Hải Trung định hướng phát triển đa ngành nghề

08:09, 06/09/2016
Xã Hải Trung (Hải Hậu) có 19 xóm với trên 12 nghìn nhân khẩu; trong đó có trên 6.000 lao động trong độ tuổi. Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân trong điều kiện bình quân ruộng đất thấp (chưa được 1 sào/khẩu), xã Hải Trung đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn. Nhờ đó, đến năm 2015, tổng thu nhập kinh tế toàn xã đã đạt trên 380 tỷ đồng; bình quân thu nhập đầu người đạt 29,2 triệu đồng; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 29,3%; công nghiệp, dịch vụ và thương mại được nâng lên 70,7%.  
Sản xuất tại cơ sở mộc của ông Phạm Quốc Toản, làng nghề truyền thống Phạm Rỵ, xã Hải Trung.
Sản xuất tại cơ sở mộc của ông Phạm Quốc Toản, làng nghề truyền thống Phạm Rỵ, xã Hải Trung.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã Hải Trung còn có nghề mộc truyền thống với lịch sử phát triển gần 80 năm ở thôn Phạm Rỵ (thuộc địa phận các xóm 8, 9). Phát huy các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng đất đai, lao động để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, Đảng bộ xã Hải Trung đã tập trung thảo luận và đề ra hướng phát triển kinh tế của địa phương là phát triển các ngành nghề truyền thống sẵn có, đồng thời tạo điều kiện khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư về xã phát triển sản xuất, kinh doanh. Để các ngành nghề nông thôn truyền thống phát triển theo hướng bền vững, bên cạnh việc tạo điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng, xã đã đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ các cơ sở, hộ cá thể vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2015, tổng dư nợ từ các tổ chức tín dụng của xã đạt trên 78,2 tỷ đồng. Duy trì và phát triển làng nghề theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, xã đã lập đề án quy hoạch và phát triển làng nghề truyền thống theo quy định của Bộ NN và PTNT. Người thôn Phạm Rỵ gắn bó với nghề mộc từ những năm 1935-1940 của thế kỷ trước. Trong một thời gian dài, nhiều thợ giỏi của làng đã từng đi khắp các địa phương tham gia xây dựng các công trình văn hóa tâm linh như: nhà thờ, đền, đài… và nghề truyền thống đó được phát huy đến ngày nay. Năm 2012, làng nghề mộc Phạm Rỵ đã được UBND tỉnh công nhận đủ tiêu chuẩn làng nghề truyền thống. Nghề mộc ở làng Phạm Rỵ phát triển đã thu hút 383 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng trở lên. Sản phẩm đặc trưng của làng nghề mộc Phạm Rỵ là các loại đồ mộc gia dụng và đồ gỗ mỹ nghệ để xây dựng các công trình văn hóa tâm linh. Với bí quyết lâu năm và tài hoa của những người thợ lành nghề làng Phạm Rỵ từ khâu xẻ gỗ, thiết kế đến thi công sản phẩm sao cho tiết kiệm nguyên liệu nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng, tính thẩm mỹ của sản phẩm nên năng suất lao động thường cao hơn nơi khác. Nhờ đó, các sản phẩm của làng nghề đã khẳng định được thương hiệu, có sức cạnh tranh mạnh trong vùng và cả miền Bắc. Làng nghề mộc Phạm Rỵ còn có 3 nghệ nhân được công nhận là các ông: Phạm Quốc Toản, Phạm Văn Vy và Hoàng Văn Tai. Nghệ nhân Phạm Quốc Toản với đội thợ lành nghề trên 30 lao động đã nhận được nhiều hợp đồng lớn không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà cả các tỉnh ngoài như ở Thái Bình có: Đền Liệt sĩ huyện Kiến Xương trị giá gần 20 tỷ đồng và Đền A Sào, huyện Đông Hưng trị giá trên 15 tỷ đồng; Chùa Đậu, huyện Thường Tín (Hà Nội) trị giá 15 tỷ đồng. Không chỉ phát triển mạnh ở làng Phạm Rỵ, nghề mộc còn được nhân cấy, mở rộng ra cả 17 xóm còn lại trong xã thu hút khoảng 600 lao động tham gia. Ngoài nghề mộc, xã Hải Trung khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ đưa thêm nghề mới về xã, mở rộng nghề đã có. Bởi vậy, hiện nay ngành nghề ở Hải Trung khá đa dạng với các nghề: may công nghiệp, xây dựng dân dụng, thêu ren… Trong xã có nhiều đội xây dựng, tạo việc làm thường xuyên cho 1.000-1.500 lao động. Nghề may công nghiệp của xã cũng phát triển mạnh với 24 tổ hợp, cơ sở sản xuất quy mô từ 15-20 máy may công nghiệp/cơ sở chuyên nhận gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn trong tỉnh đã tạo việc làm thường xuyên cho 500-600 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Trong số đó có cơ sở may của các ông: Bùi Văn Phòng, xóm 12; Trần Văn Cường, xóm 14 có quy mô từ 50-60 lao động thường xuyên. Cơ sở may công nghiệp của ông Phòng chính thức sản xuất từ năm 2012 với trên 50 máy may công nghiệp (loại 1, 2, 3 kim) và một số máy chuyên dụng như: di bọ, đóng cúc, làm khuy… chuyên nhận gia công sản phẩm cho Cty TNHH May Thắng Lợi (TP Nam Định). Mỗi tháng, cơ sở của ông Phòng sản xuất được từ 12-13 nghìn sản phẩm, thu hút trên 60 lao động địa phương với mức lương bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
 
Nhờ tập trung thực hiện các biện pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, cuộc sống của người dân xã Hải Trung ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ các hộ khá, giàu tăng nhanh. 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế của xã tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực, sản xuất CN-TTCN, thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá, chiếm 71,2% trong cơ cấu kinh tế. Để tiếp tục phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề bền vững, góp phần nâng cao thu nhập của nhân dân, xã Hải Trung đã quy hoạch khoảng 11,6ha đất để tạo mặt bằng cho các hộ sản xuất trong làng nghề Phạm Rỵ và các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất nhằm phát triển kinh tế xã theo hướng đa ngành nghề, đảm bảo ổn định các nguồn thu nhập cho người dân góp phần củng cố chất lượng xã NTM bền vững./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com