Nước ta là một trong những quốc gia có nguồn gen phong phú bao gồm cả nguồn gen đặc hữu của những loài động vật, thực vật hoang dã và nguồn gen vật nuôi, cây trồng truyền thống quý hiếm, góp phần thúc đẩy ngành nông, lâm, ngư nghiệp phát triển thành ngành kinh tế chính, chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Tỉnh ta là địa phương có 2 trong số 5 khu vực đa dạng sinh học được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới của khu vực châu thổ sông Hồng, một trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, gồm vùng ven biển cửa sông Đáy nằm trên 6 xã thuộc huyện Nghĩa Hưng, vùng ven biển cửa Ba Lạt nằm trên 4 xã thuộc huyện Giao Thủy. Đây là khu dự trữ sinh quyển ven biển có thảm thực vật rất phong phú và rất nhiều các loài động vật quý hiếm. Theo UNESCO, có khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước đã và đang cư trú tại khu vực này. Nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò thìa, mòng bể, cò trắng bắc…Tại đây còn có những cánh rừng ngập mặn cung cấp nguồn lợi thuỷ sản phong phú cùng với 500 loài động, thực vật thuỷ sinh và cỏ biển cùng nhiều loài thuỷ, hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng… Tỉnh ta còn có nguồn gen của nhiều giống cây trồng quý hiếm như: gạo tám xoan, cải dầu, mía voi, cam đường Hải Hậu, tám ấp bẹ Xuân Đài (Xuân Trường), nếp Quần Liêu, cải bẹ vàng (Nghĩa Hưng), gạo dự hương Nam Mỹ, khoai lang lim chợ Chùa, rau diếp vàng Nam Giang (Nam Trực)…
Nhân viên Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN) chăm sóc phong lan nhân giống từ nuôi cấy mô tế bào. |
Đặc biệt, trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của ngành công nghệ sinh học, dược phẩm, mỹ phẩm, thương mại… và những lợi nhuận siêu khổng lồ của những ngành này mang lại, sự giàu có về nguồn tài nguyên di truyền (nguồn tài nguyên có thể tái tạo được) có thể được xem như một trong những thế mạnh, yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đối tượng tác động, sử dụng nguồn gen quá rộng và trong thực tế mọi hoạt động của con người đều là “tiếp cận nguồn gen”. Trong khi đó ở nước ta, việc lưu giữ nguồn gen, nhất là đối với hai nhóm chủ thể là tổ chức, hộ gia đình và chính quyền cấp xã từ nhiều năm nay chưa được quan tâm quản lý; vì vậy khó tránh được tình trạng sử dụng không hiệu quả, lãng phí nguồn tài nguyên gen, nhất là những nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và những nguồn gen có tiềm năng khai thác sử dụng. Bên cạnh đó, thời gian qua xuất hiện việc tư thương Trung Quốc tổ chức tập trung thu mua các giống cây quý hiếm của Việt Nam ở nhiều địa phương trong tỉnh, như lúa tám, lúa dự hương, nếp cái hoa vàng và một số giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu quý hiếm làm thất thoát tài nguyên, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn và duy trì các nguồn gen giống cây trồng quý hiếm.
Trước thực trạng này, ngày 27-6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen giai đoạn 2016-2025; ngày 29-8-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng bền vững và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen. Đồng thời tăng cường năng lực về quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen cho các sở, ban, ngành có liên quan, UBND cấp huyện, xã và cộng đồng có nguồn gen cần bảo vệ trên địa bàn tỉnh. Để đạt hiệu quả cao trong chương trình quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương. Theo đó, Sở TT và TT phối hợp với Sở TN và MT, các đơn vị liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý, tiếp cận nguồn gen, chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen. Sở TN và MT đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch, thời gian tới sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, tri thức truyền thống về nguồn gen. Hướng dẫn việc quản lý, kiểm soát và giám sát hoạt động tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen; tổ chức triển khai thực hiện các mô hình thí điểm về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng bản địa; cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa, giá trị tri thức truyền thống về nguồn gen, vai trò tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững. Sở NN và PTNT chủ trì, tổ chức thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, đề tài có liên quan nhằm bảo tồn, phát triển bền vững nguồn gen của tỉnh; phối hợp cung cấp danh mục nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi cần được lưu giữ, bảo tồn để cập nhật vào hệ thống thông tin dữ liệu của tỉnh. UBND các huyện, thành phố phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH và CN về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen trên địa bàn. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo chức năng của mình chủ động tham gia, giám sát hoạt động bảo tồn, sử dụng bền vững và chia sẻ hài hòa lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học chủ động nghiên cứu, nâng cao hiểu biết về tiếp cận, chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen và các quy định của Nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, hệ thống tổ chức, các công cụ quản lý và kỹ thuật tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen được hoàn thiện và vận hành hiệu quả. Cụ thể, UBND tỉnh có đủ năng lực thực hiện cấp phép, giám sát và kiểm soát các hoạt động tiếp cận nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen. Ít nhất 90% cán bộ quản lý có liên quan đến đa dạng sinh học, nguồn gen của các Sở: TN và MT, NN và PTNT, Y tế, KH và CN, Công thương và 70% cán bộ quản lý có liên quan đến đa dạng sinh học, nguồn gen tại cấp huyện được đào tạo các kiến thức cơ bản và các quy định quản lý về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen. Tham gia vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy