Những năm qua, công tác khuyến nông huyện Vụ Bản không ngừng được củng cố và phát triển, từng bước phát huy vai trò cầu nối đưa tiến bộ kỹ thuật (TBKT) đến với nông dân. Hầu hết các chương trình và các hoạt động khuyến nông được xây dựng phù hợp với nhu cầu thực tế của sản xuất tại địa phương, do vậy khi triển khai đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia của nông dân. Nhiều mô hình áp dụng các TBKT đã được nông dân trong huyện tiếp thu đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển.
Trạm Khuyến nông huyện Vụ Bản thường xuyên nắm bắt tình hình địa phương, những lĩnh vực sản xuất cây, con có nhu cầu, từ đó phối hợp với các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tốt công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao các TBKT mới cho nông dân. Hằng năm, huyện Vụ Bản xây dựng hàng trăm mô hình đưa các TBKT vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất tại địa phương. Đến nay, nhiều mô hình tiêu biểu, hiệu quả đang được triển khai nhân rộng như: mô hình gieo sạ lúa; mô hình chăn nuôi lợn sạch tại xã Hiển Khánh… Trong 2 năm 2015, 2016, huyện đã xây dựng các mô hình trình diễn giống lúa chất lượng cao: GL105, AIQ1102, Hương Biển, GS333, Xi thơm, Vì Dân, Kim Cương, J02, LDA4, Đài thơm 8, Đất Cảng, Hương Thơm Kinh Bắc... tại các xã Minh Thuận, Kim Thái, Minh Tân, Vĩnh Hào, Đại Thắng, Đại An, Tam Thanh và Thị trấn Gôi. Nhìn chung các giống lúa đều có thời gian sinh trưởng trung bình, khả năng chống chịu sâu bệnh và cho năng suất khá. Đây là cơ sở để từng bước đánh giá, lựa chọn ra các giống lúa có ưu thế, triển vọng dần thay thế cho các giống lúa truyền thống đã sử dụng trong nhiều năm. Ngoài các mô hình trình diễn về các giống lúa, huyện còn thực hiện các mô hình ứng dụng TBKT trong thâm canh lúa như: Mô hình trình diễn máy cấy bằng mạ khay Sài Gòn Kim Hồng tại xã Kim Thái với diện tích 3ha; mô hình trình diễn sử dụng phân bón Sông Gianh với diện tích 2ha tại các xã Hợp Hưng, Vĩnh Hào; mô hình quản lý cây lúa thông qua ứng dụng công nghệ tin học tại xã Hợp Hưng với diện tích 11,5ha… Nổi bật trong các mô hình trình diễn, khảo nghiệm là mô hình bón phân nhả chậm cho lúa, cây rau màu được Trạm Khuyến nông Vụ Bản kết hợp với Cty CP Phân bón Mùa Vàng triển khai tại các HTX Hợp Hưng, Minh Tân, Vĩnh Hào, Liên Bảo, Đại Thắng… nhằm khắc phục hiện tượng thất thoát phân bón, đồng thời thay đổi tập quán canh tác truyền thống, giải phóng một phần sức lao động, giảm giá thành trong sản xuất nông nghiệp. Với liều lượng 12,5kg phân Con Lười cho 1 sào thể hiện nhiều ưu điểm như giúp nông dân đạt “5 tăng” (tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu suất sử dụng phân bón, tăng hiệu quả kinh tế, tăng sự bền vững cho đất trong quá trình canh tác) và “9 giảm” (giảm sự thất thoát phân bón, giảm số lượng phân, giảm cỏ dại và sâu bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thời gian bón phân, giảm mâu thuẫn trong quá trình canh tác, giảm phụ thuộc vào thời tiết trong quá trình bón phân, giảm sự phức tạp khi phải tính toán cân đối dinh dưỡng khi bón phân, giảm số lần bón phân). Qua 3 vụ trình diễn, đến nay, mô hình đang được nông dân mở rộng diện tích ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Tham quan mô hình trình diễn phân bón Sông Gianh tại xã Hợp Hưng. |
