Những năm gần đây, nghề trồng nấm ở tỉnh ta đã có bước phát triển tích cực. Nhiều loại nấm đang được nuôi trồng ở các địa phương trong tỉnh như: nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ (nấm tai mèo), nấm linh chi... là những giống nấm cho hiệu quả kinh tế cao. Song nhìn chung việc phát triển trồng nấm còn nhỏ lẻ, hầu hết các hộ trồng nấm mỗi năm chỉ sử dụng vài tấn nguyên liệu có sẵn để sản xuất nấm. Nhằm liên kết các hộ sản xuất nấm quy mô nhỏ lẻ thành các nhóm hộ và sử dụng hiệu quả nguồn phế, phụ phẩm dư thừa từ sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, nguồn sản phẩm sạch, tăng thu nhập cho nông dân, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh triển khai dự án “Phát triển sản xuất nấm tập trung” tại tỉnh ta Dự án phát triển sản xuất nấm tập trung được thực hiện tại xã Xuân Ninh, Xuân Kiên (Xuân Trường); Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) và Hải Chính (Hải Hậu) với quy mô mỗi mô hình 50 tấn rơm, rạ.
Dự án sản xuất nấm tập trung tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường). Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Khi mới triển khai, dự án gặp không ít khó khăn do người trồng nấm còn có tư duy theo hướng tự cung, tự cấp, tận dụng cơ sở vật chất đã có, chưa mạnh dạn đầu tư một cách bài bản. Nhận thức của người dân cũng như việc tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Tuy nhiên sau khi được cán bộ kỹ thuật Trung tâm KNKN tỉnh hướng dẫn từ khâu xử lý nguyên liệu, chăm sóc, thu hái và khuyến khích các hộ liên kết với nhau để cùng tiêu thụ sản phẩm nên dự án đã có được những kết quả rất khả quan. Sau 3 năm thực hiện dự án, bước đầu tổ chức thành công các nhóm hộ sản xuất nấm hợp tác cùng nhau tiêu thụ sản phẩm, các loại nấm làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đấy. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... Điểm thực hiện mô hình là đầu mối thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nấm của các thành viên và các hộ khác sản xuất ra. Dự án phát triển sản xuất nấm tập trung cho năng suất nấm sò trung bình đạt 500-520 kg/1 tấn nguyên liệu, giá bán 20-25 nghìn đồng/kg; năng suất nấm rơm trung bình đạt 130-135 kg/1 tấn nguyên liệu, giá bán 35 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí sau khoảng 2 tháng, người trồng nấm thu lãi khoảng 3,5-5 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, xóm 2, xã Nghĩa Lạc, hộ nông dân tham gia dự án cho biết: “Trồng nấm rơm không tốn nhiều vốn ban đầu, chỉ cần vài triệu đồng là có thể xây dựng được một mô hình. Hơn nữa, trồng nấm có thể tận dụng được những sản phẩm phụ của đồng ruộng như rơm, rạ nên nguyên liệu có đủ sản xuất quanh năm. Có thể kết hợp lấy ngắn nuôi dài, tận dụng phụ phẩm, công nhàn rỗi để phát triển kinh tế gia đình”. Cũng tham gia dự án, anh Nguyễn Văn Thế, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) chia sẻ: “Từ khi sản xuất nấm chúng tôi không còn phải đốt rơm rạ sau khi thu hoạch nữa mà sử dụng làm nguyên liệu trồng nấm. Nhóm chúng tôi đã cùng nhau sản xuất một loại nấm nên sản lượng nấm hàng hoá cao. Ngoài bán cho người dân trong tỉnh còn bán cho các tỉnh lân cận, đôi khi cũng không đủ hàng”. Không những liên kết được các hộ sản xuất nấm nhỏ lẻ, dự án còn có sức lan tỏa lớn khi nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức cho nông dân đến tham quan học tập để áp dụng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất nấm tập trung tại địa phương mình. Nhiều hộ dân trong vùng và các xã lân cận cũng mua các bịch phôi về trồng thử và dần mở rộng quy mô. Hiện nay, tại một số xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng); Xuân Phong (Xuân Trường); Hải Phương (Hải Hậu)… đã hình thành được các vùng sản xuất nấm tập trung mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Để có sản phẩm thường xuyên cung cấp cho thị trường và tránh tình trạng nhiều hộ cùng thu hoạch dẫn đến khó tiêu thụ, các hộ dân đã liên kết với nhau thành một nhóm để hỗ trợ nhau trong sản xuất từ việc chủ động nguồn giống nấm, trao đổi kỹ thuật trồng nấm, điều chỉnh thời vụ đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo khối lượng hàng hóa lớn thuận tiện cho việc vận chuyển tiêu thụ. Hiện việc phát triển sản xuất nấm tập trung vẫn đang tiếp tục được duy trì và mở rộng ra các địa phương khác trong tỉnh. Đồng chí Đào Viết Tâm, giám đốc Trung tâm cho biết: Dự án phát triển sản xuất nấm tập trung thực hiện tại tỉnh ta đã tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, tận dụng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dân. Dự án sản xuất nấm tập trung còn góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất từ nhỏ lẻ, tự phát trong từng hộ gia đình sang liên kết nhóm hộ, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Thành công của dự án còn tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn cho người tiêu dùng, góp phần đổi mới cơ cấu cây trồng.
Kết quả của dự án phát triển sản xuất nấm tập trung là giải pháp giúp nông dân tận dụng các loại nguyên liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất ra sản phẩm có giá trị hàng hóa. Đây là mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, trình độ, năng lực kinh tế của người nông dân, góp phần vào việc giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống của nông dân. Dự án đã phổ biến và nhân rộng trong nông dân một công nghệ sản xuất nấm ăn dễ tiếp thu, dễ làm và có hiệu quả. Hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo ra được một loại thực phẩm sạch an toàn, đồng thời ứng dụng được kết quả khoa học công nghệ vào đời sống hiện thực của người dân. Dự án có thể áp dụng ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, để mở rộng, phát triển nghề trồng nấm, các cấp, các ngành và các địa phương cũng cần đề ra những chính sách khuyến khích phát triển và mở rộng diện tích sản xuất nấm như: tạo điều kiện về mặt bằng đất đai, chính sách vay vốn, hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất, hỗ trợ kinh phí tập huấn, tham quan các mô hình sản xuất nấm tập trung, tạo điều kiện giúp đỡ thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm thường xuyên, ổn định cho nông dân. Chủ động nguồn giống nấm, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá thương mại, tư vấn giới thiệu các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từng bước hình thành liên kết “4 nhà” trong sản xuất nấm./.
Ngọc Ánh