Khắc phục những bất cập trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

08:09, 27/09/2016

Trong gần 3 năm thực hiện, Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của tỉnh bước đầu đã góp phần nâng cao giá trị thu nhập, đời sống của người nông dân ổn định hơn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trong tái cơ cấu; tăng trưởng của ngành chưa thực sự vững chắc. Để việc thực hiện Đề án thực sự hiệu quả, các cấp, các ngành cần từng bước tháo gỡ khó khăn về nhận thức, cơ chế, chính sách, xác định và phát huy những “cây, con” lợi thế của từng địa phương.

Qua gần 3 năm triển khai, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên các lĩnh vực cho thấy nhiều kết quả khả quan. Trong lĩnh vực trồng trọt, các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt với sâu bệnh được mở rộng nhanh diện tích. Các địa phương đã chuyển đổi trên 600ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: lạc, cà chua, bí xanh, ớt… Cơ giới hóa trong sản xuất phát triển nhanh góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho nông dân, tăng hiệu quả sản xuất. Tái cơ cấu chăn nuôi đang đúng hướng: áp dụng nhanh các công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến như công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi sinh thái… nhờ đó đã giảm thiểu phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất. Về thủy sản, nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị, hiệu quả kinh tế cao được du nhập và phát triển ở các vùng nuôi như: tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược... Năng lực, hiệu quả khai thác hải sản được tăng cường. Gần 3 năm qua, tỉnh đã tích cực đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất và phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị. Các mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất mở rộng quy mô sản xuất xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương. Kinh tế trang trại phát triển nhanh. Nổi bật là việc tỉnh tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất như: hỗ trợ Tập đoàn Syngenta xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển giống lúa lai; Cty CP Thương mại Biển Đông đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt lợn; Tập đoàn Vingroup đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Mô hình trồng ngô đông trên đất 2 lúa tại xã Hải Đường (Hải Hậu).
Mô hình trồng ngô đông trên đất 2 lúa tại xã Hải Đường (Hải Hậu).

Triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Người trồng lúa, địa phương trồng lúa còn chịu nhiều thiệt thòi, hiệu quả kém xa các ngành khác; đã và đang diễn ra tình trạng nông dân bỏ ruộng ở nhiều nơi. Năng suất, chất lượng một số loại nông sản vẫn còn thấp, cộng với chi phí sản xuất cao, việc đảm bảo VSATTP còn nhiều bất cập là những tác nhân dẫn đến khả năng cạnh tranh của nông sản thấp. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, thực hiện tái cơ cấu ngành, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 150 cánh đồng mẫu lớn sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích 6.500ha nhưng mới có trên 300ha tham gia liên kết chuỗi giá trị. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra không đồng đều tại các địa phương. Chăn nuôi vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, xen kẽ khu dân cư, nuôi trồng thủy sản phát triển chưa thật sự bền vững… Nhiều HTX vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện Luật HTX. Chưa phát triển được nhiều HTX chuyên ngành (toàn tỉnh mới có 24 HTX chuyên ngành). Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Kinh tế nông nghiệp hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững. Các hình thức tổ chức sản xuất thiếu đa dạng, chậm đổi mới. Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là sản phẩm thô, chưa qua chế biến, nhất là chế biến sâu, nên giá trị hàng hóa không cao. Chưa có nhiều mô hình liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng tốt các yêu cầu của sản xuất hàng hóa và phòng chống thiên tai. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Nghĩa Hưng đã đạt được kết quả bước đầu như: xây dựng mô hình liên kết lúa gạo với quy mô 68ha giữa 3 xã Nghĩa Châu, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng với Cty TNHH Toản Xuân; thu hút Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú đầu tư cơ sở hạ tầng và liên kết sản xuất cây dược liệu với nông dân các xã Hoàng Nam, Nghĩa Minh; chuyển đổi 300ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cà chua (Quỹ Nhất), dưa lê (Nghĩa Thành) và nuôi trồng thuỷ sản (Nam Điền, Rạng Đông, Nghĩa Thắng)… Tuy nhiên theo đồng chí Hoàng Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện, thực tế triển khai tái cơ cấu nông nghiệp của huyện đến nay còn gặp nhiều khó khăn. Sau chuyển đổi theo Luật HTX, có 50% tổng số HTX của huyện đổi mới được tổ chức, còn 30% là “bình mới, rượu cũ”, 20% HTX chưa đáp ứng được yêu cầu. Huyện cũng chưa có HTX chuyên ngành. Trên thực tế, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp chưa có nhiều chuyển biến rõ nét; các cấp, các ngành và các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, có nơi, có lúc việc thực hiện tái cơ cấu ngành còn bị xem nhẹ. Đây cũng là vấn đề chung của hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nguyên nhân của thực trạng trên là do biến đổi khí hậu, các hiện tượng thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng lớn đã tác động mạnh đến quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cùng với đó, sự chuyển biến về nhận thức tái cơ cấu ngành còn chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí là lúng túng trong quá trình triển khai. Nhiều nơi chưa thực sự quan tâm chỉ đạo tái cơ cấu ngành. Một số địa phương tuy đã phê duyệt đề án, kế hoạch hành động nhưng triển khai trên thực tiễn chưa nhiều. Kể đến nữa là đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, ẩn chứa nhiều rủi ro nên khó thu hút các doanh nghiệp. Cơ chế, chính sách là “điểm tựa” quan trọng cho việc tái cơ cấu ngành, song đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Chưa có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại; một số chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống như: chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch và khuyến khích phát triển cơ giới hóa, người dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng... Tái cơ cấu nông nghiệp là một quá trình, có quy mô và phạm vi lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong khi đó, sự phối hợp hỗ trợ giữa các sở, ngành với Sở NN và PTNT còn có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng NTM. Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn nhằm đảm bảo sự phù hợp giữa các quy hoạch và phù hợp với Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”; tăng cường quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch. Tiếp tục lập quy hoạch phát triển các ngành hàng chủ yếu gắn với việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và các giải pháp đối với các nông sản chất lượng cao, đặc trưng của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao để chuyển dịch nhanh, toàn diện cơ cấu cây trồng, vật nuôi hàng hóa; phát triển nhanh cơ giới hóa sản xuất. Phát triển thêm các tổ hợp tác, các HTX chuyên ngành để làm đầu mối thực hiện các mô hình liên kết chuỗi giá trị. Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Nhân rộng nhanh các mô hình kinh tế hợp tác và mô hình liên kết chuỗi giá trị có hiệu quả. Ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ các mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa tập trung. Thí điểm mô hình nông dân góp vốn cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tiếp tục thu hút mạnh mẽ sự đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn và tích cực triển khai các chương trình hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, HTXNN của tỉnh với các doanh nghiệp lớn. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Triển khai hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho nông dân, gắn đào tạo nghề với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới. Tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, trong đó tập trung phát triển các HTX khai thác hải sản. Thực hiện tốt Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ để phát triển nhanh đội tàu đánh cá vỏ thép và đẩy mạnh khai thác xa bờ. Phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá cả trên bờ và trên biển. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên chính sách thu hút đầu tư; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com