Nhằm tăng cường năng lực xử lý chất thải, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, từ nhiều năm nay tỉnh ta đã chủ động tạo điều kiện về cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút, huy động nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cung cấp dịch vụ môi trường. Mạng lưới dịch vụ môi trường đã từng bước phát triển.
Thu gom rác thải ở Thành phố Nam Định. |
Nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã góp phần từng bước thiết lập cơ chế tổ chức quản lý lực lượng thu gom rác thải sinh hoạt dân lập tại tất cả các huyện, xã. Đặc biệt, đã huy động được một số doanh nghiệp đầu tư thu gom rác thải theo cơ chế xã hội hoá như: Cty TNHH Tân Thiên Phú thu gom rác thải trên địa bàn xã Xuân Tiến (Xuân Trường), Cty TNHH một thành viên Xây dựng và môi trường Thảo Nguyên thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy). Do chi phí đầu tư máy móc, công nghệ đốt rác của nước ngoài lớn (trên dưới 3 tỷ đồng/lò đốt), quá khả năng của các địa phương nên tỉnh có chủ trương sử dụng công nghệ máy móc do chính các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất nếu thiết bị đạt chuẩn. Nhờ đó, đã khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư kinh phí nghiên cứu, chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt; đưa vào vận hành, sử dụng ở quy mô cấp xã; sản phẩm còn được xuất bán cho nhiều địa phương trên toàn quốc. Với ưu điểm giá rẻ, chỉ khoảng 600-700 triệu đồng/máy, Cty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường) đã nghiên cứu, thử nghiệm chất lượng và sản xuất thành công lò đốt rác sinh học LOSIHO, được Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Tổng cục Môi trường… kiểm định, đánh giá tiêu chuẩn hợp lệ của lò đốt rác và đã được các xã Hải Nam, Hải Hưng, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) và Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường)… lựa chọn sử dụng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng thu gom rác tại Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) và tiến hành xử lý rác theo phương thức chôn lấp, nhưng bãi chôn lấp rác thải của thị trấn nhanh chóng bị đầy, mở rộng tiếp thì không còn đất, anh Nguyễn Thành Công, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Xây dựng và môi trường Thảo Nguyên đã nghiên cứu, chế tạo máy xử lý rác bằng công nghệ đốt. Tận dụng vốn kiến thức về cơ khí của mình, kết hợp với sự hỗ trợ 100% chi phí sản xuất máy đốt rác cho doanh nghiệp từ phía thị trấn, anh Công đã chế tạo thành công máy xử lý rác bằng công nghệ đốt với tổng chi phí khoảng 650 triệu đồng. Nhờ đó, chất lượng và tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tại địa phương đã được nâng cao. Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định, nay là Cty CP Môi trường Nam Định là đơn vị chủ lực trong thu gom và xử lý rác thải ở Thành phố Nam Định. Ngay sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, Cty đã tích cực tập trung tài chính, năng lực đầu tư nâng cấp, cải tiến công nghệ để giải quyết các vấn đề môi trường lớn. Tuy nhiên nhu cầu thu gom, xử lý rác thải, nhất là tại các vùng nông thôn trong tỉnh hiện vẫn rất cấp bách nên UBND tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, nhà đầu tư đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn, bức xúc của tỉnh, bao gồm: Xử lý chất thải rắn cho các khu vực kinh tế tập trung; cải tạo, phục hồi môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định thiệt hại về môi trường. Về lâu dài, tỉnh tập trung khuyến khích, phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường của tỉnh; tiến tới mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ môi trường sang một số tỉnh bạn.
Để đạt hiệu quả cao trong mục tiêu phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường, tỉnh tập trung phát triển ngành kinh tế môi trường để hỗ trợ các ngành kinh tế khác giải quyết các vấn đề môi trường. Trong đó, chú trọng phát triển một số ngành sản xuất sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm tái chế, sản xuất năng lượng từ chất thải, từng bước hình thành và phát triển ngành kinh tế môi trường, trong đó ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cung ứng sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm tái chế, sản xuất năng lượng từ chất thải. Tỉnh yêu cầu các ngành chức năng chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới trên cơ sở đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường trên địa bàn, khả năng đáp ứng dịch vụ của doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn; xác định rõ cơ cấu, định hướng phát triển doanh nghiệp dịch vụ môi trường trong từng lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu xử lý môi trường nhằm đạt được các mục tiêu xử lý môi trường của địa phương; chú trọng phát triển doanh nghiệp dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công - tư. Lồng ghép kế hoạch phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Rà soát nhu cầu dịch vụ trong một số lĩnh vực môi trường đặc thù để khuyến khích, thu hút đầu tư. Cụ thể như: Xây dựng và quản lý, vận hành các khu xử lý chất thải rắn liên vùng cho các địa phương có thế mạnh về phát triển khu, CCN, làng nghề theo quy hoạch khu xử lý chất thải rắn mà tỉnh đang khẩn trương hoàn tất, phê duyệt. Thực hiện dịch vụ giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định thiệt hại về môi trường. Thực hiện dịch vụ cải tạo, phục hồi môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật. Hỗ trợ tăng cường năng lực ứng phó, khắc phục sự cố môi trường từ các doanh nghiệp thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí nhằm sử dụng tối đa trang thiết bị hiện có. Đồng thời tăng cường tiếp cận, huy động tối đa các nguồn kinh phí, triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dịch vụ môi trường như: hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp tái sử dụng, tái chế hoặc thu hồi năng lượng, sản xuất phân bón từ chất thải; hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ môi trường thực hiện kiểm toán môi trường./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy