Nắm bắt được nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm tăng cao, ngành Ngân hàng đang tập trung chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), của UBND tỉnh về cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù nền kinh tế còn gặp không ít khó khăn, khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp còn hạn chế, song hoạt động của các ngân hàng thương mại, TCTD trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được sự ổn định và đạt những kết quả khả quan. Có được kết quả đó là do Chi nhánh NHNN tỉnh đã làm tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn, bảo đảm an toàn, hiệu quả; đồng thời triển khai tốt các giải pháp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN và UBND tỉnh về hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã có 157 khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình với tổng trị giá được các ngân hàng cam kết giải ngân là 3.522 tỷ đồng. Đã có 7 doanh nghiệp được điều chỉnh giảm lãi suất, trong đó lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm từ 10,5%/năm xuống còn 8,8%/năm, cho vay ngắn hạn giảm từ 8,5%/năm xuống còn 7%/năm. Các hợp đồng ký kết và giải ngân đều được các doanh nghiệp đánh giá cao, giúp các đơn vị từng bước phục hồi, đẩy mạnh và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Phạm Thanh Hương, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nam Định cho biết: Nỗ lực thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Chi nhánh NHNN tỉnh, đến nay Chi nhánh đã giải ngân cho các doanh nghiệp trên địa bàn vay gần 1.629 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có dư nợ cao như: Cty CP May Sông Hồng được vay hơn 1.077 tỷ đồng; Cty CP TASCO vay gần 273 tỷ đồng; Cty CP Dệt may Nam Định vay hơn 60 tỷ đồng; Cty TNHH Cường Tân vay gần 49 tỷ đồng… Nguồn vốn vay đã góp phần giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh các chương trình sản xuất phục vụ xuất khẩu, thi công xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng… giúp tạo việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các ngân hàng, TCTD còn đẩy mạnh cho vay chương trình tín dụng theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định so với thời điểm cuối năm 2015. Theo đánh giá của Chi nhánh NHNN tỉnh, lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu… hiện được các ngân hàng, TCTD áp dụng phổ biến ở mức 7-8%/năm. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay khá thuận lợi, nhiều ngân hàng, TCTD đã chủ động tìm kiếm, mở rộng mạng lưới khách hàng; có ngân hàng còn tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình sử dụng vốn, nhu cầu vốn đầu tư, từ đó phối hợp cùng doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận, vay vốn tín dụng ngân hàng. Nhờ đó, tính đến hết tháng 10-2016, tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 36.839 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cuối năm 2015.
|
Cho vay phát triển nông nghiệp đang được các ngân hàng ưu tiên. |
Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam Chi nhánh Nam Định là đơn vị nằm trong tốp đầu các ngân hàng, TCTD trên địa bàn về mức tăng trưởng tín dụng. Giám đốc Chi nhánh Phạm Văn Cận cho biết: Dịp cuối năm, nhu cầu đầu tư cho phát triển, sản xuất của doanh nghiệp thường tăng, do vậy Chi nhánh đang tích cực tập trung đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; chú trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp phục vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Chi nhánh còn tập trung đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng để cho vay tiêu dùng; có cơ chế ưu đãi đối với khách hàng mới; khen thưởng cán bộ, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ… Tại một số chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh như: Vietinbank, Vietcombank, Techcombank, VPbank… đã và đang đẩy mạnh cho vay lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường, tiêu dùng, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu hàng hóa, xây dựng… Trong đó ưu tiên số một vẫn là các dự án trọng điểm, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh; tập trung vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu tiên theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, của tỉnh; cho vay doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cho vay hỗ trợ nhà ở, cho vay nước sạch vệ sinh nông thôn, cho vay thí điểm sản xuất nông nghiệp... Bên cạnh việc mở rộng đầu tư tín dụng, toàn ngành còn tập trung chỉ đạo các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất phát triển sản xuất, kinh doanh. 10 tháng năm 2016, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã thực hiện gia hạn nợ cho hàng nghìn lượt khách hàng, miễn, giảm hàng chục tỷ đồng tiền lãi phải trả cho khách hàng vay vốn. Song song với việc triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng, các ngân hàng, TCTD cũng tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn, giảm nợ xấu, nợ khoanh. Chú trọng thực hiện công tác kiểm soát chất lượng hoạt động tín dụng; thực hiện cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại tín dụng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật… nhằm góp phần nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn.
Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cơ chế, chính sách điều hành về hoạt động tín dụng của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của UBND tỉnh, các ngân hàng, TCTD đang tập trung nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2016 nói chung./.
Bài và ảnh:
Phạm Văn Đại