Nằm ở phía bắc huyện Vụ Bản, xã Hiển Khánh có trên 8.500 khẩu, thổ nhưỡng thuộc vùng đồng chiêm trũng, sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế nên khi nông nghiệp chưa đổi mới đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Hiển Khánh đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn. Đến nay, toàn xã có trên 2.000 lao động tham gia sản xuất CN-TTCN với đa dạng các ngành nghề như: may công nghiệp, sản xuất VLXD, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu…
|
Sản xuất các sản phẩm may xuất khẩu tại Cty TNHH May Nam Âu, xã Hiển Khánh (Vụ Bản). |
Với vị trí địa lý thuận lợi (giáp Quốc lộ 21 và tỉnh lộ 486B), lại có nguồn lao động dồi dào nhưng trước đây sản xuất nông nghiệp theo cung cách truyền thống nên thời gian nông nhàn nhiều mà thu nhập nông dân thì thấp, không đủ trang trải đời sống. Hàng trăm lao động của xã cứ hết mùa vụ lại khăn gói, cặm cụi đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh để mưu sinh, cải thiện thu nhập. Làm thế nào để cải thiện kinh tế là vấn đề được cấp ủy, chính quyền Hiển Khánh luôn trăn trở. Khi các chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM được triển khai đã được xã tranh thủ tối đa cơ hội để tạo đột phá cho kinh tế địa phương. Xã chủ trương tận dụng triệt để các tiềm năng về vị trí địa lý, đất đai, lao động và tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, các ngành để phát triển sản xuất CN-TTCN theo hướng đa ngành, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Quỹ đất được xã tập trung quy hoạch hợp lý, tạo ra các vùng mặt bằng đủ lớn cho các mục tiêu kinh tế. Xã đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ tối đa những thủ tục thuộc thẩm quyền địa phương nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài xã đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN; tín chấp với các ngân hàng: NN và PTNT, CSXH hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ cá thể vay vốn để đầu tư phát triển, mở rộng ngành nghề. Hoàn thành dồn điền đổi thửa, các vùng sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, phát triển kinh tế trang trại, gia trại), diện tích đất công để phát triển sản xuất CN-TTCN được quy hoạch gọn vùng. Các quy hoạch đều được xã công khai để nhân dân nắm được chủ trương và giám sát thực hiện. Đồng thời xã cũng chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Những năm qua, tận dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ tỉnh, huyện, xã Hiển Khánh đã tổ chức được nhiều lớp dạy nghề may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công xuất khẩu cho gần 500 lao động nông thôn. Nhờ thực hiện những biện pháp đồng bộ trên, với điểm xuất phát là một xã thuần nông, độc canh cây lúa, đến nay, xã Hiển Khánh đã hình thành và phát triển được hệ thống các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với đa dạng ngành nghề như: may công nghiệp, sản xuất VLXD, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… Toàn xã hiện có trên chục cơ sở may công nghiệp quy mô gia đình và gần 200 hộ nhận gia công các sản phẩm trang phục tại nhà. Nghề sản xuất hàng thủ công xuất khẩu từ mây tre đan, móc hộp sợi được duy trì và phát triển thu hút khoảng trên 100 lao động tham gia, bình quân thu nhập từ 50-60 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 5 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: sản xuất và kinh doanh VLXD, may công nghiệp… đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó: Cty CP Thành Vinh (sản xuất VLXD theo công nghệ lò tuy-nen) tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng; Cty CP May Nam Âu đầu tư gần 90 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương; Cty TNHH Enter.B (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu với quy mô khoảng 1.000 lao động tập trung… Được xã tạo điều kiện về thủ tục hành chính và mặt bằng, Cty CP May Thành Vinh đã đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất gạch, ngói theo công nghệ lò tuy-nen, công suất thiết kế 20 triệu viên/năm. Trên tổng diện tích gần 6ha, ngoài hệ thống lò nung, bãi tập kết nguyên liệu, sân phơi gạch mộc với tổng diện tích trên 16 nghìn m
2, Cty còn đầu tư gần 2 tỷ đồng để lắp đặt các loại máy trộn, tra than tự động và 7 xe nâng. Bình quân mỗi tháng dây chuyền sản xuất của Cty có thể đạt công suất 3 triệu viên với đa dạng các loại sản phẩm: gạch tuy-nen 2, 4, 6 lỗ các kích thước; các loại ngói nung phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường như: ngói hài, ngói chiếu, ngói mũi… Sản xuất, kinh doanh ổn định, Cty đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 180 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Dự án xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại các thôn Bắc Đường, Ngõ Phú của Cty CP May Nam Âu có tổng diện tích gần 6ha. Cty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng thực hiện giai đoạn 1 của dự án với các hạng mục: nhà điều hành, 1 xưởng may công nghiệp rộng trên 4.500m
2 và hệ thống nhà kho, nhà ăn… Cuối năm 2015, Cty đã hoàn thành xây dựng cơ bản và lắp đặt thiết bị để đưa vào sản xuất, tạo việc làm cho trên 800 lao động.
Với sự tập trung chỉ đạo và các giải pháp phát triển đúng hướng, sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, cơ cấu kinh tế, lao động của xã Hiển Khánh đã có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động ngành sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn dưới 60%; tỷ lệ lao động sản xuất CN-TTCN, dịch vụ tăng lên 40%. Thu nhập của nhân dân trong xã ngày càng được nâng lên cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng nhanh. Từ kinh nghiệm thực tiễn những năm qua, xã tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển đa dạng ngành nghề, phấn đấu tăng tỷ trọng sản xuất CN-TTCN, dịch vụ lên trên 50% trong cơ cấu kinh tế của xã./.
Bài và ảnh:
Thành Trung