Là vùng đồng bằng ven biển nên tỉnh ta có nhiều lợi thế về phát triển nuôi thủy sản. Cùng với sự phát triển về quy mô, phương thức sản xuất, ở nhiều địa phương người nuôi thủy sản đã tăng cường liên kết với nhau bằng cách thành lập các HTX, CLB nuôi thủy sản, giúp các hộ nuôi tìm ra một đầu mối chung để nâng cao tiềm lực kinh tế, sức cạnh tranh trên thị trường, dễ dàng hơn trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ cũng như cùng nhau giải quyết các vấn đề trong quá trình sản xuất mà mỗi hộ đơn lẻ không thể làm được.
|
Anh Lê Thế Nhật, thành viên HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ NTTS Xuân Hòa (Xuân Trường) đang chăm sóc đàn cá. |
Xã Hải Ninh (Hải Hậu) là địa phương đầu tiên trong tỉnh đưa con ếch Thái Lan vào nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian đầu khi đưa ếch Thái Lan về nuôi, do là đối tượng nuôi mới, các chủ hộ nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm nên xảy ra hiện tượng ếch phát triển không đồng đều, hay phân đàn, ăn thịt lẫn nhau… Khi các hộ nuôi liên kết với nhau, thành lập CLB cùng bàn bạc, tìm ra những phương pháp khắc phục, chia sẻ những biện pháp kỹ thuật nuôi ếch hiệu quả. So với hoạt động riêng lẻ như trước kia, việc thành lập CLB giúp cho các hoạt động từ nhập giống, nhập thức ăn cho ếch, chia sẻ phổ biến kỹ thuật chăm sóc cũng được thực hiện quy củ, bài bản hơn; việc đánh giá nhu cầu của thị trường cũng sát thực tế hơn, đảm bảo đầu ra ổn định, các thành viên trong CLB yên tâm phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Có những hộ nuôi ếch thương phẩm đạt giá trị kinh tế 100 triệu đồng/vụ. Hiện nay, CLB có trên 80 thành viên, luôn duy trì sinh hoạt định kỳ hằng tháng, hằng năm CLB đều tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm tới. Ông Nguyễn Văn Tân, phó chủ nhiệm CLB cho biết: “Việc thành lập CLB giúp cho các hộ nuôi ếch có sự liên kết chặt chẽ, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cùng tính toán điều kiện chăm sóc, điều kiện môi trường sống phù hợp để ếch phát triển tốt. Cùng với đó, công tác phòng, chữa bệnh cho ếch cũng sẽ được đồng loạt hơn, giảm được tình trạng lây lan bệnh tật trên ếch. Như vậy người nuôi chúng tôi cũng yên tâm phát triển, mở rộng quy mô”. CLB đã thống nhất liên kết giữa các hộ nuôi để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú y, thức ăn cho ếch để cung ứng cho các thành viên trong CLB sử dụng, giảm giá thành sản xuất, áp dụng đúng quy trình nuôi đảm bảo điều kiện an toàn để ếch phát triển. Ở xã Hải Châu (Hải Hậu) một điểm sáng phát triển nuôi thủy sản có CLB nuôi cá diêu hồng thành lập từ năm 2004. CLB đã tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật như liên kết tổ chức tập huấn, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nên nhiều kỹ thuật cần thiết đã được phổ biến sâu rộng trong các thành viên, giúp các hộ thực hiện nghiêm túc, theo đúng hướng dẫn, quy trình kỹ thuật được chuyển giao, đặc biệt là các công việc trước đây nhiều hộ nuôi xem nhẹ như công tác chuẩn bị ao nuôi, xử lý môi trường ao. Ông Trần Đình Thắng, thành viên CLB nuôi cá diêu hồng cho biết: “Tham gia CLB tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, đã có ý thức rắc vôi định kỳ 2 lần mỗi năm để làm sạch nước và làm cứng lớp bùn dưới đáy ao, nhờ vậy mà đàn cá của gia đình ít bị dịch bệnh và nhanh lớn hơn”. Từ khi thành lập CLB đến nay, người nuôi cá diêu hồng tại Hải Châu ngày càng đạt năng suất cao, có những hộ năng suất trung bình đạt trên 10 tấn/ha/năm. Ngoài mô hình CLB trên, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ NTTS Xuân Hòa (Xuân Trường) cũng là một trong những HTX phát triển mạnh. Nằm ven sông Sò, có nguồn nước chịu ảnh hưởng của thủy triều nên xã Xuân Hòa có lợi thế phát triển nuôi thủy sản cả nước ngọt và mặn lợ. Trước kia, các hộ nuôi thủy sản hoạt động riêng lẻ nên việc quản lý và hiệu quả nuôi chưa thực sự cao. Chính vì vậy, năm 2015, HTX được thành lập, có 18 thành viên tham gia với 15ha diện tích sản xuất. Việc nuôi thủy sản của các hộ tham gia vào HTX đã được triển khai một cách bài bản, khoa học hơn. Các đối tượng nuôi chủ lực là cá trắm đen, cá chép, cá hồng mỹ, tôm thẻ chân trắng và cá lăng chấm. Nhận thấy địa phương có dồi dào các nguyên liệu như cá vụn, ngô, các phụ phẩm dùng trong nông nghiệp có thể tận dụng để chế biến thức ăn cho các đối tượng nuôi thủy sản nên được sự hỗ trợ của Sở NN và PTNT, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, HTX đã lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản nhằm cung cấp thức ăn cho các hộ nuôi trong HTX, sau đó từng bước cung cấp cho các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn. Việc chế biến thức ăn tại chỗ giúp cho người nuôi có thể chủ động về nguồn thức ăn, tiết kiệm chi phí cũng như có thể tự kiểm soát được chất lượng thức ăn cho thủy sản. Những thành công bước đầu của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ NTTS Xuân Hòa đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên trong HTX. Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, ngoài việc tạo sự liên kết giữa các hộ nuôi thủy sản, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, những phương pháp kỹ thuật, các thành viên của HTX còn cùng nhau tính toán lựa chọn đối tượng nuôi cho phù hợp và hiệu quả kinh tế cao. Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất trong các HTX, CLB nuôi thủy sản đã tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa các hộ nuôi thủy sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính bền vững và năng lực cạnh tranh để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo dự báo, sản xuất thủy sản trong những năm tới tuy có nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít những khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, dịch bệnh phát sinh, chi phí sản xuất con giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh tăng… Do vậy để nuôi thủy sản phát triển đòi hỏi phải có sự liên kết kinh tế chung sức phát huy thế mạnh, hạn chế yếu kém.
Việc hình thành các CLB, HTX nuôi trồng thủy sản không những giúp người nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất và khẳng định tính tất yếu cần thiết của sự liên kết để phát triển kinh tế ở nông thôn. Trong thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương động viên, khuyến khích tạo điều kiện để các hộ nuôi thủy sản liên kết, thành lập nhiều hơn nữa các CLB, HTX chuyên ngành, để ngành nuôi thủy sản ngày càng quy mô và bền vững hơn. Tăng cường hỗ trợ cho các CLB, HTX thủy sản hoạt động tích cực, hiệu quả khẳng định tính thiết thực của các mô hình hợp tác này./.
Bài và ảnh:
Thanh Hoa