Về sản xuất rau màu, Vụ Bản xây dựng các mô hình trồng rau, quả theo công nghệ Nhật Bản tại Thị trấn Gôi; mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới tại xã Hiển Khánh; mô hình sản xuất giống ngô, khoai tây theo chuỗi tại các xã Kim Thái, Trung Thành, Đại Thắng… bước đầu làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân trong huyện. Đây là hướng đi mới trong sản xuất rau, màu nhằm tăng thêm thu nhập cho nông dân. Trong vụ xuân 2016, huyện đã triển khai mô hình sử dụng cơ giới hóa trong trồng lạc quy mô 45ha tại các xã Liên Minh, Đại Thắng, Tam Thanh, Vĩnh Hào và Thị trấn Gôi. Mô hình áp dụng cơ giới đồng bộ từ khâu làm đất, gieo hạt đến thu hoạch không những giải phóng sức lao động cho nông dân mà còn tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời khắc phục tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động chính đã chuyển dịch sang các lĩnh vực CN-TTCN, dịch vụ do các CCN đang hình thành và phát triển nhanh chóng trên địa bàn huyện. Vì vậy mô hình được bà con nhiệt tình đón nhận, dự kiến sẽ mở rộng trong các vụ tiếp theo. Thực hiện đề án tái cơ cấu chăn nuôi, huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh xây dựng mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản an toàn sinh học tại xã Hợp Hưng. Anh Triệu Đình Hợi, người tham gia mô hình cho biết, trước đây, trang trại của anh chăn nuôi gà trắng công nghiệp, nhưng do khó khăn về thị trường, giá cả không ổn định, mức độ rủi ro cao nên anh không duy trì nuôi gà được lâu, vẫn đang loay hoay với bài toán làm kinh tế gia đình. Khi thực hiện mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản an toàn sinh học, nhận thấy đây là mô hình mới, có tính khả thi cao, từ 60 con thỏ bố mẹ, anh đã đầu tư thêm lồng chuồng mua thêm 240 con thỏ bố mẹ. Chỉ sau 5 tháng nuôi, trang trại của anh đã xuất bán 200 con thỏ, lãi trên 80 triệu đồng. Hiện mô hình đang là điểm đến tham quan cho nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh. Bên cạnh xây dựng các mô hình khảo nghiệm và trình diễn, hằng năm, Trạm Khuyến nông Vụ Bản còn phối hợp với Hội Phụ nữ các xã, thị trấn tổ chức 20 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa, hoa màu cho hơn 1.400 lượt người tham gia; phối hợp với Viện Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn cho các chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện… Trạm cũng phối hợp với các cơ quan trong khối nông nghiệp của tỉnh, huyện và Ban nông nghiệp các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phân loại các trà lúa, tổ chức điều tra, đánh giá đúng mức độ phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng, để có định hướng kỹ thuật xử lý phù hợp hạn chế số lần sử dụng thuốc BVTV, tiết kiệm chi phí sản xuất cho người nông dân, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn cho cây trồng, môi trường. Đội ngũ cán bộ khuyến nông huyện tăng cường hướng dẫn các hộ nông dân, nhất là các chủ hộ trang trại thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn vệ sinh, hạn chế dịch bệnh, phát hiện sớm những ổ dịch bệnh mới phát sinh đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Trạm Khuyến nông Vụ Bản cho biết: Trong thời gian tới, khuyến nông Vụ Bản tăng cường phối hợp với ngành NN và PTNT, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn tổ chức tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa vụ mùa và cây trồng vụ đông cho nông dân trong huyện. Tổ chức hội thảo, tham quan đầu bờ các mô hình cây trồng, con nuôi mới có giá trị kinh tế cao trong và ngoài huyện. Tiếp tục phối hợp với Đài phát thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng, con nuôi, phổ biến, tư vấn ngành nghề mới cho nông dân./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh