Trực Ninh chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

07:09, 22/09/2016
Những năm qua, trên địa bàn huyện Trực Ninh đã xảy ra các bệnh dịch tả lợn, bệnh cúm gia cầm A/H5N6, bệnh dại trên chó gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Nặng nề nhất là dịch tai xanh ở lợn năm 2013 phát sinh tại 15 xã, thị trấn đã khiến huyện phải tiêu hủy hơn 7.000 con lợn với trọng lượng gần 127 tấn, làm 2.700 hộ chăn nuôi khốn đốn. Rút bài học kinh nghiệm, Trực Ninh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững.
 
Ngay từ đầu năm 2016, huyện Trực Ninh đã xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn. Sau đợt dịch lợn tai xanh năm 2013, cán bộ và người dân ở Thị trấn Cát Thành luôn chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chị Vũ Thu Hoài, Trưởng Thú y thị trấn cho biết: Thị trấn thường xuyên phổ biến trên hệ thống truyền thanh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để người dân biết, chủ động hợp tác và thực hiện. Ngoài các đợt tiêm phòng chính vụ, thị trấn còn chú trọng tiêm bổ sung vắc-xin cho gia súc, gia cầm tái đàn đến tuổi tiêm. Tập huấn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh cho người chăn nuôi. Đến nay, các dịch bệnh không tái phát trên đàn vật nuôi. Ông Cao Thế Văn, người nuôi lợn ở tổ dân phố Bắc Tiến cho biết: Nhận thức rõ phòng bệnh hơn trị bệnh nên không chỉ thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin dịch tả lợn ở chính vụ, tôi còn mua thêm các vắc-xin tụ huyết trùng, tai xanh, phó thương hàn… để tiêm cho đàn lợn của gia đình. Ngoài ra, tôi thực hiện làm vệ sinh chuồng trại 2-3 lần/ngày, định kỳ phun thuốc khử trùng 2 lần/tuần để đàn lợn khỏe mạnh, tránh được dịch bệnh. Nhờ thực hiện tốt khâu phòng, chống dịch bệnh nên nhiều năm chăn nuôi, chưa năm nào dịch bệnh làm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi của gia đình tôi. Ở xã Trung Đông công tác phòng bệnh cũng được xã chú trọng, từ công tác tiêm phòng vắc-xin đến triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại nên từ nhiều năm qua, trên địa bàn xã không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đồng chí Bùi Minh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Có được kết quả trên, ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc phòng ngừa dịch bệnh thì tinh thần tự giác, chủ động của người chăn nuôi là rất lớn. Để thực hiện tốt các công tác này, UBND xã đã hỗ trợ kinh phí mua dụng cụ tiêm và một phần tiền công tiêm cho thú y viên. Xã cũng chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể: MTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Tiêm phòng vắc-xin cho lợn tại Thị trấn Cát Thành.
Tiêm phòng vắc-xin cho lợn tại Thị trấn Cát Thành.
Hiện toàn huyện Trực Ninh có gần 98 nghìn con lợn, 651 nghìn con gia cầm các loại và 1.300 con trâu, bò. Với phương châm phòng bệnh cho đàn vật nuôi là chính, huyện đã thực hiện tốt các đợt tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh như: Tổ chức rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi trong diện tiêm phòng. Huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi; tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm, bảo quản vắc-xin cho lực lượng thú y cơ sở; giao chỉ tiêu tiêm phòng cụ thể về số lượng đàn vật nuôi, số lượng vắc-xin cho cơ sở và chuẩn bị vật tư, vắc-xin, dụng cụ tiêm phòng đầy đủ... Cử cán bộ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn lực lượng trực tiếp tham gia tiêm phòng để công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao nhất. Kết quả trong vụ xuân 2016, toàn huyện đã tiêm vắc-xin dịch tả cho 45.259 con lợn (đạt 100,6% kế hoạch); tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho 1.938 con trâu, bò, dê (đạt 102%) và tiêm vắc-xin dại cho 6.170 con chó (đạt 56%). Ngoài đợt tiêm chính vụ, các xã Phương Định, Trực Đạo, Trực Khang, Trực Đại và Thị trấn Cát Thành tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin dịch tả cho 2.520 con lợn. Trong công tác giám sát dịch, UBND huyện Trực Ninh chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phân công cán bộ tăng cường bám sát cơ sở nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trạm đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện 2 đợt giám sát vi-rút cúm lợn tại các xã Trực Thắng, Trực Thái, Trực Đạo; tổng số đã lấy 200 mẫu huyết thanh, 480 mẫu dịch mũi lợn. Thực hiện 4 vòng giám sát vi-rút cúm gia cầm tại chợ Thị trấn Cổ Lễ, đã lấy 160 mẫu dịch gộp họng, nước uống, phân gia cầm. Tất cả các mẫu giám sát dịch đều cho kết quả xét nghiệm âm tính. Mặt khác, Trực Ninh còn chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại và phun thuốc sát trùng, tiêu độc môi trường, nhất là sau khi xuất bán hết gia súc, gia cầm để chuẩn bị nhập nuôi lứa mới. Đặc biệt, trong Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đợt I từ ngày 1-5 đến 1-6 vừa qua, 100% số thôn, xã, thị trấn, các cơ sở chăn nuôi đã tổ chức phun 275 lít hóa chất khử độc tiêu trùng và rắc 3,5 tấn vôi bột xung quanh cơ sở chăn nuôi và đường làng ngõ xóm. Công tác quản lý dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật và sản phẩm động vật được huyện thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từ đầu năm đến nay, huyện đã cấp 137 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, cụ thể: 130 con lợn sữa, 5.720 con lợn thịt, 3.050 con gia cầm và 7,4 tấn thịt đông lạnh… góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan và thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Đi đôi với công tác phòng, chống dịch bệnh, huyện còn làm tốt công tác phối hợp tổ chức phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi; chú trọng hướng dẫn các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn ấm áp về mùa đông và thoáng mát về mùa hè, chủ động các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhập con giống nuôi phải chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện tốt các chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo từng giai đoạn phát triển; thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe vật nuôi. Nhờ đó, 9 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định cho năng suất, giá trị kinh tế cao.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Trưởng Trạm Thú y huyện Trực Ninh cho biết: Hiện nay hình thức chăn nuôi của huyện chủ yếu là chăn nuôi nhỏ, phân tán nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh tương đối cao, nhất là thời điểm giao mùa và trong những tháng cuối năm gia tăng chăn nuôi phục vụ Tết Nguyên đán. Bởi vậy, Trực Ninh đang tập trung triển khai tiêm phòng đại trà vụ thu cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo nhanh gọn, đồng loạt, đạt tỷ lệ cao. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến Luật Thú y, công tác phòng, chống dịch bệnh để các hộ chăn nuôi chủ động vận dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, tổ chức tiêm bổ sung các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi trong từng giai đoạn phát triển; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng, tiêu độc... đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển ổn định, cho giá trị kinh tế cao. Huyện tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phát hiện bệnh đến tận hộ chăn nuôi, đồng thời tiếp tục khuyến khích tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ kém hiệu quả sang chăn nuôi theo quy mô trang trại trong khu quy hoạch./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com