Việc xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng có yêu cầu cao về an toàn cộng đồng nên có những yêu cầu đặc thù trong thi công cần được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên trong thực tế việc quản lý, cấp phép xây dựng các công trình nhóm đối tượng này còn những bất cập cần khắc phục.
|
Công trình tượng Phật bà Quan Âm tại chùa Quán Hoa, thôn Chinh, xã Trung Thành (Vụ Bản). |
Để tăng cường kiểm soát chất lượng, ngăn ngừa sự cố xảy ra trong quá trình thi công xây dựng, khai thác, sử dụng loại công trình này, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường rà soát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn. Trong đó cần chú ý bám sát các quy định mới của pháp luật về cấp phép xây dựng. Qua thống kê chưa đầy đủ của ngành Xây dựng, đến nay toàn tỉnh có 1.062 công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Công, Trưởng Phòng Kiến trúc và Quản lý quy hoạch (Sở Xây dựng) cho biết: “Trong 1-2 năm trở lại đây, công tác quản lý chất lượng xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng đã từng bước được địa phương, các chủ đầu tư quan tâm chủ động thực hiện. 9 tháng đầu năm 2016, Sở đã tiến hành tiếp nhận hồ sơ và cấp phép xây dựng cho 9 công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn toàn tỉnh”. Hiện tại, hồ sơ cấp phép xây dựng tại Sở đã được rà soát kỹ lưỡng đảm bảo theo đúng quy định hiện hành gồm đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu; bản sao được chứng thực hoặc bản sao để đối chiếu với bản gốc một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo; hai bộ bản vẽ thiết kế được trích từ bản vẽ thiết kế thi công có ký tên, đóng dấu của tổ chức, cá nhân thiết kế (bản vẽ quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất tỷ lệ 1/500 được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; bản vẽ mặt bằng vị trí công trình trên lô đất tỷ lệ 1/100-1/500, kèm theo sơ đồ vị trí công trình); bản vẽ các mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu của công trình, tỷ lệ 1/50-1/200; bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/100-1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50, các bản vẽ kết cấu chịu lực chính tỷ lệ 1/100-1/200, kèm theo sơ đồ đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, tỷ lệ 1/50-1/200; bản vẽ hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỷ lệ 1/50-1/200, được đóng dấu thẩm duyệt của cơ quan chức năng. Trong đó, yêu cầu hồ sơ thiết kế xây dựng phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện; thiết kế phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định. Năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thẩm tra thiết kế phải được thể hiện rõ trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng góp phần đảm bảo về mặt thiết kế kiến trúc cảnh quan, chất lượng công trình ngay từ khâu tiền kiểm, hạn chế tối đa rủi ro xảy ra sự cố công trình trong quá trình thi công cũng như vận hành đưa vào khai thác sử dụng. Nhờ vậy, nhiều hạng mục công trình tôn giáo, tín ngưỡng đã được xây dựng mới thời gian qua góp phần tạo cảnh quan không gian đẹp phục vụ các tín đồ tôn giáo địa phương và khách thập phương đến hành lễ, thăm quan, chiêm bái. Trụ trì Thích Nhuận Châu chùa Quán Hoa, thôn Chinh, xã Trung Thành (Vụ Bản) cho biết: “Được sự quan tâm hướng dẫn của địa phương cũng như sở, ban, ngành, chùa đã chủ động tiến hành các thủ tục xin cấp phép xây dựng khi triển khai xây dựng 2 hạng mục công trình gồm tượng Phật bà Quan Âm và núi đá phong thủy vào tháng 3-2016. Đến nay, công trình gồm tượng Phật bà Quan Âm cao 3,5m, núi đá cao 4,3m cùng với bệ đá đã hoàn thành đảm bảo tiến độ, với tổng mức đầu tư hơn 80 triệu đồng”. Các huyện và thành phố cũng chủ động thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn. Nội dung kiểm tra giấy phép và quản lý theo GPXD; lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình; giám sát nghiệm thu và các biện pháp thi công đảm bảo an toàn theo quy định. Đối với mỗi công trình, đoàn kiểm tra đều lập biên bản khảo sát tình hình thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng các công trình, hồ sơ thủ tục liên quan… Nhìn chung, các chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng đã có ý thức tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình. Hiện nay trên địa bàn tỉnh không có công trình tôn giáo, tín ngưỡng nào có nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc. Số lượng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ đời sống tâm linh trong thời gian qua tăng nhiều nhưng số công trình được làm thủ tục xin cấp GPXD còn ít, chưa được chủ đầu tư quan tâm. Ngoài đáp ứng các yêu cầu về phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; một trong những điều kiện để được cấp GPXD đối với công trình tôn giáo là phải có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh, văn bản chấp thuận của Ban tôn giáo cấp có thẩm quyền hay văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo. Thế nhưng trên thực tế không ít chủ đầu tư công trình bỏ qua khâu xin cấp phép xây dựng ở Sở Xây dựng mà chỉ trình xin ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo để được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Sở dĩ có tình trạng này là do các công trình tôn giáo tín ngưỡng đều sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Do không có sự tham gia của ngành chuyên môn xây dựng nên năng lực của các nhà thầu thi công xây dựng các loại công trình này cũng chưa được đánh giá theo các tiêu chuẩn cụ thể, số lượng các đơn vị tư vấn được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo các di tích còn ít, non về kinh nghiệm.
Thời gian tới, nhằm tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng và chất lượng các công trình tôn giáo, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 39/2016/QĐ-UBND ngày 27-9-2016 quy định trách nhiệm quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, chủ quản lý và sử dụng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng các thủ tục về cấp GPXD, quy định xây dựng theo giấy phép và các quy định về quản lý chất lượng công trình. Yêu cầu các chủ đầu tư trong trường hợp phát hiện công trình, hạng mục công trình có hiện tượng lún, nứt không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố (kể cả các công trình, hạng mục công trình đang thi công) phải khẩn trương báo cáo về Sở Xây dựng để tổ chức kiểm tra, xử lý./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn