Chăn nuôi nông hộ là hình thức chăn nuôi truyền thống phổ biến của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nông dân cũng như tạo ra nguồn thực phẩm chính cho thị trường. Đồng thời chăn nuôi nông hộ còn có những ưu điểm như góp phần bảo đảm an sinh xã hội, dễ áp dụng, tận dụng các nguồn nguyên liệu và phế phụ phẩm sẵn có… Tuy nhiên, hiện nay hình thức này cũng tồn tại nhiều hạn chế cần các giải pháp tích cực để khắc phục.
Chăn nuôi nông hộ được xem là “nhà máy tiêu thụ” những phụ phẩm của ngành nông nghiệp và các nghề phụ ở nông thôn như xay xát, nấu rượu, làm bún, bánh... Nhiều hộ nông dân tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp để tự sản xuất thành thức ăn cho gia súc, gia cầm như: cám, ngô, đậu tương, rơm rạ…, vừa tiết kiệm chi phí lại tăng lợi nhuận trong chăn nuôi. Anh Vũ Văn Tiến, ở xóm Xối Tây 1, xã Nam Thanh (Nam Trực) cho biết: Nghề chính của gia đình tôi là xay xát gạo và nấu rượu; tận dụng một lượng lớn cám, trấu, bã rượu…, tôi nuôi mỗi lứa 30-40 con lợn. Chăn nuôi kiểu này giống như bỏ ống tiết kiệm, không đem lại thu nhập thường xuyên như nghề xay xát, nấu rượu nhưng tận dụng được nguồn bã rượu, nguồn thức ăn dư thừa, cám, nước gạo và lấy công làm lãi, mỗi năm gia đình cũng có thu nhập từ chăn nuôi gần 100 triệu đồng. Mặc dù là xã có tổng đàn gia súc, gia cầm khá lớn của huyện nhưng hiện nay, chăn nuôi ở Nam Thanh vẫn chủ yếu theo hình thức chăn nuôi nông hộ. Đồng chí Phạm Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngoài một số ít gia trại chăn nuôi lớn, hiện nay trên địa bàn xã các hộ nuôi chủ yếu từ 50-100 con gà, vịt, 30-50 con lợn, 5-7 con trâu, bò. Những năm gần đây, chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại ở xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) phát triển nhanh. Hiện xã có 12 trang trại đạt tiêu chí do Bộ NN và PTNT quy định. Tổng đàn lợn của xã ước đạt gần 4.000 con; tổng đàn gà, vịt là 25.800 con. Tuy nhiên, số hộ nuôi nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ vẫn còn khá phổ biến. Xã đã hướng các hộ gia đình từng bước ứng dụng công nghệ, quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAHP và đem lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó đã giúp nâng cao nhận thức của bà con trong việc tuân thủ quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Một số nhóm hộ đã liên kết, hợp tác “cùng vào - cùng ra”: cùng mua giống, cùng nuôi và cùng tìm mối tiêu thụ tập trung, ổn định. Đây cũng là hướng đi tích cực trong phát triển chăn nuôi nông hộ. Thống kê của Sở NN và PTNT cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 100 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chiếm khoảng 70% tổng số hộ chăn nuôi. Theo tính toán của một số hộ chăn nuôi, 1 con lợn 100kg có giá bán khoảng 4,2-4,5 triệu đồng, có thời điểm lên trên 5 triệu đồng, tương đương với 1 tấn thóc, bằng cấy 5 sào lúa (mà đầu tư cho ruộng lúa không phải là ít). Do vậy chăn nuôi nông hộ vẫn khá phổ biến, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động. Chăn nuôi nông hộ ngoài tận dụng được sức lao động, cơ sở vật chất sẵn có từ mặt bằng chuồng trại đến nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, phù hợp với trình độ kỹ thuật của người dân khi chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính. Vì vậy, trong nhiều năm tới, chăn nuôi nông hộ được dự báo vẫn còn tiếp tục tồn tại, và trong chủ trương tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp, quan điểm phát triển vẫn là “giảm dần” chăn nuôi nông hộ chứ chưa chấm dứt. Cụ thể về tái cơ cấu ngành chăn nuôi vẫn xác định duy trì hai phương thức chính là trang trại, gia trại và chăn nuôi nông hộ, theo hướng thực hiện các biện pháp về an toàn sinh học và áp dụng các biện pháp kỹ thuật về giống, thức ăn, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh để có thể đảm bảo tính hiệu quả và an toàn chăn nuôi.
|
Chăn nuôi lợn tại một hộ nông dân xã Xuân Tiến (Xuân Trường). |
Tuy nhiên hiện nay đã có nhiều hộ chăn nuôi thu hẹp quy mô hoặc bỏ trống chuồng do giá thức ăn tăng cao, sự bất ổn của thị trường đầu ra, nguy cơ dịch bệnh... khiến người chăn nuôi thua lỗ, nhất là chăn nuôi nông hộ, ảnh hướng đến sự phát triển kinh tế ở nông thôn. Một hạn chế khác của chăn nuôi nông hộ là tình trạng chạy theo phong trào, khi thì bỏ chuồng hàng loạt, lúc lại ồ ạt tái đàn, dẫn đến cung vượt quá cầu và bị ép giá. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện nay, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ở chăn nuôi nông hộ vẫn chưa được chú trọng, do đó năng suất, hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, chăn nuôi nông hộ còn dễ lây lan và phát sinh bệnh tật do các hộ chưa tuân thủ nghiêm ngặt công tác thú y, vệ sinh chuồng trại. Khả năng kiểm soát môi trường và VSATTP còn yếu. Sự liên kết chăn nuôi nông hộ hầu như chưa được triển khai, do vậy việc tham gia thị trường “đầu vào, đầu ra” cho sản phẩm còn hạn chế, khiến người chăn nuôi thường xuyên bị thua lỗ và giảm thu nhập do phí tổn vào các khâu trung gian. Mặc dù chăn nuôi nông hộ vẫn là bộ phận phổ biến của ngành chăn nuôi tỉnh ta song trong thời gian qua, hầu hết các chính sách phát triển chăn nuôi của tỉnh cũng như các địa phương chỉ mới chú trọng đến phát triển chăn nuôi trang trại mà chưa quan tâm nhiều đến chăn nuôi nông hộ. Bên cạnh đó, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 tại tỉnh ta đến nay vẫn chưa được thực hiện. Theo Quyết định số 50, các hộ chăn nuôi trong tỉnh sẽ được hỗ trợ tinh lợn, tinh bò; hỗ trợ về xử lý chất thải trong chăn nuôi; tập huấn cho người thụ tinh nhân tạo và hỗ trợ mua bình chứa Nitơ lỏng để vận chuyển, bảo quản tinh phối giống nhân tạo gia súc. Hơn lúc nào hết, lúc này người nông dân cần được định hướng và thụ hưởng sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước để chuyển đổi từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi có kiểm soát, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Để phát huy hiệu quả chăn nuôi nông hộ, ngoài việc sớm thực hiện Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và các địa phương cần tăng cường cập nhật thông tin về tình hình chăn nuôi, giá cả các sản phẩm và vật tư chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, chủ động trong sản xuất. Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y và VSATTP. Khuyến khích thành lập các HTX, CLB chăn nuôi để phổ biến kinh nghiệm, thông tin giá cả thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, giảm khâu trung gian trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả chăn nuôi nông hộ./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh