Những năm qua, chăn nuôi của xã Hoàng Nam có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ phát triển nhanh theo hướng hàng hóa, trở thành địa phương phát triển chăn nuôi lớn nhất của huyện Nghĩa Hưng. Trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, tạo nền tảng phát triển chăn nuôi bền vững đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi.
Trang trại chăn nuôi gà của ông Đỗ Đức Việm, thôn Thái Bình, xã Hoàng Nam. |
Vài năm trở lại đây, người dân xã Hoàng Nam đã chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi, nhiều hộ đã trở thành “tỷ phú” nhờ chăn nuôi. Để người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, xã đã tích cực tuyên truyền và phối hợp với cơ quan của huyện là Trạm Khuyến nông, Phòng NN và PTNT huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn, giúp đỡ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng. Cùng với việc vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, xã đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống chất lượng, công tác phòng, chống dịch bệnh, làm chuồng trại kiên cố, tạo nền tảng để phát triển chăn nuôi bền vững. Để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi tập trung, xã đã chuyển đổi trên 20ha diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả và những diện tích đất thùng đào, thùng đấu ven sông Đào, sông Đáy để phát triển mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Đồng thời triển khai hiệu quả việc cho thuê đất ưu đãi ở các vùng chuyển đổi. Điển hình về phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa trong xã là ông Đinh Văn Thiểm, thôn Hưng Thịnh. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đấu thầu 2,5ha diện tích chuyển đổi ven đê sông Đáy, ông Thiểm đã đầu tư cải tạo, xây dựng trang trại chăn nuôi với 2 dãy chuồng lạnh khép kín nuôi lợn nái sinh sản và 1 dãy chuồng nuôi lợn thịt. Hiện trang trại của ông phát triển được 200 con lợn nái sinh sản là các giống lợn ngoại có năng suất, chất lượng thịt tốt như: Yorkshire, Landrace, Đan Mạch và 3 con lợn đực giống Pidu. Đây là các giống lợn ngoại được người chăn nuôi rất ưa chuộng, lợn giống ngoại do trang trại ông Thiểm sản xuất ra không đủ để bán ra thị trường. Ông Thiểm cho biết: Để có con giống lợn ngoại tốt nhất, giữ uy tín lâu bền cho trang trại, người nuôi cần phải tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết cho lợn mẹ như: xuyễn, dịch tả, não, phó thương hàn, phù đầu, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh… Lợn con mới đẻ được chăm sóc đặc biệt, đặc biệt không để lợn bị đi ngoài bởi nếu không sức đề kháng sẽ kém, dễ nhiễm các bệnh khác; phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ giúp phòng chống bệnh dịch từ môi trường bên ngoài tốt hơn. Ngoài ra, trang trại của ông không gây mùi hôi bởi chất thải được xử lý bằng hệ thống bể lắng nhiều ngăn, chạy dài, dạng bể phốt nên khi nước thải ra điểm cuối đã được khử hết mùi. Mỗi ngày ông vệ sinh chuồng trại 1 lần, phun khử trùng tiêu độc 3 ngày 1 lần nên trang trại luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Bình quân mỗi năm, trang trại của ông cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 4.000 con lợn giống với giá bán 1,6 triệu đồng/con, trên 2.000 liều tinh lợn và khoảng 60 tấn thịt lợn hơi, cho thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm, cao điểm có năm lãi gần 2 tỷ đồng. Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi gà của gia đình ông Đỗ Đức Việm ở thôn Thái Bình. Trang trại được xây dựng gồm 6 chuồng nuôi gà khép kín với quy mô mỗi lứa 14 nghìn con, có hệ thống thông gió, làm ẩm, làm ấm, hệ thống cho ăn, uống tự động, hoàn chỉnh, thức ăn phù hợp với từng thời kỳ phát triển của vật nuôi và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Ông Việm cho biết, để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, ông luôn tuân thủ nghiêm từ việc chọn giống, thức ăn chăn nuôi đến vệ sinh, xử lý chuồng trại sau mỗi lứa nuôi. Mỗi lứa gà, ông thường chủ động tiêm các loại vắc xin Niu-cát-sơn, Gumboro... đầy đủ cho đàn gà, đồng thời cho gà uống thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa nên gần chục năm nay đàn gà của ông Việm an toàn về dịch bệnh và hiệu quả ngày càng cao. Mỗi năm gia đình ông Việm xuất bán trên 300 tấn gà thịt, trừ chi phí lãi từ 500-700 triệu đồng.
Không chỉ gia đình ông Thiểm, ông Việm, xã Hoàng Nam còn có nhiều hộ thu nhập cao từ chăn nuôi. Toàn xã có trên 25 trang trại, gia trại. Đàn gia súc, gia cầm duy trì thường xuyên 2.500 con lợn, 40 nghìn con gà, 3.000 con vịt đẻ và 10 nghìn con vịt thả đồng… Với lợi thế có 6km đê sông Đào và sông Đáy, thêm 3km đê bối, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp và có bãi chăn thả, một số hộ nông dân phát triển đàn trâu, bò, dê cho thu nhập khá; điển hình là hộ ông Đỗ Văn Biểu ở thôn Sa, ông Trần Văn Tuyên ở thôn Đông Tĩnh thu lãi mỗi năm 200 triệu đồng từ nuôi bò. Hiện đàn bò của xã đạt 110 con, đàn trâu 90 con và hơn 200 con dê. Tổng giá trị chăn nuôi toàn xã đạt trên 40 tỷ đồng/năm (bằng 33% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp), chiếm gần 18% tổng thu nhập của xã. Ông Trần Hữu Lộ, Trưởng Chăn nuôi và Thú y xã Hoàng Nam cho biết: Bên cạnh việc vận động các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô sản xuất, xã luôn thực hiện tốt công tác tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm ở cả 2 vụ xuân và thu, tỷ lệ tiêm luôn đạt trên 90% kế hoạch được giao. Hoàng Nam cũng là một trong số ít các địa phương trong tỉnh có cơ chế hỗ trợ phụ cấp cho thú y viên với mức 100 nghìn đồng/tháng. Xã chỉ đạo các hộ chăn nuôi thực hiện việc vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc, dùng vôi sát trùng… theo định kỳ. Vì vậy, có những thời điểm, các dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm H5N1, dịch tả lợn, dịch lợn tai xanh… diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh nhưng các đàn vật nuôi tại xã Hoàng Nam vẫn được đảm bảo an toàn.
Đồng chí Trần Duy Nhiệm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi và kinh tế địa phương song có một hạn chế là hầu hết các trang trại, gia trại trên địa bàn xã vẫn nằm xen khu dân cư. Để phát triển chăn nuôi hiệu quả và bền vững, xã vừa hoàn thành quy hoạch 3 vùng chăn nuôi tập trung với quy mô 7ha tại: đồng Riêng Lẻ, vùng Bãi Cát và khu chăn nuôi cũ của HTX Nghĩa Hoàng. Trong thời gian tới, Hoàng Nam tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các vùng chăn nuôi theo quy hoạch. Vận động, khuyến khích các hộ nông dân thuê đất làm trang trại tập trung. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, nhất là các cơ sở chăn nuôi lớn nhất thiết phải có hầm bi-ô-ga, đệm lót sinh thái và các biện pháp kỹ thuật khác bảo đảm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phấn đấu tăng tổng đàn gia súc, gia cầm và hình thành một số trang trại kiểu mẫu về hiệu quả sản xuất, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh