Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, CCB Phạm Ngọc Cầu, ở xã Bạch Long (Giao Thủy) đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng đồng thời giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
|
Ông Phạm Ngọc Cầu, xã Bạch Long (Giao Thủy) hướng dẫn công nhân đóng gói sản phẩm muối. |
Sinh ra và lớn lên tại xã Bạch Long, một địa phương từ lâu đã nổi tiếng là vựa muối lớn nhất miền Bắc. Tháng 2-1960, ông Phạm Ngọc Cầu nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường phía Nam. Hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đến năm 1977, ông xuất ngũ trở về địa phương tham gia phát triển kinh tế gia đình. Những ngày đầu về địa phương, ông Phạm Ngọc Cầu đã trăn trở suy nghĩ tìm kế phát triển kinh tế lâu dài. Ông nhận thấy trên địa bàn xã chưa có một cơ sở nào đứng ra thu mua muối của diêm dân nên ông đã nghĩ đến hướng xây dựng kho chứa muối, bao tiêu các sản phẩm cho diêm dân. Ông đã chịu khó tìm tòi và học hỏi các công đoạn thu mua, bao tiêu sản phẩm và bán buôn cho các đầu mối. Khi mới khởi nghiệp, ông Cầu đã gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất đối với ông Cầu lúc đó là vốn nhưng được sự động viên của gia đình, sự giúp đỡ của anh em họ hàng, ông đã thuê mặt bằng đất ven sông của xã với diện tích rộng hàng trăm mét vuông để xây dựng kho chứa muối. Ông Cầu nhớ lại những ngày đầu bước ra thương trường, thị trường tiêu thụ chưa có, ông phải tìm các mối hàng, cam kết về chất lượng sản phẩm muối. Nhờ nhanh nhạy trong giới thiệu sản phẩm, cơ sở của ông đã dần có lượng khách hàng ổn định. Với những nỗ lực, quyết tâm của ông, cơ sở thu mua muối của ông Cầu đã cung cấp nguồn hàng cho khắp các tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng… Bình quân hằng năm, cơ sở thu mua của diêm dân trong vùng từ 3.000-3.500 tấn muối, đem lại lợi nhuận cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Có vốn, ông tiếp tục mở rộng quy mô xưởng và đầu tư thêm các trang thiết bị máy móc để làm các sản phẩm muối sạch, muối i-ốt. Hiện tại cơ sở của gia đình ông đang tạo việc làm cho 15 lao động tại địa phương, chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn, với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ông Cầu chia sẻ: Từng vào sinh ra tử trong chiến trường, phát triển kinh tế từ hai bàn tay trắng nên tôi hiểu được những khó khăn của những người nghèo. Thấy người nào có hoàn cảnh khó khăn là tôi sẵn sàng giúp đỡ. Không dừng lại ở việc thu mua muối, ông Cầu còn tích cực phát triển nghề trồng cây cảnh, hiện gia đình ông có diện tích vườn rộng hơn 1.000m
2 chủ yếu trồng các loại cây sanh cảnh lâu năm, đáp ứng được yêu cầu chơi cây cảnh của nhiều đối tượng khách hàng. Nhanh nhạy, năng động trong kinh doanh, thu nhập từ vườn cây cảnh cũng mang lại cho gia đình ông hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ là một CCB, một người cao tuổi làm kinh tế giỏi, ông Cầu còn tích cực tham gia vào các hoạt động nhân đạo từ thiện của địa phương. Trong gia đình, ông là một người ông, người cha gương mẫu luôn nhắc nhở con cháu tự lực vươn lên trong cuộc sống. Mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, ông Cầu là tấm gương CCB, người cao tuổi tiêu biểu cho tinh thần vượt khó vươn lên, không cam chịu đói nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh