Cách đây khoảng 30-40 năm, khi đó những nông phu chăm chỉ làng Đằng Động, xã Yên Hồng (Ý Yên) thường tranh thủ những lúc nông nhàn xuống Yên Ninh, La Xuyên học nghề mộc, kỳ cạch đục đẽo đêm ngày. Ban đầu, họ học cách làm tủ chè, đục những dải hoa văn trang trí cho chiếc tủ thêm bắt mắt, ưa nhìn. Sau năm 1995, nghề mộc, đục của làng “chuyển mình” theo hướng mới: nhận làm vệ tinh cho La Xuyên, cung cấp những sản phẩm thô cho làng nghề. Kể từ đó, nghề đục của làng được coi là nghề chính, “nam phụ lão ấu” đều tham gia làm nghề.
Trong một xưởng đục ở làng Đằng Động, xã Yên Hồng (Ý Yên). |
Bước chân vào làng Đằng Động, từ xa xa chúng tôi đã nghe thấy những tiếng đục đẽo lách cách vui tai. Sân nhà, bên trái, bên phải, trên hè, sát mép ao… mỗi gia đình, cứ chỗ nào có bóng râm là thấy người người ngồi đục. Phụ nữ, trẻ em, người già, thanh niên trai tráng đều cầm đục, tỷ mẩn gò lưng ngồi đục đục, đẽo đẽo. Nhịp sống làng nghề là nhịp của những tiếng đục va chạm với gỗ, với kim khí. Anh Nguyễn Duy Kiên năm nay mới 37 tuổi nhưng có tới trên 20 năm làm thợ đục. Hiện, anh có xưởng đục với 8 thợ làm việc liên tục trong ngày. Quy mô xưởng như của anh Kiên được đánh giá là xưởng lớn trong làng. “Tôi học nghề đục từ năm 12 tuổi. 16 tuổi thì vào Sài Gòn kiếm sống bằng chính nghề cha ông để lại. Cho đến năm 2002, tôi quay trở về quê quyết định mở xưởng lập nghiệp lâu dài”, anh Kiên cho biết. Nghề đục của làng Đằng Động bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Trước đây, thợ đục trong làng chỉ đục lèo tủ chè. Bây giờ, tất cả các sản phẩm nội thất như: bàn, tủ, đồ thờ, sập, kệ, ngai, hạc, tủ chè, ghế phượng, tượng rồng…, thợ nghề trong làng đều có thể đục. Bắt tay vào làm nghề, các chủ xưởng nhận gỗ, mẫu từ La Xuyên sau đó tự tính toán để hoàn thiện sản phẩm. Quy trình sản xuất kéo dài qua nhiều công đoạn. Bắt đầu từ những khối gỗ to, nhỏ, người nghệ nhân phải đo đạc, định hình sản phẩm, tính toán sao cho vừa hợp lý. Công việc của người thợ đục thì công phu hơn, họ chế mẫu can hình, đóng nhận để định hình, xác nhận phần gỗ bỏ, rồi đục, gọt nhẵn, nạo, tỉa tách và đánh bóng… Mỗi công đoạn này đều đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề điêu luyện, đôi mắt tinh và trí sáng tạo mới có thể làm nên được những sản phẩm tinh tế, bắt mắt. Nghề đục do đó cũng lắm công phu, nó đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu, có ý tưởng, có bàn tay khéo léo và kỹ thuật cao để “chế biến” gỗ. Từ những miếng gỗ, súc gỗ sần sùi, vô tri giác, qua bàn tay tài hoa của những thợ cả sẽ biến thành thế giới của hoa lá, chim muông, vạn vật… mang hồn cốt của những người thợ có hoa tay. Trên mỗi sản phẩm phong phú và thông dụng như sập gụ, tủ chè, bàn ghế, hương án, bát biểu, tượng, cửa, võng… đều thể hiện trình độ kỹ thuật cao, dấu ấn của những anh, những bác thợ cả nơi đây. Tuy nhiên, theo anh Kiên, nghề đục không phải là quá khó: “trẻ con học lớp 6, lớp 7 chịu khó học là đã có thể theo được nghề, “kiếm được cơm”. Nhưng, “nhất nghệ tinh”, muốn trở thành một thợ cứng thì phải học lâu dài. Bởi, rất nhiều chi tiết đòi hỏi người thợ phải dày công luyện tập tay nghề, có quá trình tích lũy kinh nghiệm dài lâu”. Trong nghề đục, những chi tiết như: yếm bàn thờ với những dải hoa mai, đầu rồng, đầu lân… là khó đục nhất. Bởi đó là “tổ hợp chi tiết” của nhiều chi tiết nhỏ cộng lại. “Khi đó, người thợ ngoài tay nghề cao, khả năng khéo léo