Nghề đan băng giang ở Yên Trị

08:10, 07/10/2016

Trong gần 70 năm hình thành và phát triển, nghề đan băng giang ở xã Yên Trị (Ý Yên) chưa bao giờ gián đoạn. Ở đây, từ đứa trẻ lên mười đến các cụ ông, cụ bà “ngoại thất thập” vẫn ngày ngày thoăn thoắt đan băng giang giúp cho cái nghề dân dã ấy vẫn vững vàng phát triển trong thời của sản phẩm công nghệ lên ngôi.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Vũ Công Tích, năm nay tròn 87 tuổi, ngụ ở xóm Giữa, thôn Thôi Ngôi cho biết: Nghề đan băng giang của xã Yên Trị được hình thành ở xã từ những năm 1957-1960. Thời gian này, xã Yên Trị được huyện, tỉnh giao thành lập một tổ sản xuất tiểu thủ công nghiệp với nhiệm vụ chính là đan băng giang xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu để sản xuất đệm chùi chân. Thực hiện nhiệm vụ của cấp trên, xã Yên Trị giao cho ông Trần Văn Vơn, xóm Giáo (là người có tay nghề đan lát giỏi, đan các loại quạt nan hình lá đề, trái tim rất đẹp) tổ chức tập hợp những người khéo tay, để dạy nghề đan băng giang.

Từ hạt nhân ban đầu là những thành viên của tổ hợp, dần dần, bằng phương thức “cầm tay chỉ việc”, rất tự nhiên nghề đan băng giang hình thành và lan rộng ra khắp các thôn của xã Yên Trị. Băng giang xuất khẩu thời ấy có 2 loại: cỡ rộng 0,7cm, dùng 7 nan đan lại theo hình chữ M và loại rộng 0,8cm, dùng 9 nan đan lại; mỗi cuộn băng giang thành phẩm có độ dài 20m và có loại băng trơn (màu trắng) và băng cải màu (các màu vàng, đỏ, tím, xanh). Nguyên liệu chính để đan là lạt nứa ống dài từ 50-70cm, thường gọi là giang và phải mua tại chợ Yên Thủy, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình). Thời gian ấy, chợ Yên Thủy cứ 5 ngày họp một phiên (vào các ngày mùng 5, mùng 10... hằng tháng). Ông Vũ Đình Liền, năm nay 65 tuổi, ngụ ở Xóm Bến cho biết: Để có giang sản xuất, người dân Yên Trị chỉ có 2 cách là chở bằng xe đạp hoặc gánh bộ về. Từ xã Yên Trị đến chợ Yên Thủy khoảng 60-62km, nếu đạp xe thì phải đi trước một hôm, còn gánh bộ thì phải đi từ 2 hôm trước phiên chợ. Mỗi chuyến xe đạp chở được khoảng 300 ống giang. Để tiết kiệm diện tích, các ống giang (đường kính từ 3-5cm, dài từ 55-70cm) được “pha” thành 3-4 mảnh, bó chặt lại (nặng từ 80-90kg) rồi lai về. Còn nếu gánh đi bộ thì chỉ được tối đa 120 ống giang (nặng khoảng 40-50kg). Ống giang sau khi được cạo vỏ, được sấy bằng diêm sinh từ 2-3 tiếng và phải sấy đi, sấy lại liên tục từ 3-7 lần, sau đó phơi thật khô rồi mang cất giữ nơi khô ráo để tránh mối mọt, mốc, cất giữ được lâu. Khi nào đan người dân mang những thanh giang đã chế biến kỹ ra ngâm trong nước từ 48-60 tiếng; nếu ngâm lâu thanh giang “ngậm” nước nhiều, khi chẻ hay bị gẫy; nếu ngâm ít thời gian hơn thì giang bị “quánh”, không tách được nan mỏng. Dao để chẻ nan là loại dao được đặt riêng, cán dao dài khoảng 45cm; lưỡi dao dài 40cm; khi chẻ người thợ cặp dao dọc theo chiều dài cẳng tay và ép sát vào hông để tách nan cho mỏng. Nan chẻ xong vẫn phải phơi hoặc sấy thật “nỏ” rồi mới đan. Nan đạt yêu cầu là loại nan rộng khoảng 2-3mm, đều, mỏng (khoảng 0,2-0,3mm), không bị “đốm” (mốc). Vì thế, những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ như: mua nguyên liệu, cạo tinh, sấy, chẻ nan thường được giao cho lao động chính trong nhà; lao động nữ, người già, trẻ nhỏ thì phụ trách khâu đan giang. Gần 70 năm qua, nghề đan băng giang ở Yên Trị vẫn duy trì đều nhịp làm việc như thế, chỉ có việc vận chuyển mua nguyên liệu là đỡ vất vả hơn. Thời điểm cực thịnh, cả xã có 10 thôn thì thôn nào cũng có hàng trăm hộ đan băng giang. Hiện nay, nghề đan băng giang của xã Yên Trị đã có bước phát triển mới. Vẫn những công đoạn sản xuất thủ công như trước nhưng khâu nguyên liệu đã được cung ứng tại chỗ. Toàn xã hiện có 5 hộ là các ông: Trần Hữu Linh, Mai Văn Lý, Nguyễn Văn Truyền, Nguyễn Văn Sắc đều ở xóm Giáo và ông Nguyễn Văn Sỹ ở thôn Tướng Loát... đứng ra làm đại lý mua giang nguyên liệu từ các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An về chế biến thành thanh giang cung ứng cho các hộ làm nghề. Chợ thôn Nguồi, xã Yên Trị, họp 2 ngày một phiên vào các ngày chẵn, khoảng gần 30 năm trở lại đây có thêm một khu chuyên bán nguyên liệu thanh giang, thời điểm cực thịnh của nghề đan băng giang, mỗi phiên chợ Nguồi tiêu thụ từ 12-15 tấn giang nguyên liệu. Giờ đây, người đan băng giang không phải dự trữ nguyên liệu mà chỉ cần ra chợ Nguồi là có đầy đủ, số lượng không hạn chế. Xã Yên Trị có 10 thôn thì tới 9 thôn (trừ thôn Vĩnh Trị làm nghề may công nghiệp) vẫn duy trì và phát triển nghề đan băng giang, mỗi thôn có từ 100-200 hộ (từ 1-2 lao động/hộ) làm nghề. Bình quân một ngày lao động đan băng giang bình thường có thể đan được 1 bó giang nguyên liệu để sản xuất được 6 cuộn băng, mỗi cuộn dài 20m. Với giá bán 13-15 nghìn đồng/cuộn, giá nguyên liệu từ 26-30 nghìn đồng/bó giang, ngày công của người đan băng giang thấp nhất cũng đạt từ 70 nghìn đồng. Những người tay nghề cao, đan nhanh có thể đan được từ 8-10 cuộn băng/ngày thì ngày công lao động có thể đạt từ 100-120 nghìn đồng.

Băng giang Yên Trị hiện nay vẫn là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất các loại thảm chùi chân, may mũ nan xuất khẩu ra nước ngoài. Người đan băng giang giờ đây có nhiều lựa chọn bán hàng: bán cho Cty TNHH Khánh Sơn ở thôn Tướng Loát cùng xã; các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở xã Yên Đồng bên cạnh hoặc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng này ở các địa phương về tận nơi thu mua. Nghề đan băng giang ở Yên Trị giúp nâng cao thu nhập của người dân, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo yêu cầu xây dựng NTM của xã Yên Trị./.

Thành Trung



giám sát an toàn là gìCách viết đơn xin việc chuyên nghiệp

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com