Khoảng chục năm trở lại đây, một số nông dân Nghĩa An (Nam Trực) chăm chỉ tận dụng vùng bãi bồi ven đê màu mỡ trồng cây gỗ sưa. Đất tốt, thổ nhưỡng phù hợp, chẳng mấy chốc cây sưa của họ lớn nhanh, xum xê cành lá. Mùa tháng ba, hoa sưa nở rụng khắp vườn, những vạt đê. Người ta nói, cây sưa càng trồng lâu càng có giá trị. Với khoảng thời gian ngần ấy năm trên đất Nghĩa An, đã có nhiều thương lái vào tận những vườn sưa trả giá cây lên đến tiền triệu.
Chị Đinh Thanh Nhung, xóm 3, xã Nghĩa An (Nam Trực) chăm sóc cây sưa trong vườn nhà. |
Quãng 7, 8 năm trước, ông Mai Văn Phong, gốc người xóm 3, xã Nghĩa An, Nam Trực (nay đã chuyển về Thành phố Nam Định sinh sống) thuê hẳn một xe ô tô lên Vĩnh Phúc nhập 600 cây sưa giống về “phân phát” lại cho anh em trong nhà trồng: “Qua các phương tiện truyền thông, tôi biết được trồng cây sưa cho hiệu quả kinh tế rất cao, lại ít phải chăm sóc. “Máu” làm giàu của tôi trỗi dậy, tìm được địa chỉ bán cây uy tín, tôi thuê người đi thông đêm lên mua cây về trồng”, ông Phong cho biết. Vốn có nhiều đất trong vườn nhà do ông bà tổ tiên để lại, ông Phong động viên anh em trong dòng tộc: “Cứ coi như trồng cây bóng mát và “quên” nó đi. Cái khó của trồng cây sưa là phải có đất và có vốn dài để nuôi cây. Vì khi trồng sưa thì khó trồng được những cây khác. Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn, cây sưa sẽ mang lại những hiệu quả không ngờ”, ông Phong lạc quan. Từ những cây giống chỉ cao khoảng 20 phân, qua vài tháng, những cây sưa của ông Phong đã nhanh chóng sâu rễ bén gốc. “Trồng cây sưa rất đơn giản, hầu như không tốn công chăm. Đây là loài thực vật rất dễ trồng, có thể sống trên nhiều loại đất khác nhau như: đất đồi có độ dốc trung bình, đất đỏ, đất thịt nhẹ, đất pha cát và đất đồi đá sỏi. Cây sưa là cây gỗ lớn, ưa sáng, sinh trưởng trung bình nhưng ở 1-2 tuổi, cây sinh trưởng rất nhanh, vươn dài tới 4-5m và uốn cong như cần câu. Khi cây được từ 3 đến 4 tuổi sẽ tự vươn thẳng. Là loại cây ưa sáng, sưa thích nghi với nhiều loại đất và khí hậu khác nhau, có khả năng tái sinh hạt, chồi rất tốt”, ông Phong chia sẻ thêm về cách trồng, quy trình sinh trưởng, phát triển của cây sưa... Cũng theo kinh nghiệm của người dân trồng sưa Nghĩa An, cây sưa nào càng cong sẽ sinh trưởng càng mạnh. Cây sưa rất dẻo và dai, chống chịu bão gió rất tốt, cành sưa ít bị gẫy do gió bão, gốc sưa có thể bị bão xô đổ nghiêng nhưng một thời gian sau lại tự vươn thẳng được. Để cây sưa phát triển tốt, ông Phong tính toán mật độ trồng cây hợp lý. Theo đó, cứ cách 4m ông trồng một cây. “Tôi phải tính để sau này cây còn có khoảng không mà vươn vòm. Vì vậy không thể “tham” trồng dày được”, ông Phong nói. Sưa có 2 loại, sưa trắng và sưa đỏ. Giống sưa đỏ có đặc điểm là hoa có màu vàng, lá mọc so le, thân cây mốc, sù sì và quả chùm, khi chín quả không tự tách. Giống sưa trắng có đặc điểm là hoa có màu trắng, lá mọc đối xứng, thân cây xanh, nhẵn, quả đơn khi chín tự tách. Hiện nay trên thị trường chỉ chủ yếu thu mua gỗ sưa đỏ, vì vậy các hộ gia đình khi trồng cần lựa chọn đúng giống sưa. Tuy vậy, vẫn theo những người trồng sưa ở Nghĩa An, mặc dù có một số đặc điểm để xác định 2 loại sưa nhưng muốn biết chính xác cây sưa của mình thuộc giống nào thì ít nhất phải đợi… khoảng 10 năm khi sưa bắt đầu hình thành lõi.
