Những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, nắng hạn liên tục kéo dài, lượng mưa thay đổi đột ngột... Những biến đổi về khí hậu đặc biệt tác động tiêu cực đối với các huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy với những rủi ro như triều cường, nước biển dâng, xâm nhập mặn… Điều đó đã khiến việc canh tác lúa và nuôi thủy sản gặp không ít khó khăn. Mô hình nuôi cá ruộng ứng phó với biến đổi khí hậu đã mở ra một hướng đi mới hiệu quả đảm bảo sinh kế cho người dân 3 huyện ven biển.
|
Mô hình nuôi cá ruộng ứng phó với biến đổi khí hậu của bà Phạm Thị Khuyên, xóm 3, HTX Nam Hải, Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng). |
Nuôi cá ruộng không còn là mô hình mới lạ, tuy nhiên, nhiều người dân các xã ven biển chưa nắm được các chủ trương chính sách phát triển cũng như kỹ thuật sản xuất nên chưa mạnh dạn áp dụng nhân rộng mô hình này. Bên cạnh đó, do chưa có quy hoạch vùng nuôi cá ruộng nên chưa có hệ thống cấp thoát nước phù hợp với phương thức canh tác trồng xen canh lúa và nuôi thủy sản. Nguồn nước đưa vào ruộng nuôi cá tại nhiều nơi không đảm bảo yêu cầu do bị ô nhiễm từ thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, gia cầm ảnh hưởng đến chất lượng đàn cá. Hệ thống kênh mương bị bồi lắng nhiều không đảm bảo yêu cầu phục vụ tưới tiêu. Để giúp chính quyền địa phương từng bước tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn về kỹ thuật thúc đẩy nhân rộng mô hình nuôi cá ruộng, tạo sinh kế ổn định cho người dân, Dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam do USAID tài trợ đã kết hợp với Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh thực hiện khảo sát đánh giá hiện trạng việc nuôi cá ruộng của người dân, qua đó xây dựng quy trình kỹ thuật hướng dẫn cho người dân áp dụng và xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi giá trị có hiệu quả kinh tế cao, sản xuất sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. So với mô hình cá - lúa truyền thống thì mô hình cá - lúa thích ứng với biến đổi khí hậu có một số khác biệt. Về các đối tượng nuôi, mô hình cá - lúa thích ứng với biến đổi khí hậu có thể nuôi cả cá nước ngọt và cá tôm nước lợ. Khi cho các đối tượng này vào nuôi chung một ruộng ở mật độ phù hợp thì chúng sẽ hỗ trợ lẫn nhau để phát triển tốt hơn, ít bị dịch bệnh và không gây ô nhiễm môi trường nuôi. Các đối tượng cá nước ngọt sống tầng đáy giúp sục đáy hạn chế tích đọng khí độc trong ruộng nuôi cho tôm phát triển tốt hơn, còn tôm giúp dọn chất thải của cá, làm sạch môi trường ruộng nuôi. Khi áp dụng mô hình này cần phải có hệ thống cống cấp và thoát nước tách bạch. Mỗi ruộng cần phải có một cống cấp và một cống thoát nước. Cống cấp nước được đặt ở vị trí đầu cao của mương, còn cống thoát nước sẽ được đặt ở đầu thấp nhất của mương. Ngoài ra cần chú trọng lựa chọn các đối tượng nuôi có khả năng phát triển nhanh, cho giá trị kinh tế cao, ít bị dịch bệnh như cá chép, cá rô, cá vược, cá diêu hồng, tôm thẻ chân trắng, tôm sú… Cá được đưa lên ruộng khi cây lúa đã bén rễ sau khi trồng 20-25 ngày. Còn đối với cây lúa phải chọn những giống lúa cứng thân, tán hẹp, có khả năng kháng sâu bệnh tốt và chịu mặn như: TCX30, Nam Dương 99… Ngoài ra có thể trồng một số giống lúa thuần ở vùng cửa sông như nếp cái hoa vàng, bắc thơm Thái Bình. Tuy nhiên ruộng lúa phải đảm bảo “đồng giống, đồng trà” để quá trình thu lúa nhanh gọn. Một số hộ nuôi được chọn làm thí điểm như hộ ông Nguyễn Văn Thạch, xóm 4, xã Hải An (Hải Hậu), ông Nguyễn Văn Thôn, xóm 12, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) và bà Phạm Thị Khuyên, xóm 3, HTX Nam Hải, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng). Mô hình của ông Nguyễn Văn Thôn rộng 7ha với hệ thống mương dạng chữ U nằm bao quanh ruộng lúa. Ông áp dụng cấy giống lúa BC15 và nuôi cá vược, cá chuối, cá chép, cá rô. Ông Thôn cho biết: “Từ ngày phát triển mô hình cá - lúa, được đi dự các lớp tập huấn về nuôi cá ruộng ứng phó với biến đổi khí hậu, tôi đã nắm được những biện pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp hơn. Dự án còn hỗ trợ đầu tư một phần thức ăn nên tôi rất phấn khởi tham gia mô hình này. Năng suất lúa từ mô hình này cho hiệu quả hơn bình thường từ 20-30%”. Các phụ phẩm của lúa như rơm, rạ, những hạt thóc rụng… được tận dụng làm thức ăn cho cá, đặc biệt là cá trắm cỏ. Các loài địch hại của cây lúa như sâu, rầy… cũng là nguồn thức ăn tốt giúp cá phát triển. Trong khi đó, cá lại hỗ trợ ngược lại, thải phân làm tăng nguồn dinh dưỡng cho cây lúa, cá bơi lội sục bùn làm đất tơi xốp thoáng khí giúp rễ lúa nhanh phát triển hấp thu dinh dưỡng tốt. Những hiệu quả bước đầu đạt được đã thôi thúc ông Thôn dự định mở rộng thêm 85 mẫu diện tích ruộng nuôi để phát triển kinh tế. Còn gia đình bà Phạm Thị Khuyên có vùng ruộng thấp trũng nên sau khi thu hoạch vụ lúa chính, bà lại cho phát triển lúa chét trong vụ mùa. Vụ vừa qua, bà thu hoạch được 40kg thóc/sào. Lúa chét được đánh giá là cho chất lượng gạo mềm hơn, thơm hơn, được nhiều người ưa thích nên bán được giá 10 nghìn đồng/kg, cao hơn nhiều loại gạo thông thường. Bà Khuyên cho biết: “Các cán bộ kỹ thuật của dự án thường xuyên theo dõi tình hình phát triển mô hình, chú trọng hướng dẫn cách thức dùng thuốc để phòng, chữa bệnh cho cá và chăm sóc ruộng lúa nên chúng tôi cũng yên tâm hơn rất nhiều”.
Mô hình nuôi cá ruộng thích ứng với biến đổi khí hậu bước đầu đã có những thành công nhất định, tạo được sự tin tưởng cho người sản xuất bởi giảm chi phí đầu tư, giá trị kinh tế cao, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Quan trọng hơn là mô hình giúp người dân yên tâm về sinh kế trước tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời cũng nâng cao ý thức chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường toàn cầu./.
Bài và ảnh:
Thanh Hoa