Trong trí nhớ của những bà, những mẹ, những chị chuyên nghề khâu nón lá ở Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng), làng Đào Khê được coi là nơi phát tích của nghề làm nón có lịch sử mấy trăm năm của xã. Ngày nông nhàn, dăm ba phụ nữ trải chiếu túm tụm lại với nhau ở một điểm nào đó ngồi khâu nón. Chuyện trò, đổi trao những câu chuyện làng trên xóm dưới, tình hình làm ăn, con cái… trong khi tay, mắt vẫn không ngừng đưa lên đưa xuống trên những khuôn nón xinh xinh. Nhịp sống làng nghề ít sôi động, hối hả, gấp gáp hơn so với nhiều làng nghề truyền thống khác. Tuy nhiên, không vì thế mà làng nghề nón Đào Khê “thiếu sức hấp dẫn”. Bằng chứng là, Đào Khê nói riêng, Nghĩa Châu nói chung có đến khoảng 80% dân số theo nghề làm nón.
Vẹn tròn nón lá
Bà Phạm Thị Thuân, làng Đào Khê năm nay đã 70 tuổi, mắt đã không còn được tinh tường, ngồi lâu khâu nón lưng đã mỏi, đầu ngón tay có cảm giác “tê tê”. Biết khâu nón từ năm lên 10 tuổi, bà Thuân bảo, nghề làm nón của làng tôi cũng trải qua nhiều gian truân, nhiều giai đoạn khó khăn: “Ấy là những năm giặc giã, nguồn nguyên liệu vô cùng hiếm do Nam Định không có nơi đâu trồng được cây cọ. Rồi những năm đói kém, cơm không đủ ăn, lấy gì mà mua nón mũ. Rồi đến bây giờ, nhiều phụ nữ không còn ưa dùng nón lá đội đầu, thị trường bị thu hẹp… Ấy thế mà nghề làm nón vẫn được duy trì. Bởi, một cái nón trắng mềm mại đội trên đầu, tôi nghĩ… đã thành đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam. Từ chốn quê nghèo khó đến đô thị sầm uất, ở đâu cũng dễ dàng thấy hình ảnh chiếc nón lá. Nón lá, vì thế cùng với một vài biểu trưng khác đã trở thành hình ảnh in sâu trong tâm thức khi người ta nghĩ về phụ nữ Việt Nam”…
Và, ngược dòng ký ức của bà Thuân, chúng tôi có dịp tìm hiểu thêm về nghề làm nón của làng Đào Khê nức tiếng. Nhập lá từ miền sơn cước Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nơi những thân cọ chắc khỏe, xanh mướt được núi rừng dưỡng nuôi, người làng nghề còn phải trải qua nhiều công đoạn xử lý mới có được tác phẩm cuối cùng. Lá nón mua về được những người chuyên buôn bán lá tãi ra phơi nắng, hấp diêm sinh để lá có độ trắng ngà, không bị mốc khi gặp mưa. Xong công đoạn đó, người thợ đặt từng lá nón lên mặt lưỡi cày nung nóng, dùng búi giẻ vuốt cho lá phẳng, khi vuốt, tay phải hết sức đều đặn. Ngày nay, công đoạn “là lá” trên được xử lý nhanh, hiệu quả hơn khi người thợ biết dùng bếp điện để làm phẳng lá. Xử lý xong khâu lá, thợ lá bắt đầu xếp lá lên khuôn để khâu. Giữa 2 lớp lá, họ lót một lượt mo nang lạng thật mỏng và được buộc cho chắc. Sau đó thì khâu nón. Bàn tay thoăn thoắt luồn mũi kim lên, xuống đều đặn nhịp nhàng sao cho lỗ khâu thật khít, mỗi người thợ thể hiện độ lành nghề, khéo léo ở công đoạn quyết định này. Người thợ khâu nón tài hoa thường có tài… lẩn chỉ, khéo giấu những nút nối vào trong. Đây cũng được coi như là công đoạn khó nhất của nghề khâu nón. “Ngày xưa, khi sợi cước chưa xuất hiện, chúng tôi toàn phải khâu nón bằng sợi móc lấy từ cây móc. Sợi móc không được bóng, trơn và bền như sợi cước nên khi khâu, chúng tôi phải hết sức cẩn thận. Ngày đó, theo tôi nhớ, khuôn nón cũng nhỏ hơn bây giờ, việc trang trí nón cũng đơn giản hơn”, bà Thuân nói thêm. Sau khi hoàn chỉnh các công đoạn “thô” cho nón lá, thợ nón bắt tay vào việc trang trí hoa văn cho nón. Tùy thuộc vào từng loại nón, họ sẽ có cách “làm đẹp” khác nhau. Với loại nón “chợ”, người khâu đơn giản, không cầu kỳ khi trình bày. Kỳ công nhất là khi họ khâu nón cưới. Đấy là thứ nón được chọn làm từ những lá nón dày dặn, trắng trẻo, dai nhất. Người làm nghề cũng bỏ rất nhiều tâm sức cho loại nón này. Họ khâu tỉ mẩn với những mũi khâu khá dày. Thợ nón còn sáng tạo thêm nhiều hoa văn để trang trí cho nón. Khi đó, các bà, các chị, các mẹ được dịp trổ tài và óc thẩm mỹ khéo léo. Chọn những họa tiết, màu sắc sinh động, họ dồn hết tâm tư, mong ước về một cuộc sống gia đình hạnh phúc viên mãn đối với những cặp vợ chồng trẻ đến đặt nón cưới. Không ngại mất thời gian, họ còn cặm cụi tự tay thêu hình đôi chim bồ câu hoặc tên vợ chồng trẻ lên trên thân nón. Bàn tay người thợ tiếp tục cần mẫn “bỏ nhôi” kết từng sợi chỉ xanh đỏ đẹp mắt để làm chỗ cho các cô dâu xâu quai nón sao cho hợp ý, đẹp lòng người mua... Và, điều mà chị em phụ nữ “ưng” nhất khi đội nón lá Đào Khê, dù qua mưa nắng, những chiếc nón lá vẫn cứ bền bỉ theo thời gian. Cứ như thế, theo tháng năm, những chiếc nón lá Đào Khê, Nghĩa Châu tồn tại đến giờ.