Hộ gia đình chị Đinh Thanh Nhung, xóm 3, xã Nghĩa An là em họ của ông Phong. Hiện vườn nhà chị Nhung cũng trồng khoảng gần 100 cây sưa với tuổi đời trên 7 tuổi. 3 năm đầu trồng cây sưa, chị kết hợp trồng xen canh đỗ và một số loại rau, hoa màu khác. Khi cây sưa mới được 1, 2 năm tuổi, vài tuần chị lại ra nhổ cỏ cho cây. Từ năm thứ 3, khi cây sưa lớn vượt khỏi mặt đất, chị Nhung hầu như không phải bỏ công sức chăm sóc cây nữa: “Sưa là cây gỗ nên “mặc nhiên” chúng tự lớn. Đây cũng là loại cây ít bị sâu bệnh nên chúng tôi không phải tốn tiền phun thuốc cho cây”, chị Nhung nói. Bây giờ xóm 3, xóm 4 xã Nghĩa An có khá nhiều người trồng sưa. Theo ước tính của chị Nhung cả 2 xóm có trên 10 nhà trồng với tổng số khoảng 1.000 cây. Nhà trồng nhiều thì vài trăm cây, nhà ít cũng vài chục cây. Có cả những gia đình trồng sưa và coi đó là một loại cây bóng mát trong vườn nhà. Một số hộ gia đình trồng nhiều như nhà ông Phong, chị Nhung, ông Trường, bà Hà… Cũng theo chị Nhung, gần chục năm trồng cây, vườn sưa nhà chị cứ vậy lớn, không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, bão gió. Cho đến khi cơn bão số 1 hồi tháng 7 vừa rồi tràn qua, một số cây không chịu được sức gió đã bị xô xiêu vẹo. Thương lái vào tận nhà chị trả giá với giá 500 nghìn đồng/cây. Tuy nhiên chị không bán. “Tôi sẽ nuôi cây thêm vài năm nữa, khi đó bán sẽ được giá hơn nhiều”, chị Nhung nói một cách tin tưởng. Theo chị Nhung, hiện trên thị trường, người trồng sưa bán sản phẩm theo kg. Hiện tại cây gỗ sưa được bán với giá rất cao, dao động từ 1,5-10 triệu đồng/kg, tùy vào chất lượng gỗ. Giá giống cây sưa đỏ cũng dao động từ 3.000-8.000 đồng/cây theo chiều cao của cây giống. Từ gỗ sưa, người ta chế biến thành nhiều sản phẩm gia dụng bán rất đắt. Ví dụ: Chiếc giường kiểu mới hình quả núi, làm bằng gỗ lát, giá hiện tại là 10-15 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, cũng chiếc giường đó nếu làm bằng lõi gỗ sưa đỏ thì có giá trị vài trăm triệu đồng. Hay 1 chiếc khay đựng chén được làm bằng gỗ sưa có kích thước khoảng 34x45cm, cân nặng 300g có giá xuất bán 8 triệu đồng. Tuy vậy, theo các thương lái chuyên thu mua gỗ sưa, gỗ của loại cây quý này thường được dùng để chế tác các sản phẩm tâm linh như bàn thờ, tượng thờ… Gỗ sưa hiện nay cũng được dân chơi gỗ, đại gia trong nước ưa chuộng nhưng phần lớn vẫn là xuất khẩu đi nước ngoài tại các thị trường chính là: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản… với giá rất cao. Giá xuất khẩu bình quân gỗ lõi hiện nay, theo những người am hiểu về sưa có thể lên tới hàng chục triệu đồng/kg. Từ đó, có thể cho thấy giá trị kinh tế cao của cây sưa. Do giá trị kinh tế cao như vậy nên loại cây này đang đứng trước nhiều mối “đe dọa” lớn của “sưa tặc” trong vài năm trở lại đây. Vì thế, cây sưa đỏ được Nhà nước xếp vào nhóm gỗ 1A, thuộc sách đỏ được bảo vệ nghiêm ngặt. Trước tình trạng khan hiếm gỗ sưa thì hiện nay, việc nhiều hộ nông dân ở khắp nơi đưa vào trồng cây sưa đỏ đang được phổ cập rộng rãi. Hiện, trên thị trường có nhiều nơi cung cấp giống cây sưa với quy trình khép kín: bán hạt sưa giống, bán cây sưa giống và thu mua cây sưa… thu hút được bà con nông dân làm vườn.
Cùng với nông dân khắp nơi, bà con nông dân Nghĩa An đã và đang góp phần nhân rộng, nuôi dưỡng giống cây quý hiếm này. Và, như lời ông Phong chia sẻ với chúng tôi lúc ra về: “anh em trong nhà tôi đều xác định trồng sưa tức là… phải nuôi dài. Trồng cây, kiểu gì cũng sẽ có ngày hái quả, tôi cứ tin như thế để mà gieo giống cho những vụ thu hoạch dài hơi hơn, kể cả cho đời con chúng tôi cũng được”, ông Phong cười vang./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân