Kinh tế biển là một mũi nhọn kinh tế của tỉnh ta; trong đó nuôi thủy sản đóng vai trò quan trọng. Do vậy, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các vùng nuôi là cần thiết để thúc đẩy nghề nuôi thủy sản của tỉnh phát triển bền vững về cả năng suất và chất lượng các vụ nuôi, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.
Mặc dù nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta đã phát triển nhiều năm, cơ sở hạ tầng vùng nuôi đã được quan tâm đầu tư song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Tại nhiều vùng nuôi, nhất là vùng nuôi thủy sản mặn lợ có diện tích chuyển đổi từ làm muối sang nuôi thủy sản như xã Bạch Long (Giao Thủy), xã Hải Đông (Hải Hậu)…, hệ thống thủy lợi chưa được xây dựng tách biệt hoặc mới tách biệt một phần với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và muối. Do đó việc điều tiết nước nuôi thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không tốt đến kết quả vụ nuôi. Mạng lưới điện phục vụ sản xuất, đường giao thông dẫn vào khu vực nuôi chưa thực sự thuận tiện gây khó khăn cho các phương tiện cơ giới ra vào. Người dân thiếu vốn đầu tư cải tạo ao, đầm, xây dựng các công trình nuôi, giống, vật tư trong khi đầu tư nuôi thủy sản đòi hỏi vốn lớn hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng sản xuất của các vùng nuôi thủy sản nước ngọt cũng vừa yếu vừa thiếu, chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, thiếu kiểm soát nên việc đầu tư vốn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Các cơ sở sản xuất giống thủy sản tuy đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nhưng vì đã sử dụng lâu ngày nên xuống cấp, hạn chế năng lực sản xuất, cung cấp giống chất lượng cao. Đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 1 trực tiếp đổ bộ vào tỉnh ta cuối tháng 7 vừa qua, đã có 69 cơ sở sản xuất giống thủy sản, 529 chòi canh phục vụ nuôi thủy sản bị tốc mái, bị đổ; hơn 7.000ha nuôi thủy sản bị ngập, sạt lở bờ; 79 lồng nuôi thủy sản vỡ lồng, rách lưới.
Thi công dự án nâng cấp Trung tâm Giống thủy sản tại Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh. |
Trước thực trạng đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản, bảo đảm phát huy tiềm năng thế mạnh kinh tế biển của tỉnh, Sở NN và PTNT, các cơ sở nuôi thủy sản đang tìm kiếm những biện pháp, chính sách đầu tư phát triển, củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng nuôi. Đối với các vùng nuôi thủy sản mặn lợ tập trung cần có những dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét các ngòi tiêu để tiêu thoát nước. Còn với các vùng nội đồng, cần nâng cấp sửa chữa hệ thống cống đã hỏng, xây dựng quy hoạch cho từng vùng, từng địa phương, từng đối tượng nuôi cụ thể. Các địa phương có hoạt động nuôi thủy sản tích cực tuyên truyền để từng bước thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người dân để phát triển sản xuất theo hướng tập trung, nuôi thủy sản trong vùng đã quy hoạch để phát huy thế mạnh của nghề, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi thủy sản giai đoạn 2010-2015 được chuyển tiếp thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 như Dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất tại Trung tâm giống thủy đặc sản của tỉnh. Với tổng đầu tư hơn 30 tỷ đồng, hệ thống ao nuôi được xây kiên cố, kè bê tông xung quanh bờ ao; hút đáy ao và đặc biệt là xây dựng lại hệ thống cấp thoát nước chảy về hệ thống ao. Dự kiến đến năm 2018 dự án sẽ được hoàn thành sẽ đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất, cung cấp con giống chất lượng tới người dân. Hay dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi nuôi trồng thủy sản xã Giao Phong (Giao Thủy) đã được khởi công từ tháng 4-2015, đến nay nhà thầu đã tiến hành thi công được khoảng 40% khối lượng. Cùng với những dự án chuyển tiếp đang được tích cực triển khai và hoàn thiện, trong giai đoạn 2016-2020 Sở NN và PTNT dự kiến triển khai các dự án là: cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Bạch Long (Giao Thủy); cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Hải Phúc (Hải Hậu).
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành kinh tế có nhiều “tiềm năng” này phát triển vững mạnh hơn, tạo động lực để phát triển kinh tế thủy sản nhanh, bền vững. Trong thời gian tới, tỉnh và các địa phương cần tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng nuôi thủy sản; đặc biệt cần có cơ chế, chính sách thích hợp hơn nữa để hỗ trợ người nuôi mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo nên vùng sản xuất hàng hóa tập trung… Sở NN và PTNT tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản của các vùng nuôi nhuyễn thể, vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, vùng nuôi đặc sản nước ngọt, đặc biệt là các vùng ở ba huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Khuyến khích tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy, hải sản tiếp tục đầu tư nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng, không ngừng nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất giống để ngành kinh tế thủy sản phát triển xứng tầm là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa