Nam Trực quan tâm bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

06:10, 08/10/2016
Nhằm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, từ nhiều năm nay, huyện Nam Trực đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trước hết, để đáp ứng các yêu cầu của phát triển sản xuất kết hợp BVMT khi xây dựng quy hoạch sản xuất và quy hoạch đất đai, huyện chú trọng dành quỹ đất cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao như: vùng trồng hoa cây cảnh Điền Xá (Vị Khê) khoảng 1.000ha, vùng đồng màu ven đường Vàng chuyên trồng rau quả sạch 1.400ha, vùng lúa cao sản chất lượng, lúa đặc sản 6.000ha. Các vùng đất cao hạn, úng trũng được quy hoạch để xây dựng trang trại tập trung như ở các xã, thị trấn: Nam Giang, Hồng Quang, Nam Thái, Nam Tiến. Các quy định của pháp luật về quản lý TN và MT, các văn bản hướng dẫn về KH và CN sinh học trong sản xuất nông nghiệp được chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực; đặc biệt đã thực hiện nhiều chương trình đề án của tỉnh về KH và CN, BVMT trong chăn nuôi, trồng trọt như: các mô hình nuôi gà an toàn sinh học, lợn nái ngoại, Sind hóa đàn bò, nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh thái ở các xã như: Nam Dương, Nam Lợi, Hồng Quang, Nam Thanh, Nam Tiến, Nam Thắng… không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần đẩy lùi dịch bệnh cho đàn vật nuôi, BVMT. Công tác vệ sinh đồng ruộng được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện chương trình thu gom vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, nhờ đó môi trường đồng ruộng được cải thiện đáng kể. 
 
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể cho thấy công tác BVMT trong sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện còn tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng vi phạm trong sử dụng đất đai không đúng mục đích quy hoạch; nhiều hộ dân tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngoài quy hoạch, nhất là ở khu vực xen kẹp với trồng lúa, từ đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường. Đáng ngại hơn là tình trạng người sản xuất chưa đầu tư nhiều cho kỹ thuật chăn nuôi, nuôi thủy sản, còn nặng về áp dụng kinh nghiệm truyền miệng nên hay xảy ra dịch bệnh dẫn tới ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, chăn nuôi trang trại trên địa bàn huyện chưa phát triển mạnh, phần lớn các xã, thị trấn tồn tại nhiều mô hình chăn nuôi gia trại chưa áp dụng chặt chẽ các biện pháp BVMT theo quy định, nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường sống.
Gia trại nuôi lợn nằm trong khu dân cư của gia đình chị Phan Thị Thơ, xóm Hồng Long, xã Nam Hồng (Nam Trực).
Gia trại nuôi lợn nằm trong khu dân cư của gia đình chị Phan Thị Thơ, xóm Hồng Long, xã Nam Hồng (Nam Trực).
Để tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường; chuyển từ sản xuất theo số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả của sản xuất trên đơn vị canh tác, từ tháng 10-2015, UBND huyện đã phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Toàn huyện hướng đến mục tiêu song song với việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân tốt hơn thì quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhất thiết phải đạt được tiêu chí giảm các tác động tiêu cực đến môi trường, BVMT sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH). Trên cơ sở quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của huyện và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các địa phương chủ động lồng ghép BVMT; tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất phù hợp với tiềm năng, lợi thế sản xuất của từng vùng. Cụ thể quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao khoảng 15 nghìn ha vụ xuân và vụ mùa; còn lại là lúa năng suất cao. Sau đó, tiếp tục xây dựng, mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn tại các địa phương có diện tích đất canh tác lớn để giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường nhờ sản xuất tập trung liền vùng, liền khoảnh tại các xã Đồng Sơn, Tân Thịnh, Nam Thái… với tổng diện tích 3.000ha vào năm 2020. Đối với đất màu cũng xây dựng các vùng trồng cây màu tập trung, chuyên canh hợp lý. Trên cơ sở quy hoạch sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt, các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng chăn nuôi trang trại tập trung, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ tư nhân đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2020, mỗi xã có 1-2 trang trại hạt nhân làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng con giống, bao tiêu sản phẩm giúp các hộ dân đẩy mạnh sản xuất theo mô hình trang trại an toàn, BVMT. Từng bước xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong sản xuất thủy sản, các xã, thị trấn quy hoạch chuyển đổi vùng trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp, đất bãi ven sông thuận lợi tưới tiêu để nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng nuôi tập trung các giống có giá trị kinh tế cao mỗi vùng 10-20ha: Nghĩa An 30ha, Tân Thịnh 10ha, Nam Thắng 10ha; diện tích ao nuôi tối thiểu phải đạt 1.000m 2 trở lên. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tập trung, nhất là hệ thống thủy lợi, từng bước áp dụng quy trình nuôi thâm canh, bán thâm canh, thực hành nuôi tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh và môi trường. Hiện, Phòng TN và MT tập trung hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc quản lý, sử dụng đất đai vùng dự án đảm bảo quy hoạch, kế hoạch, lập phương án khoanh định vùng sử dụng linh hoạt đất trồng lúa làm cơ sở xây dựng dự án thực hiện chuyển đổi. Tham mưu cho UBND huyện thực hiện các chính sách về đất đai hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ tư nhân thực hiện việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thuê ruộng của nông dân, ký hợp đồng thuê đất tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Tăng cường quản lý môi trường vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững. Bằng nhiều hình thức, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng hóa chất BVTV, phân bón trong canh tác nông nghiệp và các hóa chất bảo quản thực phẩm cho nhân dân. Tiếp tục nâng cao hiệu quả thu gom bao bì hóa chất BVTV tập trung, không để tình trạng thải bừa bãi ra sông, kênh, mương, đồng ruộng. Tích cực kiểm soát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Đẩy mạnh chuyển giao KHCN, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hữu cơ./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com