Khôi phục nghề trồng nấm ở Nghĩa Phong

08:10, 25/10/2016

Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) là một xã thuần nông chuyên canh cây lúa, có tổng diện tích 540,98ha ruộng 2 lúa. Trong nhiều năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân (HND) xã đã tập trung phối hợp với các Ban Nông nghiệp xã, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo các nghề mới giúp người nông dân tăng thu nhập, nâng cao mức sống, góp phần xây dựng NTM. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, HND xã đã thành lập tổ hợp tác và khôi phục nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho hội viên.

Trại nấm của gia đình anh Nguyễn Văn Vĩ, xóm 9, xã Nghĩa Phong.
Trại nấm của gia đình anh Nguyễn Văn Vĩ, xóm 9, xã Nghĩa Phong.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đang, Chủ tịch HND xã Nghĩa Phong cho biết, trước đây, vào những năm 2005-2010, nghề trồng nấm ở địa phương phát triển mạnh, nhưng do thời điểm đó, các loại nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, linh chi… vẫn còn lạ lẫm với người tiêu dùng nên thị trường tiêu thụ bó hẹp. Cộng với đó,
các đầu mối nhận tiêu thụ sản phẩm chưa liên kết chặt chẽ với các đối tác doanh nghiệp ở trong và ngoài nước, xảy ra tình trạng nợ đọng nên không tạo được động lực cho nông dân. Nghề trồng nấm ở Nghĩa Phong dần mai một. Đầu năm 2015, thực hiện các chính sách khôi phục nghề, mở mang nghề mới, HND xã đã tổ chức cho các hộ nông dân tiêu biểu đi tham quan các mô hình trồng nấm tại Ninh Bình và một số địa phương trong tỉnh, đồng thời liên hệ với Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật - thuộc Viện Di truyền nông nghiệp Hà Nội về hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ cho cán bộ, hội viên nông dân thông qua tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Sau quá trình tham quan, học tập, HND xã và các hộ nhận thấy việc trồng nấm dược liệu có thị trường tiêu thụ rất rộng mà nguồn cung còn đang thiếu. HND xã đã hướng dẫn hộ anh Hoàng Văn Bốn, chi HND xóm 9 xây dựng mô hình trang trại trồng nấm linh chi, mua 5.000 bịch nguyên liệu để trồng khảo nghiệm. Sau 3 tháng chăm sóc, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, gia đình anh Bốn thu hoạch 3 lứa được 149kg nấm khô, thu về 90 triệu đồng, trừ chi phí gia đình còn lãi gần 40 triệu đồng. Trong quá trình trồng thử nghiệm, các hộ nông dân đến tham quan và đánh giá đây là nghề trồng không tốn công sức, cho năng suất cao, đầu ra sản phẩm được bao tiêu giá cả ổn định. Sau hộ anh Bốn tiếp tục có 3 hộ đăng ký cùng tổ chức HND tham gia xây dựng liên kết trồng 10 nghìn bịch giống nấm linh chi với tổng chi phí ban đầu 110 triệu đồng. Sau khi thu hoạch 10 nghìn bịch nấm đã cho lứa đầu tiên được 100kg, trong đó có 93kg nấm cánh to, dầy, giá 600-700 nghìn đồng/kg, còn số nấm cánh nhỏ hơn bán giá 500 nghìn đồng/kg.

Qua kết quả thực hiện mô hình trồng nấm linh chi của anh Hoàng Văn Bốn và 3 hộ sản xuất tiếp theo, HND xã đã xác định trồng nấm linh chi dễ làm, hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định nên đã chủ động xin ý kiến của Đảng uỷ, UBND xã tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân đến tham quan học tập và phối hợp với Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng tổ chức lớp dạy nghề trồng nấm tại địa phương cho 35 hội viên. Để chủ động nguyên liệu, giống, giảm chi phí đầu vào, tạo thuận lợi cho các hội viên sản xuất đạt hiệu quả, HND xã đã xây dựng tổ hợp tác sản xuất nấm do anh Hoàng Văn Bốn làm tổ trưởng và đề nghị với HND huyện tạo điều kiện cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện 100 triệu đồng để xây dựng lò hấp nguyên liệu, đủ nguyên liệu cung cấp cho các hộ dân. Nhiều hộ tham gia tổ hợp tác trồng nấm như gia đình các anh Đoàn Văn Trung, Đoàn Văn Công, Nguyễn Văn Vĩ, chị Đoàn Thị Dịu đều ở xóm 9 cũng đã góp phần khôi phục nghề trồng nấm, nâng cao thu nhập. Anh Nguyễn Văn Vĩ cho biết, nghề trồng nấm muốn phát triển bền vững thì vấn đề quan trọng nhất là cần phải có đầu ra ổn định. Vì vậy, các hộ thành viên trong Tổ hợp tác đã tìm thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội và một số thành phố lớn. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng nguồn giống, các hộ thành viên đã tìm nguồn giống có chất lượng từ Viện Di truyền nông nghiệp Hà Nội và Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng. Nhờ áp dụng đúng quy trình nên nấm phát triển đúng thời vụ, năng suất ổn định.

Từ kết quả ban đầu, cán bộ, hội viên nông dân xã Nghĩa Phong phấn khởi vì đã chọn được nghề phù hợp với điều kiện địa phương, tạo điều kiện cho các hộ nông dân trên địa bàn xã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Tuy vậy, trong quá trình sản xuất nấm, các hộ gặp khó khăn về vốn để xây dựng nhà xưởng, mua giống và kỹ thuật chăm sóc, bảo quản, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy xã cần quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ trong tổ hợp tác trồng nấm được vay các nguồn vốn ưu đãi để các hộ nông dân phát triển nghề trồng nấm bền vững./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com