Vụ đông năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 15 nghìn ha, tập trung vào các loại cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: khoai tây 2.500ha; bí xanh 1.500ha; cà chua 1.000ha; đậu tương 800ha; ngô 2.500ha; khoai lang 1.000ha; các cây rau, đậu ngắn ngày 5.700ha. Các địa phương đang chỉ đạo nông dân tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất với quyết tâm giành thắng lợi vụ đông 2016.
Huyện Nam Trực là địa phương có truyền thống đạt hiệu quả cao trong sản xuất vụ đông. Toàn huyện gieo trồng hơn 1.350ha cây màu các loại ngô, bí xanh, đậu tương…; trong đó khoai tây chiếm tỷ trọng lớn với 700ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Nam Hùng, Nam Dương, Nam Hoa và Thị trấn Nam Giang... Đồng chí Vũ Văn Thắng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Để vụ đông diễn ra thuận lợi, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa gắn với vụ đông; tu sửa nâng cấp kênh cấp III phục vụ sản xuất kết hợp chỉnh trang đồng ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Việc chuẩn bị giống cây trồng trong vụ đông cũng được huyện chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể đến các hộ nông dân. Theo đó, huyện khuyến cáo nông dân nên đưa vào gieo trồng những giống ngô: LVN10, LVN145, CP999; chuyển các loại khoai tây truyền thống KT3, Trung Quốc sang trồng các giống có năng suất, chất lượng cao Marabell, Solara… Không chỉ ở huyện Nam Trực, trong thời gian qua, các HTXDVNN, các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã sớm chủ động liên hệ với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống để ký kết hợp đồng, đảm bảo có đủ giống để gieo trồng đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, các địa phương cũng vừa tiếp nhận một lượng lớn hạt giống ngô, rau từ nguồn hỗ trợ của Trung ương. Các hộ nông dân tại vùng chuyên canh cây cà chua truyền thống là Hải Tây (Hải Hậu); Nam Điền, Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng)… đã hoàn thành gieo hạt cà chua. Ở Nghĩa Hồng, Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng); Hải Tân, Hải Toàn (Hải Hậu)… cây bí xanh được vào bầu hơn chục ngày nay. Nông dân các xã Yên Cường, Yên Thành (Ý Yên) đang tiến hành gieo hạt dưa chuột… để kịp có cây con trồng trước ngày 10-10. Tại các vùng trồng khoai tây đông Nam Hùng, Nam Giang (Nam Trực); Thành Lợi, Liên Minh (Vụ Bản); Yên Đồng, Yên Cường, Yên Nhân (Ý Yên); Giao Phong, Giao Yến (Giao Thủy)… nông dân đã vận chuyển khoai tây giống gửi ở các kho lạnh về để chuẩn bị xuống giống. Hiện nay, các huyện, thành phố và các xã, thị trấn đang chủ động liên hệ, thương thảo và xúc tiến ký kết các hợp đồng sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục tìm kiếm, giới thiệu các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản; phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thu mua, tiêu thụ nông sản cho địa phương. Các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia sản xuất cây vụ đông; thông báo công khai các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất cây vụ đông của UBND tỉnh tới các xã, thị trấn và các hộ nông dân. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố cũng đang phối hợp với các xã, thị trấn và các doanh nghiệp xây dựng quy trình kỹ thuật, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây vụ đông cho các hộ nông dân. Nhiều Cty đã chủ động liên hệ với tỉnh, các địa phương để nắm bắt nhu cầu thu mua sản phẩm, nguyên liệu cây vụ đông. Cty CP Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Nam Định tham gia thu mua rau, quả để chế biến, chủ yếu là dưa chuột và cà chua nhót; Cty TNHH Minh Hiền (Hà Nam) đăng ký thu mua cà chua bi, dưa chuột, ngô ngọt; Cty TNHH Rau quả Hội Vũ (Hà Nam) đăng ký tiêu thụ dưa chuột bao tử, cà chua; Cty CP Sản xuất Nông sản Hà Nội đăng ký mua dưa chuột bao tử, ngô bao tử; Cty Chế biến Nông sản Việt Xanh (Ninh Bình) đăng ký tiêu thụ dưa chuột bao tử; Cty CP Ớt Việt Nam (Ninh Bình) đăng ký thu mua ớt; Cty Rau quả nông sản Trung ương (Hà Nội) đăng ký thu mua hạt cải bẹ và Xí nghiệp Chế biến nông sản xuất khẩu Hùng Sơn (Hải Dương) đăng ký thu mua rau, quả các loại để chế biến xuất khẩu…