còn phải kiên nhẫn, kỳ công. Khi làm nghề, không được sốt ruột chạy theo số lượng sản phẩm”, anh Kiên chia sẻ. Nghề khó, vì thế thợ đục của làng cũng được phân ra nhiều “cấp độ” khác nhau. Đối với những thợ đục thông thường, họ thường làm các sản phẩm do các thợ nghề lâu năm đã làm “vỡ”. Nghĩa là, sản phẩm đã có hình khối, họ chỉ việc gọt, tỉa lại cho sạch sẽ, tròn trịa. Thu nhập của những thợ này do đó thấp hơn, ở mức bình quân từ 100-200 nghìn đồng/người/ngày. Những thợ đục lành nghề lâu năm có thể thu nhập tới 500 nghìn đồng/ngày. Các công đoạn khác, thợ nghề thường được trả ở mức 100 nghìn đồng/ngày. Ngày nay, thợ đục đã có thể nhàn hơn trong quá trình làm nghề với sự hỗ trợ của máy đục. Làng nghề hiện có khoảng 10 máy đục chuyên dụng với giá từ 230-250 triệu đồng/máy. Tuy nhiên, theo những thợ nghề lâu năm ở Đằng Động, máy cũng chỉ giải quyết được phần nào đó của quá trình đục. “Chúng tôi chỉ sử dụng máy cho những sản phẩm hàng nền như vách tựa lưng, vai ghế… tức những phần ván mỏng. Còn lại những chi tiết khó vẫn phải đục bằng tay. Hơn nữa, đục bằng máy cũng có những nhược điểm như khó phun sơn, đánh véc-ni hoặc giấy ráp. Do đó, trong nghề đục, cơ bản vẫn phải sử dụng sức người là chính”, một thợ đục lâu năm trong làng cho chúng tôi biết thêm.
Làng Đằng Động hiện có 100% hộ đều có người tham gia làm mộc hoặc đục gỗ. Trong đó, mộc chỉ chiếm 20%, đục chiếm 80%. Mỗi nhà đều là một cơ sở sản xuất riêng biệt. Xưởng ít cũng có từ 2-3 thợ, nhiều thì 8-10 thợ. Người lành nghề thì làm thợ đục, thợ mộc, người mới học nghề, ông già, bà lão, phụ nữ thì tham gia các công đoạn nhẹ nhàng hơn như phun sơn, đánh giấy ráp, véc-ni… Trung bình hằng tháng, mỗi xưởng trong làng có thể nhận từ các đầu mối hàng 2-5 khối gỗ, chủ yếu là các loại gụ, hương, xà cừ, lim, táu… để chế biến, tác tạo sản phẩm. Làng nghề có thể nhận hoàn thiện một sản phẩm cả phần mộc và phần đục hoặc họ chỉ nhận đục chi tiết riêng biệt của sản phẩm. Cả làng như một dây chuyền sản xuất khổng lồ, trong đó, mỗi nhà đảm nhiệm một công đoạn nhất định. Nghề đục của làng từ nghề phụ đã thành nghề chính. Cái “được” nhất của dân làng nghề là ai cũng có thể tham gia làm nghề và làm nghề được trong mọi thời điểm. “Nghề đục không phải bỏ quá nhiều công sức, vì thế trẻ em, người già, phụ nữ đều có thể làm nghề, tranh thủ làm nghề. Chúng tôi cũng không phải lo khoản đầu ra cho sản phẩm, không phải lo sản phẩm ứ đọng. Chỉ sợ, hằng ngày không đủ sức mà làm thôi”, các thợ đục Đằng Động cho chúng tôi biết.
“Giai nhân con cháu Cái Nành (làng La Xuyên). Dẫu không khoa cử, cũng thành nghệ nhân”… Đây là những câu ca thể hiện niềm tự hào của những thợ mộc La Xuyên với nghề trăm năm mà cha ông họ để lại. Và, đóng góp phần công sức không nhỏ cho những sản phẩm mộc La Xuyên nức tiếng cả nước có một phần bàn tay tài hoa, khối óc của những thợ cả làng Đằng Động. Nghề nuôi sống người, thợ nghề làng Đằng Động giờ đây cũng tự hào, mỗi buổi sáng, cứ cầm đục ra, chăm chỉ ngồi đục, tỉa tót là “tối ngày đầy công”. Trong hợp âm của tiếng đục đẽo, tiếng máy vanh, máy quật… hòa vào nhau đều đặn mỗi ngày, chúng tôi nghe không ngớt tiếng của những thanh niên trai tráng, các chị đầu quấn khăn kín mít vẫn kịp trao đổi những câu chuyện hằng ngày một cách vui vẻ… Vì thế, chúng tôi cũng tin, nghề nhất định không phụ công người chăm chỉ, sáng tạo./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân