Phát triển ngành nghề nông thôn ở Xuân Bắc

08:10, 31/10/2016
Để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong năm 2016, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Xuân Bắc (Xuân Trường) đã tập trung các biện pháp đồng bộ để phát triển ngành nghề nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn xã đã phát triển được đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN như: chế biến gỗ và sản xuất các mặt hàng mộc dân dụng - mỹ nghệ; khâu nón, cơ khí, đan cót (từ nguyên liệu tre, nứa)… tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.000 lao động địa phương.
Chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ, nội thất xây dựng tại cơ sở của ông Vũ Văn Đạt, xóm 10, xã Xuân Bắc.
Chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ, nội thất xây dựng tại cơ sở của ông Vũ Văn Đạt, xóm 10, xã Xuân Bắc.
Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Trần Hồng Uyên, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc cho biết: tuy không có lợi thế về vị trí địa lý, hoàn toàn nằm trong nội địa nhưng trên địa bàn xã đã hình thành và phát triển đa dạng ngành nghề, trong đó các nghề làm cốm, mộc, khâu nón, đan cót được coi là nghề truyền thống với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm. Hiện nay, nghề làm cốm ở xóm 7 (tương truyền do ông tổ gốc làng Vòng, Hà Nội truyền về) đã bị mai một nhưng các nghề truyền thống còn lại vẫn được duy trì và phát triển mạnh. Thời gian trước, vì giao thông đường bộ không thuận tiện nên gỗ nguyên liệu; các loại tre, nứa và lá nón thường được kết thành bè, vận chuyển bằng đường thủy xuôi dòng Ninh Cơ về cống Bùi hoặc cống chợ Cát rồi vào sông Mã Bẩy để phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân. Thời điểm cực thịnh (những năm 80-90 của thế kỷ trước), cả xã có đến gần 80% số hộ tham gia sản xuất các nghề khâu nón, đan cót. Còn nghề mộc tuy cũng phát triển nhưng chỉ sản xuất thủ công, quy mô hộ gia đình và có tính chất gia truyền, đóng các loại sản phẩm gia dụng (bàn ghế, giường tủ, cánh cửa, và các loại: vì, kèo, cột… để dựng nhà) phục vụ nhu cầu của nhân dân trong vùng. Thời điểm năm 1988 đánh dấu sự phát triển của nghề mộc khi xã Xuân Bắc được phủ lưới điện quốc gia. Sẵn nghề trong tay, nhiều hộ làm nghề mộc trong xã đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc hiện đại để mở rộng sản xuất, kinh doanh từ chế biến gỗ đến mở rộng các mặt hàng sản xuất như: mộc gia dụng, mộc mỹ nghệ giả cổ và các loại nội thất xây dựng (cầu thang, ván sàn, tường, trần…). Nghề mộc phát triển, nhu cầu về mặt bằng phục vụ sản xuất ngày một tăng cao, được sự quan tâm chỉ đạo của huyện, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất CN-TTCN và tạo điều kiện về thủ tục hành chính và đảm bảo an ninh trật tự cho các hộ dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện tại, trên địa bàn xã đã có một CCN tập trung với tổng diện tích được quy hoạch 7,6ha, giai đoạn 1 thực hiện thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng 2,87ha hiện đã lấp đầy với 13 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Toàn xã hiện có 20 xưởng mộc lớn với quy mô từ 10-20 lao động tiêu biểu như hộ các ông: Vũ Văn Sơn, xóm 8; Mai Văn Năm, Đoàn Văn Tích, Vũ Văn Đạt đều ở xóm 10 và khoảng 50 hộ (quy mô từ 2-5 lao động). Giao thông đường bộ phát triển cộng với sự hỗ trợ của các loại máy móc hiện đại không chỉ giúp nghề mộc của xã phát triển mà còn có sự phân công chuyên môn hóa cao trong các khâu sản xuất. Hộ các ông Sơn, Tích chuyên môn sản xuất các loại sản phẩm mộc mỹ nghệ, dân dụng; hộ các ông Ngà, Hiền chuyên chế biến gỗ để cung ứng nguyên liệu cho các hộ sản xuất; hộ ông Đạt vừa chế biến vừa sản xuất các loại sản phẩm phục vụ nội thất xây dựng. Với diện tích xưởng trên 1.500m 2 được trang bị 3 dàn cẩu chuyên dụng (công suất tối đa 7 tấn), 2 máy xẻ CD và các loại máy móc khác trị giá khoảng 2 tỷ đồng, mỗi tháng cơ sở sản xuất của ông Vũ Văn Đạt tiêu thụ khoảng 50m 3 gỗ nguyên liệu, tạo việc làm cho 13 lao động thường xuyên với mức lương bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh nghề mộc truyền thống phát triển mạnh, các nghề khác như: khâu nón, đan cót vẫn được duy trì và phát triển. Nghề khâu nón tập trung nhiều ở các xóm 8, xóm 9 và xóm 11 với quy mô khoảng 100 hộ làm. Chính những công đoạn làm nón yêu cầu phải cẩn thận và tỉ mỉ nên thời gian hoàn thành một sản phẩm kéo dài. Loại nón bóng đẹp nếu tranh thủ làm chỉ được 1 cái/ngày; nón trung bình khoảng 2 cái/ngày. Sản phẩm làm ra đến đâu, các đại lý đến tận các nhà thu mua đem bán ở các chợ ở Giao Thủy, Hải Hậu và bán cất ra tỉnh ngoài. Theo giá thị trường, nón đẹp, dày giá dao động từ khoảng 80-100 nghìn đồng/cái. Nón thường, chất lượng kém hơn có giá khoảng 50-60 nghìn đồng/cái. Mỗi lao động làm nón nếu chăm chỉ cũng có thu nhập 50-70 nghìn đồng/ngày; bình quân từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ duy trì và phát triển các nghề truyền thống, xã Xuân Bắc còn chú trọng mở rộng, phát triển thêm các nghề mới như: xây dựng dân dụng, cơ khí. Toàn xã hiện có trên 20 tổ, đội xây dựng quy mô từ 10-15 lao động thường xuyên; mức thu nhập bình quân của thợ chính đạt từ 180-200 nghìn đồng/người/ngày; thợ phụ cũng đạt mức thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày chuyên nhận các hợp đồng xây dựng dân dụng trong xã, trong vùng. Nhiều đội thợ quy mô từ 30-40 lao động thường xuyên đã nhận được các công trình xây dựng giá trị lớn đến hàng tỷ đồng ở các nơi như các ông: Lê Huy Quang, Trần Văn Đức đều ở xóm 7; Lê Hồng Quân, xóm 11… Nghề cơ khí cũng phát triển mạnh với gần chục xưởng sản xuất quanh năm với quy mô từ 5-10 lao động thường xuyên, mức thu nhập bình quân từ 3-4,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Nhờ tập trung phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn; kết hợp giữa duy trì, phát triển nghề truyền thống và nhân cấy, phát triển nghề mới, cơ cấu kinh tế, lao động của xã Xuân Bắc đã có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn dưới 60%; sản xuất CN-TTCN và thương mại - dịch vụ tăng lên trên 40% trong cơ cấu kinh tế. Để thực hiện và hoàn thành mục tiêu trở thành xã đạt chuẩn NTM trong năm 2016, xã Xuân Bắc chủ trương tiếp tục tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính; quy hoạch diện tích mặt bằng thuận tiện, phù hợp; thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tín chấp với các tổ chức tín dụng để các hộ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi… để thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn. Phấn đấu trong năm 2016 nâng mức bình quân thu nhập đầu người đạt mức 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2%./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com