Để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã Minh Tân (Vụ Bản) đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn. Đến nay, toàn xã đã thu hút được 5 dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở các ngành nghề như: xây dựng, may công nghiệp... tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho khoảng 1.200 lao động địa phương.
|
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Nhà máy May Minh Tân, Cty CP May 4 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định). |
Xã Minh Tân nằm ở vị trí giao cắt giữa các tuyến giao thông huyết mạch là Quốc lộ 37B dài 0,7km và Quốc lộ 38B dài 1,7km ngang qua địa bàn. Hai tuyến đường này mới được nâng cấp mở rộng, tăng mạnh về năng lực lưu thông. Trước đây, Minh Tân là điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, sản xuất nông nghiệp giữ vị trí chủ đạo, chiếm gần 85% cơ cấu kinh tế. Tuy vậy giá trị lao động nông nghiệp chưa thật cao nên ngoài thời vụ nông nghiệp, phần lớn lao động trong độ tuổi của xã phải đi làm thuê ở nơi khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Khi lập đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Đảng ủy, UBND xã đã chủ trương quy hoạch gọn vùng các diện tích đất công ở các vị trí nhiều lợi thế như Trạm Quân lương cũ rộng 3ha thuộc thôn Thượng (nằm sát ngã tư giao giữa Quốc lộ 37B và Quốc lộ 38B); hội trường cũ của UBND xã thuộc thôn Ngăm Hạ… để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN dịch vụ, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Để tăng lợi thế cạnh tranh trong công tác thu hút đầu tư về địa bàn, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của Trung ương, của tỉnh, xã đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như: tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính; hỗ trợ đào tạo nghề bước đầu cho lao động; tín chấp với các tổ chức tín dụng để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi… Nhờ khai thác tốt lợi thế vị trí địa lý, tiềm năng lao động và triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, đến nay trên địa bàn xã đã thu hút được 5 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho gần 1.200 lao động địa phương là các doanh nghiệp: Cty T.B.O Vina (Hàn Quốc); Cty CP May 4 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định); Cty CP Dệt may Sơn Nam và Cty TNHH Đại Vượng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và 1 xưởng sản xuất than sinh học từ phế thải nông nghiệp. Năm 2011, được xã tạo điều kiện cho mượn khu vực hội trường UBND cũ và hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo nghề miễn phí cho lao động địa phương qua chương trình khuyến công, Đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Cty CP May 4 đã đầu tư trên 12 tỷ đồng xây dựng Nhà máy May Minh Tân ở thôn Ngăm Hạ. Nhà máy có tổng diện tích nhà xưởng trên 1.600m
2 với 5 chuyền may tiêu chuẩn, 1 trạm biến áp 250kVA riêng, tạo việc làm cho trên 150 lao động địa phương. Với cơ chế khoán sản phẩm, đào tạo nghề miễn phí, trong thời gian học nghề lao động được trả lương theo thỏa thuận, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, phần lớn công nhân của nhà máy đã đạt mức thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH T.B.O Vina là nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư trên 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu. Với quy mô công suất 2 triệu sản phẩm/năm, dự án của Cty TNHH T.B.O Vina đã chính thức hoạt động và tạo việc làm cho trên 700 lao động của xã Minh Tân và các xã lân cận của các huyện Vụ Bản, Ý Yên. Cty TNHH Đại Vượng thường nhận được các hợp đồng xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi đảm bảo việc làm cho trên 50 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động thời vụ với thu nhập từ 80-120 nghìn đồng/người/ngày. Với cơ chế hỗ trợ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi tối đa không chỉ cho doanh nghiệp và cả người lao động, trong năm 2016, xã Minh Tân đã thu hút thêm được dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi và xưởng may các loại khăn bông xuất khẩu của Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) trên tổng diện tích 4,15ha tại vị trí cánh đồng Cửa Quán, thôn Thượng (liền kề núi Ngăm). Hiện nay, Cty đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục đầu tư, tiến hành san lấp, xây dựng nhà xưởng để phấn đấu hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2017. Dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án của Cty CP Dệt may Sơn Nam sẽ tạo việc làm cho 1.000-1.500 lao động mới.
Nhờ thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, trong 3 năm qua, cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng cơ cấu sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 50%. Năm 2015, bình quân thu nhập đầu người của xã đã đạt 27 triệu đồng/năm, xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2015 với 16/19 tiêu chí đạt chuẩn và 3 tiêu chí cơ bản đạt. Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2016 và các năm tiếp theo, xã Minh Tân tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN. Xã đã quy hoạch gọn vùng 4ha tại cánh đồng Cửa Hai (phía đông núi Ngăm) liền kề tuyến nhánh của Quốc lộ 38B để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2016, xã Minh Tân phấn đấu nâng bình quân thu nhập đầu người lên mức 30 triệu đồng/năm./.
Bài và ảnh:
Thành Trung