Người dân làng Đào Khê, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) miệt mài làm nón. |
Nghề phụ mà chính
Nghề làm nón ở Nghĩa Châu, theo chính những người làm nghề cho chúng tôi biết, thu hút tới khoảng 80% dân số. Từ những em bé 10 tuổi cho đến ông bà cụ 70, 80 tuổi đều có thể làm nghề thành thạo. Hiện, những thợ làm nón làng Đào Khê sản xuất khá nhiều loại nón, phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng. Có nón hàng chợ, nón thường và nón cưới. Đối với mỗi loại nón được bán các mức giá khác nhau. Nón hàng chợ và hàng thường có mức giá dao động từ 20-50 nghìn đồng/chiếc. Nón cưới có giá 100-200 nghìn đồng/chiếc. Cũng tùy vào các loại nón làm nhanh hay kỹ mà năng suất của người lao động khác nhau: “Tôi già rồi nên mỗi tháng chỉ nhập khoảng vài chục nắm lá về làm thôi. Tính ra, 1 nắm lá làm được khoảng 3 cái nón, mỗi ngày tôi làm được 2 chiếc nón thường. Đối với thanh niên, nhanh tay nhanh mắt hơn, họ có thể làm được 3 chiếc/ngày. Riêng với loại nón cưới, các thợ nón lành nghề nhất cũng phải mất 1 ngày để hoàn thiện chiếc nón. Cái hay của nghề này là ai cũng có thể làm được, tận dụng được mọi thời gian rỗi trong ngày để làm”, bà Thuân tiếp tục chia sẻ. Với vốn đầu tư nguyên liệu khoảng 5.000 đồng/chiếc, trừ chi phí nguyên vật liệu, mỗi thợ nón chăm chỉ cũng mang về thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng. Đối với người nông dân, đây là nguồn thu nhập ổn định rất đáng kể giúp họ phát triển kinh tế gia đình. Nghề phụ, do đó đã trở thành nghề chính, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no.
Người làm nón Đào Khê hiện nay cũng không phải băn khoăn, lo lắng quá nhiều cho vấn đề đầu ra sản phẩm. “Những tháng mùa đông chúng tôi có thể bán kém hơn so với các tháng mùa hè. Tuy nhiên, nón là sản phẩm có thể bảo quản và giữ gìn được khá lâu nên cũng không đáng ngại lắm khi hàng tồn. Hiện, Nghĩa Châu có khoảng vài chục đại lý thu mua lớn, riêng Đào Khê “bấm trên đầu ngón tay” cũng có tới 5, 7 điểm thu mua khá lớn như Hồng Thúy, Dung Liên, Mạnh Hoa, Hiền Khải... Thợ làm nón hoàn thiện xong sản phẩm chỉ việc ngồi ở nhà chờ đại lý đi thu mua. Bây giờ, mỗi hộ làm nón của Đào Khê nói riêng, xã Nghĩa Châu nói chung đóng vai trò như những “vệ tinh” nhỏ, cung cấp hàng cho các đại lý lớn hơn. Để rồi từ đó, nón lá của xã theo chân tiểu thương đi khắp mọi miền của đất nước, từ Thanh Hóa, Nghệ An cho đến Quảng Ninh, Sài Gòn, miền Tây Nam Bộ… thậm chí xuất sang Trung Quốc. Khởi điểm từ làng Đào Khê, đến nay, các thôn làng khác như Lý Nghĩa, Đại Kỳ… người dân đâu đâu cũng làm nón. Lâu dần, nhắc đến Nghĩa Châu, người ta nghĩ ngay về những chiếc nón lá.
Ngày đầu thu, vừa tới đầu làng đã thấy từng tốp phụ nữ ngồi quây kín với nhau khâu nón. Dưới những bóng cây râm mát, ở sân, trong hè, những chiếc nón trắng thành phẩm được xếp ngay ngắn, phơi mình trắng tinh. Có nghề phụ truyền thống, đời sống người dân thôn quê ở đây cũng bớt vất vả, khấm khá, no đủ dần lên. Nghề đã không phụ công người như thế!
Bài và ảnh: Hoa Xuân