đánh giá cao trên thị trường thủy, hải sản châu Âu vì chất lượng an toàn và thân thiện với môi trường. Theo đó sau khi thu hoạch tại vùng nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm do Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm, thủy sản chứng nhận, con ngao được làm sạch theo quy trình khép kín bằng nước biển tự nhiên để loại bỏ hết tạp chất, vi khuẩn và giảm bớt độ mặn trong ngao nuôi ngoài môi trường tự nhiên. Sau khi đóng gói, ngao được làm lạnh đột ngột áp dụng chế độ ngủ đông và vận chuyển đến các đại lý phân phối ra thị trường. Với công nghệ bảo quản này, ngao vẫn giữ được độ tươi ngon và chất dinh dưỡng khi đến tay người tiêu dùng mà không cần sử dụng bất cứ hóa chất nào. Hiện tại ngao sạch Lenger đã có mặt tại hệ thống siêu thị Vinmark của tập đoàn Vingroup và nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở nhiều thị trường lớn trong nước: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… Cty đã đầu tư thêm dây chuyền đóng hộp ngao tách vỏ và cấp đông nhanh bằng nitơ lỏng để sản xuất đồ hộp xuất khẩu phục vụ khách hàng các nước châu Âu, Nga, Mỹ, Nhật Bản. Hiện tại Cty đã có đơn hàng xuất khẩu đầu tiên sang Tây Ban Nha với cả sản phẩm ngao sống đông lạnh và ngao tách vỏ đóng hộp. Cùng với các đơn vị làm hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, cung ứng hàng hóa, dịch vụ như ô tô, phân bón, dầu khí, thép, thiết bị máy móc cũng nỗ lực đầu tư mở rộng sản xuất, đa dạng hóa dịch vụ để tranh thủ đón nguồn nguyên liệu nhập khẩu phi thuế quan. 
 
Chuyển động của các doanh nghiệp trên địa bàn để đón bắt cơ hội đầu tư mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu “có một không hai” này đã khẳng định sự nhạy bén của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Đây là tín hiệu tích cực không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mà còn góp phần thúc đẩy quá trình làm mới thị trường và đẩy mạnh giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com