Tăng cường quản lý khai thác thủy sản gần bờ

08:10, 24/10/2016
Là tỉnh đồng bằng ven biển với bờ biển dài hơn 72km nên tỉnh ta có nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú. Nghề khai thác thủy sản ven bờ đã trở thành nghề “truyền thống” của những người dân vùng biển. Để hoạt động khai thác ven bờ phát triển ổn định mà không gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên thì ngoài sự quản lý của các ban, ngành chức năng, người dân cũng phải tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
 
Vùng biển ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển tại bờ biển và tuyến bồi, trong đó vùng bãi bồi ngập mặn ven biển toàn tỉnh có diện tích trên 22.500ha có thể khai thác tự nhiên và nuôi thả các loài thủy sản có giá trị kinh tế xuất khẩu cao như: tôm, cua, cá, ngao, rau câu… Tính hết tháng 9-2016, tổng số tàu cá trên toàn tỉnh là 2.041 tàu với hơn 5.400 lao động trực tiếp, trong đó có 1.277 tàu công suất dưới 20CV. Khai thác thủy sản ven bờ có nhiều loại hình thức khác nhau như nghề lưới rê, nghề lờ, lú, te xiệp, đăng… Nghề khai thác thủy sản ven bờ trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn là nghề cá nhỏ. Đại bộ phận chủ sở hữu các phương tiện khai thác là các hộ gia đình năng lực kinh tế thấp, đánh bắt tự phát theo kinh nghiệm, chưa có nhiều sự đổi mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vì thế hiệu quả kinh tế chưa thực sự cao. Chúng tôi có mặt ở bến cá nơi tàu đánh bắt ven bờ của gia đình chị Bùi Thị Phượng, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) vừa trở về sau chuyến đánh bắt ven bờ. Chị cho biết: “Ngư dân chúng tôi có nghề khai thác thủy sản ven bờ từ bao đời, “cha truyền con nối”. Nghề mang lại cho chúng tôi thu nhập tuy không cao nhưng kinh tế gia đình cũng được cải thiện phần nào. Tàu nhỏ, khai thác ven bờ nên mỗi chuyến đánh bắt chúng tôi chỉ đi về trong ngày. Trung bình mỗi chuyến gia đình tôi cũng thu được 2-3 triệu đồng; ngày nào may hơn thì được 4-5 triệu đồng. Cũng có những ngày không thuận buồm xuôi gió, tiền bán tôm cá chỉ đủ mua nhiên liệu”. Các sản phẩm khai thác về sẽ được bán cho các đại lý buôn bán, chế biến thủy sản trên địa bàn hoặc bán trực tiếp cho người dân tại bến cá. Những người con vùng biển, sinh ra và lớn lên với nắng, gió biển cả nên hầu hết coi nghề biển là nghề chính của họ. Nhà nào có kinh tế thì sẽ đầu tư đóng những tàu cá khai thác với công suất lớn để có thể vươn ra những ngư trường lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn, những nhà khó khăn hơn, không có tàu lớn để “ra đậu dặm xa” thì khai thác ven bờ bằng tàu nhỏ. Hiện nay, cường lực khai thác thủy sản ven bờ ngày càng tăng, nguồn lợi thủy sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm mạnh, nhiều loài hải sản có nguy cơ cạn kiệt. Vì cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền” trước mắt, một bộ phận ngư dân đã dùng mọi biện pháp để tăng sản lượng mỗi chuyến đánh bắt như giảm kích thước mắt lưới, tăng cường độ khai thác hoặc dùng những biện pháp mang tính chất hủy diệt như dùng xung điện… 
Ngư dân huyện Hải Hậu trở về sau chuyến khai thác ven bờ.
Ngư dân huyện Hải Hậu trở về sau chuyến khai thác ven bờ.
Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh tổ chức rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện phân cấp quản lý tàu cá; triển khai các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ và phát triển bền vững thủy sản ven bờ, xây dựng mô hình đồng quản lý nghề khai thác thủy sản, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, được sự chỉ đạo của Sở NN và PTNT, Chi cục đã tổ chức được 6 lớp tập huấn cho gần 1.700 lượt ngư dân, in và phát 3.000 tờ rơi, tiến hành thả 5 triệu con giống cá nước ngọt, 6 triệu con tôm, cá giống mặn, lợ xuống các vùng nước tự nhiên của tỉnh; vận động hàng trăm hộ ngư dân khai thác thủy sản cam kết không vi phạm quy định, hướng dẫn về quản lý, bảo vệ về nguồn lợi thủy sản”. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng kết hợp với Thanh tra Sở, các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng và các địa phương tổ chức các đợt kiểm tra về đăng ký, đăng kiểm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vùng nội đồng, cửa sông và vùng biển của tỉnh; phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Trong thời gian tới, Sở NN và PTNT sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy sản cho mọi người dân tham gia khai thác thủy sản ven bờ để người dân nhận thức được bảo vệ nguồn lợi thủy sản chính là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người; không tham gia khai thác thủy sản dưới mọi hình thức cấm; xây dựng chính sách xã hội ưu đãi như hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề để người dân chuyển đổi nghề có sinh kế thích hợp, giảm áp lực trong khai thác nguồn lợi thủy sản. Xây dựng chính sách phát triển đa dạng nghề nuôi thủy sản, tạo ra nhiều sản phẩm thủy sản nuôi trồng phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu của thị trường để hạn chế tối đa việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá khai thác thủy sản xa bờ nhằm giảm cường lực khai thác thủy sản ven bờ. Trong giai đoạn năm 2016-2020, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm sản lượng khai thác thủy sản ven bờ, tăng cường khai thác xa bờ, phát triển các nghề khai thác thân thiện và bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản.
 
Việc quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản ven bờ có ý nghĩa lớn trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi sinh, môi trường vùng ven biển, giúp cho cộng đồng ngư dân vùng ven biển thực hành khai thác thủy sản bền vững và hiệu quả, vì đời sống lâu dài của chính người dân./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com