Là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện Vụ Bản, lại có vị trí địa lý thuận lợi liền kề với Thành phố Nam Định; có 2 Quốc lộ 10, 37B qua địa bàn… những năm gần đây, Thị trấn Gôi đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, trong đó sản xuất CN-TTCN đã trở thành mũi nhọn, góp phần tích cực vào quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Năm 2016, sản xuất CN-TTCN của thị trấn đã thu hút trên 2.000 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng với đa dạng các nghề: may công nghiệp; sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ; sản xuất vật liệu xây dựng; xây dựng; cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm...
|
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại Cty TNHH Thông Oanh, Thị trấn Gôi. |
Để sản xuất CN-TTCN phát triển, trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động địa phương, Đảng ủy, UBND thị trấn đã ban hành nghị quyết chuyên đề và tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Chủ trương của thị trấn là: tạo điều kiện tối đa để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển sản xuất, kinh doanh và tập trung thu hút đầu tư. Thị trấn đặc biệt chú trọng quy hoạch lại vùng sản xuất, hình thành rõ 3 phân khu chức năng; trong đó khu vực mặt bằng giành riêng cho phát triển CN-TTCN đều được bố trí gọn vùng, thuận tiện giao thông. Tích cực thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và hỗ trợ đào tạo nghề, mỗi năm tổ chức từ 3-5 lớp từ các nguồn: Khuyến công, Đề án 1956 cho lao động trong độ tuổi với đa dạng các nghề: may công nghiệp, cơ khí, mộc dân dụng. Đồng thời, thị trấn căn cứ vào các chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh, huyện kết hợp với quảng bá tiềm năng, lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư. Kết hợp các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, sản xuất CN-TTCN ở Thị trấn Gôi đã bứt phá ngoạn mục. Trên địa bàn thị trấn đã phát triển được 34 doanh nghiệp, thu hút 1 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài và hàng trăm hộ tham gia phát triển sản xuất CN-TTCN. Năm 2013, thị trấn đã thu hút được dự án 7 triệu USD của Cty TNHH Geu-Lim (Hàn Quốc) đầu tư phát triển công nghiệp dệt may và các khâu phụ trợ. Hiện nay, Cty đã hoạt động ổn định với khoảng 1.000 lao động, trong đó có trên 60% là lao động địa phương có mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn có hơn chục cơ sở may công nghiệp quy mô hộ gia đình (mỗi cơ sở có 5-10 máy may công nghiệp). Bên cạnh nghề may công nghiệp, nghề mộc mỹ nghệ của thị trấn cũng phát triển với 75 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, quy mô từ 3-10 lao động/cơ sở trải đều ở các tổ dân phố: Mỹ Côi, Văn Côi, Tây Côi Sơn, Đông Côi Sơn, Vân Côi... Ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Thông Oanh cho biết: Được chính quyền thị trấn tạo điều kiện, trên diện tích 3.000m
2, Cty đã đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ cao cấp. Mỗi tháng, Cty tiêu thụ khoảng 15-20m
3 gỗ nguyên liệu để sản xuất 25-40 bộ sản phẩm các loại. Cty hiện tạo việc làm cho 50 lao động, trong đó thợ chính với mức lương từ 6,5 triệu đồng/người/tháng; lương thợ phụ và lao động thời vụ (lắp ghép sản phẩm, đánh giấy ráp...) cũng đạt mức thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất của ông Trần Duy Ngưỡng, tổ dân phố Mỹ Côi, với diện tích 60m
2, đã đầu tư mở xưởng sản xuất mộc dân dụng chuyên đóng các loại ghế, tủ, giường phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng, thu hút 15 lao động thường xuyên với mức lương ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn thị trấn còn có Nhà máy tấm lợp Thái Nguyên đã hoạt động lâu năm. Hiện tại, công suất của nhà máy đạt khoảng 3 triệu m
2/năm, bình quân mỗi tháng nhà máy xuất bán ra thị trường khoảng 180-220 nghìn m
2 tấm lợp các loại phục vụ các thị trường Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Bình… Năm 2015, nhà máy đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để nâng cấp tự động hóa các khâu sản xuất như quấy trộn, xeo tấm, cắt; hệ thống máy nghiền hiện đại, hạn chế tối đa khối lượng bụi độc hại; đầu tư hệ thống tự động xử lý nước tuần hoàn để tái sử dụng nước thải, giảm lượng nước sử dụng.
Sản xuất CN-TTCN phát triển kéo theo các ngành dịch vụ, hoạt động thương mại trên địa bàn cũng sôi động hơn. Nhờ đó năm 2016, ước tính thu nhập bình quân đầu người của thị trấn đạt khoảng 31-32 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn trên 20%; tỷ trọng sản xuất CN-TTCN và thương mại - dịch vụ tăng lên gần 80%. Cơ cấu lao động của thị trấn đã thay đổi theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống còn trên 30% so với trên 70% (trước năm 2010); trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 50%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất CN-TTCN của Thị trấn Gôi vẫn còn một số tồn tại: nhiều cơ sở sản xuất nghề mộc vẫn còn ở trong khu dân cư, mặt bằng sản xuất và các điều kiện bảo vệ môi trường chưa đảm bảo; số doanh nghiệp lớn, thu hút nhiều lao động vẫn còn ít... Thời gian tới Thị trấn Gôi tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển CN-TTCN và ngành nghề phù hợp quy hoạch chung và thực tế ở địa phương. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh về mặt bằng, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có dự án mới đầu tư mở rộng sản xuất. Tích cực triển khai các chương trình đào tạo, dạy nghề từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương. Phấn đấu đến năm 2020 bình quân thu nhập đầu người của thị trấn được nâng lên mức trên 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm xuống dưới 2%./.
Bài và ảnh:
Thành Trung