Nâng cao hiệu quả giám sát và xử lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi

08:10, 31/10/2016
Công tác giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh là biện pháp quan trọng hàng đầu trong việc phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan ra diện rộng, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
 
Trong công tác giám sát chủ động, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thực hiện lấy mẫu giám sát dịch bệnh theo kế hoạch và theo các chương trình dự án để đánh giá tình hình dịch bệnh, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả. Chi cục đã thực hiện 2 đợt giám sát vi-rút cúm lợn vào tháng 2 và 8-2016 tại các huyện Ý Yên, Trực Ninh và Xuân Trường thuộc Dự án OSRO/VIE/402/USA - giám sát cúm lợn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO). Đã lấy 400 mẫu huyết thanh, 960 mẫu dịch mũi lợn. Kết quả xét nghiệm đều âm tính với vi-rút cúm lợn H1N1. Từ tháng 5 đến tháng 10-2016 đã thực hiện 6 vòng giám sát vi-rút cúm gia cầm trong Dự án “Những nghiên cứu cúm ở người và động vật và những bệnh chung khác” do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tài trợ tại 5 chợ, điểm giết mổ thuộc huyện Vụ Bản, Trực Ninh và Thành phố Nam Định. Tổng số mẫu đã lấy 240 mẫu gồm: 180 mẫu dịch swab họng, 30 mẫu nước uống và 30 mẫu phân của gia cầm. Kết quả xét nghiệm có 8 mẫu (6 mẫu swab, 1 mẫu phân, 1 mẫu nước) dương tính với cúm A/H5N6 thuộc cả 3 địa phương thời điểm lấy mẫu vào tháng 7 và 9-2016. Chi cục đã tham mưu cho Sở NN và PTNT có văn bản hướng dẫn các địa phương trên tăng cường giám sát dịch, thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắc-xin và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để chủ động phòng bệnh. Trong công tác giám sát lâm sàng, từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phân công cán bộ thường xuyên xuống các huyện, thành phố đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh. Ở cấp huyện cũng phân công cán bộ phụ trách các xã, thị trấn; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành lập các đoàn công tác trực tiếp xuống các xã, thị trấn. Yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn giao trưởng thôn, xóm chịu trách nhiệm rà soát thống kê tổng đàn, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các hộ chăn nuôi của thôn, xóm và báo cáo tình hình tại cuộc họp giao ban tuần, tháng của xã, thị trấn và báo cáo đột xuất khi dịch xảy ra; khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm chết bất thường phải báo cáo ngay cho trưởng thú y hoặc UBND xã, thị trấn để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, đoàn công tác còn chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát kết quả tiêm phòng vắc-xin ở 2 vụ chính là vụ xuân và vụ thu để tổ chức tiêm bổ sung cho những gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng, nhất là tại các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp, nơi đã từng xảy ra dịch tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm. Hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi; thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. Với nỗ lực của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương và các hộ chăn nuôi nên từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm được đảm bảo an toàn. Trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra những loại dịch bệnh thông thường và đã được phát hiện, hướng dẫn, xử lý và điều trị kịp thời.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu giám sát vi-rút cúm gia cầm tại chợ Cửa Trường (TP Nam Định).
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu giám sát vi-rút cúm gia cầm tại chợ Cửa Trường (TP Nam Định).
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại một số địa phương, công tác giám sát, phát hiện, thông tin báo cáo dịch còn chậm, chưa kịp thời; vẫn còn tư tưởng chủ quan, giấu dịch từ một số hộ chăn nuôi. Số lượng mẫu lấy xét nghiệm của công tác giám sát chủ động chưa nhiều, kinh phí thực hiện phụ thuộc hoàn toàn vào các chương trình dự án. Công tác quản lý đàn vật nuôi, cơ sở kinh doanh con giống vật nuôi chưa được chặt chẽ. Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển chưa chặt chẽ, công tác kiểm soát giết mổ động vật còn buông lỏng. Cùng với đó, công tác tham mưu của cơ quan thú y cho cấp ủy, chính quyền các cấp để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ thú y đôi khi còn chậm, thụ động, chưa đề xuất được các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền một số xã, thị trấn chưa quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ban Nông nghiệp một số xã hoạt động kém hiệu quả, chưa phát huy được vai trò điều hành công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Một số trưởng thú y xã, phường, thị trấn chưa làm tốt vai trò tham mưu, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với chính quyền, trình độ chuyên môn kém nên người chăn nuôi không tin tưởng, tín nhiệm, khả năng tuyên truyền, thuyết phục chưa cao. Cơ sở vật chất của hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu thốn, trang thiết bị phục vụ cho việc xét nghiệm chưa đầy đủ, thiếu phương tiện, vật tư phòng chống dịch. Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe đàn vật nuôi. Trong khi đó, việc phát triển đàn vật nuôi cũng như hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong những tháng cuối năm cũng đang tăng mạnh. Đây là những yếu tố tác động làm dịch bệnh phát sinh và lây lan. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, điều đầu tiên là các hộ chăn nuôi cần phải thường xuyên theo dõi sát tình hình sức khỏe các đối tượng nuôi, khi phát hiện thấy dấu hiệu ốm, chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương, Trưởng Thú y xã hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Các địa phương cần phải nắm chắc tổng đàn vật nuôi, tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh, không để dịch lây lan ra diện rộng. Vận động các tổ chức, đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại thôn, xóm. Đặc biệt, phải tích cực thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về tác hại và tính chất nguy hiểm của các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch và cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người chăn nuôi và cộng đồng tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
 
Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kiến thức chuyên môn, kỹ thuật chăn nuôi, giám sát phát hiện báo cáo và xử lý dịch cho lực lượng thú y cơ sở, lãnh đạo xã, thôn, xóm, các tổ chức đoàn thể, lực lượng an ninh của xã, người chăn nuôi, người buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở cơ sở; thanh tra, kiểm tra chất lượng thuốc thú y, vắc-xin, hóa chất, thức ăn dùng trong chăn nuôi. Chủ động các biện pháp phòng chống dịch theo phương châm “phòng là chính”; phát hiện, bao vây, khống chế kịp thời, không để các dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh và lở mồm long móng gia súc lây lan rộng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi và sức khỏe nhân dân./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com