|
Nông dân xã Hải Tây (Hải Hậu) chăm sóc cây dưa chuột. |
Vụ đông 2016 tiếp tục được dự báo là vụ sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn do thiên tai diễn biến bất thường, khó dự báo. Nền nhiệt độ trung bình và hơi lệch về rét cuối vụ; mưa nhiều ở đầu vụ, hạn ở cuối vụ. Bên cạnh đó, lao động nông nghiệp vừa yếu và thiếu do lực lượng trẻ đi làm xa hoặc chuyển sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung, sản phẩm khó truy suất nguồn gốc, không có chứng nhận chất lượng; liên kết giữa các hộ sản xuất với nhau và liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp còn rời rạc; thiếu doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông; hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thủ công, thiếu đồng bộ, nhất là khâu thu hoạch, sơ chế, phơi sấy. Giá vật tư nông nghiệp đầu vào không ổn định, thị trường và giá nông sản bấp bênh nên ảnh hưởng tới khả năng và tâm lý đầu tư của các hộ nông dân, hạn chế hiệu quả sản xuất. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Trước những khó khăn trên, vụ đông năm nay, tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương mở rộng một số loại cây thực sự có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ trên đất 2 lúa, không làm vụ đông theo phong trào. Thực hiện đa dạng cây trồng hàng hóa và đa thời vụ. Trên đất 2 lúa ưu tiên phát triển các loại cây trồng bí xanh, khoai tây Đức trồng theo phương pháp làm đất tối thiểu và các cây chế biến xuất khẩu có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và nhân rộng nhanh các mô hình sản xuất “cánh đồng liên kết chuỗi giá trị” và các mô hình nông sản sạch, an toàn. Sở NN và PTNT khuyến nghị các địa phương bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý trên từng chân đất. Trên những diện tích lúa mùa trỗ bông trước ngày 5-9, thu hoạch trước ngày 5-10 bố trí trồng các loại cây vụ đông sớm ưa nhiệt như: đậu tương, ngô lương thực, cà chua, dưa chuột, bí xanh; những diện tích trỗ bông trước ngày 10-9, thu hoạch trước ngày 10-10 bố trí trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, cải dầu, ngô ngọt, ngô bao tử, rau ăn lá. Trên đất chuyên màu thực hiện đa cây, đa thời vụ; trồng sớm, quay vòng nhanh đảm bảo từ 2-3 lứa rau/1 vụ đông; tập trung gieo trồng các cây rau, quả truyền thống ngắn ngày. Trên đất lúa - màu tập trung sản xuất khoai tây và lạc. Nhân nhanh các mô hình tiến bộ kỹ thuật mới đã được khẳng định từ các vụ đông trước như mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản. Lựa chọn, sử dụng các giống rau, củ quả có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Với cây ngô, giống ngô lương thực tập trung vào các giống: LVN10, LVN145, CP999; ngô nếp: nếp Lù, MX6, MX10, HN88; giống ngô ngọt: Sugar 75, Hoa Trân, lai 20... Đậu tương sử dụng các giống ngắn ngày như DT84, ĐT12, ĐT122. Bí sử dụng các giống bí xanh đá lai số 1 và lai số 2, Thiên Thanh 5, TN448. Cà chua tập trung vào các giống cà chua chế biến Savior, Perfect 89, TN005, TN006, C155 và cà chua nhót Thúy Hồng, TN060. Còn dưa chuột sử dụng những giống dưa bao tử Marinda, Mirabelle (Hà Lan) và các giống dưa to Dưa xanh Nhật, Phú Thịnh…
Điểm thuận lợi trong vụ đông năm nay là hệ thống các công trình thủy nông, thủy lợi nội đồng đã được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đồng ruộng được chỉnh trang, kiến thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho thâm canh và áp dụng cơ giới hóa. Hầu hết các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ xuân, vụ mùa gắn với vụ đông. Với tất cả những nỗ lực trên, toàn tỉnh quyết tâm giành vụ đông thắng lợi toàn diện về diện tích, năng suất và sản lượng, đặc biệt là tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh