Thời tiết vụ thu - đông thường diễn biến phức tạp dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, trong mùa mưa phùn và giá rét kéo dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh động vật phát sinh, lây lan. Để tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, hạn chế dịch bệnh xảy ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố triển khai quyết liệt công tác tiêm phòng vắc-xin vụ thu 2016 cho đàn vật nuôi.
Tiêm phòng vắc-xin dịch tả cho đàn lợn tại xã Trung Đông (Trực Ninh). |
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cung ứng, cấp phát 350 nghìn liều vắc-xin dịch tả lợn; 30 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng; 40 nghìn liều vắc-xin dại chó, mèo cho các huyện, thành phố. Bên cạnh đó, Chi cục tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng tham gia tiêm phòng về quy trình sử dụng vắc-xin bao gồm các khâu bảo quản, pha chế, liều lượng, kỹ thuật tiêm… Đồng thời tổ chức tiêm điểm để rút kinh nghiệm trước khi tiêm đại trà. Chúng tôi đến xã Nam Thanh (Nam Trực) khi các cán bộ thú y ở đây đang tiến hành tiêm vắc-xin phòng tả cho đàn lợn. Khác với những năm trước, hiện nay, hầu hết các hộ chăn nuôi ở Nam Thanh đều có ý thức rất cao trong việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn xã có sự phát triển cả về quy mô và số lượng với tổng đàn lợn trên 2.100 con; đàn gia cầm trên 21 nghìn con; đàn trâu, bò, dê 365 con và đàn chó 350 con. Do vậy, để bảo vệ đàn vật nuôi khỏe mạnh và phát triển bền vững, thông qua các ban, ngành, đoàn thể và trên hệ thống phát thanh, xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; vận động người chăn nuôi tự giác thực hiện tiêm phòng trên nguyên tắc “đã chăn nuôi phải tiêm phòng” nên chỉ trong vòng 10 ngày, từ 10 đến 20-9 Nam Thanh đã hoàn thành tiêm vắc-xin vụ thu cho đàn lợn. Hiện xã đang tiếp tục triển khai tiêm phòng cho đàn trâu, bò, dê và đàn chó. Không chỉ ở xã Nam Thanh, hiện nay ở các xã Hồng Quang, Nam Thắng, Nam Hoa của huyện Nam Trực tỷ lệ tiêm phòng đều đạt và vượt kế hoạch. Đồng chí Hoàng Thị Nhài, Phó Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể đối với từng đối tượng phải tiêm phòng bắt buộc và chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức triển khai tiêm phòng nhằm đảm bảo nhanh gọn, đúng thời gian, đồng loạt để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin. Vận động người chăn nuôi chủ động mua những loại vắc-xin không được tỉnh hỗ trợ để tiêm phòng cho gia súc, gia cầm theo quy định. Đến nay, Nam Trực đã tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho 25.600 con lợn; vắc-xin lở mồm long móng cho 1.711 con trâu, bò, dê. Tuy nhiên vẫn còn một số xã mới bắt đầu triển khai tiêm phòng là Đồng Sơn, Nam Toàn, Nam Cường; đặc biệt tiến độ tiêm phòng bệnh dại cho chó của huyện còn rất chậm (mới được 200 con).
Do vậy, huyện tiếp tục phân công cán bộ tăng cường xuống các địa phương, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, phấn đấu hoàn thành công tác tiêm phòng vụ thu trước ngày 5-10. Tại huyện Hải Hậu, công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đã được thực hiện tích cực. Đồng chí Nguyễn Kim Mạnh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Huyện Hải Hậu có 60 nghìn con lợn; 1.300 con trâu, bò, dê và 12.600 con chó trong diện phải tiêm. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền kế hoạch tiêm phòng, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, Luật Thú y… Nhờ việc tuyên truyền, người chăn nuôi đã ý thức, tự nguyện, tự giác chấp hành tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Đến nay, tỷ lệ tiêm của huyện đạt trên 84% kế hoạch. Trong đó, các xã Hải Sơn, Hải Đông, Hải Xuân đã hoàn thành công tác tiêm phòng. Tại huyện Trực Ninh, công tác tiêm phòng cũng đã được triển khai rộng khắp tại các xã, thị trấn. Các xã Trung Đông, Trực Tuấn, Trực Thanh, Trực Thuận, Trực Cường đã vượt trên 100% kế hoạch; các xã Trực Nội, Trực Hưng, Trực Chính và Thị trấn Cát Thành đã cơ bản hoàn thành. Tỷ lệ tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho lợn của huyện đạt 91%; tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho trâu, bò, dê đạt gần 70%. Cao nhất là huyện Nghĩa Hưng đạt 95,6% kế hoạch tiêm cho lợn, đạt 159% kế hoạch tiêm cho trâu, bò, dê.
Đến nay, tất cả các huyện, thành phố đã triển khai tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến ngày 29-9-2016, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho lợn được 281.046 con, đạt 74% kế hoạch; tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, dê được 13.478 con; tiêm vắc-xin dại cho đàn chó được 11.069 con. Ngoài các loại vắc-xin được tỉnh hỗ trợ, nhiều trang trại, gia trại đã chủ động mua vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, suyễn tiêm cho đàn lợn; Niu-cát-sơn, tụ huyết trùng gia cầm, dịch tả vịt, Gumboro, đậu gà... tiêm cho đàn gia cầm. Đồng chí Mai Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm trong vụ thu năm nay nhìn chung được các địa phương thực hiện nhanh, gọn và đạt kết quả cao. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT. Đồng thời hệ thống các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được ban hành kịp thời. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tiến độ tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho trâu, bò, dê còn chậm, tỷ lệ mới đạt 41,1% kế hoạch; tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó thậm chí mới chỉ đạt 11,1% (trong đó hai địa phương là huyện Nghĩa Hưng và Thành phố Nam Định chưa triển khai tiêm). Vẫn còn một bộ phận người chăn nuôi chưa nhận thức rõ tác dụng của việc tiêm phòng cho đàn gia súc, ý thức tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi còn hạn chế. Công tác tham mưu của trưởng thú y các xã, phường, thị trấn cho chính quyền ở một số địa phương về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi còn yếu. Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Thú y, nghị định của Chính phủ, thông tư quy định về công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Đôn đốc các địa phương tiếp tục thực hiện đảm bảo tiêm vắc-xin cho 100% số gia súc, gia cầm trong diện phải tiêm. Thực hiện tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo quy định; vận động các hộ chăn nuôi, nhất là chủ trang trại, gia trại chủ động mua các loại vắc-xin ngoài hỗ trợ để tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. Tuyên truyền, vận động các trang trại chăn nuôi thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn theo VietGAHP; khuyến khích, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thường xuyên thực hiện tốt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; nhập con giống vào nuôi mới phải có nguồn gốc rõ ràng; xử lý tốt chất thải chăn nuôi, không làm ô nhiễm môi trường./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh