Giải pháp nâng cao chất lượng giống trong chăn nuôi

08:09, 19/09/2016
Trong chăn nuôi, giống vật nuôi đóng vai trò quan trọng, là yếu tố quyết định mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Do vậy những năm qua, tỉnh đẩy mạnh việc sản xuất, cung ứng và chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống vật nuôi, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu trong chăn nuôi theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi trang trại sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nâng cao chất lượng giống vật nuôi của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
 
Từ năm 2014 đến nay, Sở NN và PTNT tích cực triển khai chương trình quản lý lợn đực giống trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đánh giá và bình tuyển đàn lợn đực giống có chất lượng, những con không đạt yêu cầu đã đề nghị chủ cơ sở phải loại thải, bấm số tai những con đạt chất lượng để theo dõi và thông tin rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết và lựa chọn. Hằng năm, tỉnh đều hỗ trợ Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh kinh phí để triển khai chương trình Sind hóa đàn bò nhằm cung cấp tinh bò chất lượng cao cho người chăn nuôi trong tỉnh; Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh cũng thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp tinh lợn ngoại chất lượng cao cho bà con chăn nuôi trong tỉnh. Ngoài ra, hiện nay Nhà nước đã đầu tư kinh phí để xây dựng Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tại cơ sở mới tại xã Nam Cường (Nam Trực) để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm mục tiêu cung cấp đủ con giống có chất lượng tốt cho người chăn nuôi trong tỉnh, dự kiến cuối năm 2016 sẽ chuyển về cơ sở mới. Hiện Sở NN và PTNT đang trình UBND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ người chăn nuôi theo Quyết định 50/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ người chăn nuôi nông hộ (từ 10 lợn nái trở xuống) toàn bộ tinh lợn ngoại chất lượng cao. Với sự giúp đỡ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Cty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông đang đầu tư xây dựng Trung tâm Giống lợn chất lượng cao tại Hải Hậu chuyên cung cấp giống lợn cho Nam Định và các tỉnh lân cận. Hiện nay, về giống lợn, chất lượng đàn nái của tỉnh đã có nhiều chuyển biến, đàn nái để sản xuất lợn thịt cơ bản là nái lai F1 (Móng Cái lai đực ngoại) và nái F2 (F1 lai đực ngoại). Chất lượng đực giống đã có nhiều cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế, đực ngoại chiếm khoảng 90%, phổ biến là giống Yorkshire, Landrace. Các giống đực cao sản như Duroc, Pietrain thuần hoặc đực lai (Duroc lai Pietrain) còn ít, chỉ có một số trang trại sử dụng. Hơn nữa, việc khai thác, sử dụng và chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn đực chưa thực hiện theo quy định, nhất là các hộ nuôi lợn đực giống để sử dụng phối trực tiếp đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lợn nái và chất lượng lợn thịt. Giống gia cầm ở tỉnh hiện có được phân làm 2 nhóm. Đó là các giống gia cầm cao sản thịt, trứng như: giống gà chuyên thịt Rosse 308, Cobb 500; giống gà chuyên trứng ISSA-BROW; giống vịt chuyên thịt Super M, chuyên trứng Triết Giang... được nuôi phổ biến ở các trang trại, gia trại. Các giống gia cầm kiêm dụng thịt, trứng, các giống gia cầm nội hoặc con lai nhiều máu nuôi ở các hộ gia đình đang chiếm tỷ lệ khá cao tới trên 70%. Đàn bò của tỉnh chủ yếu là bò lai Sind nhưng tỷ lệ máu Sind thấp; đàn trâu 100% là giống trâu nội. Hằng năm, tỉnh cần khoảng 2 triệu con giống lợn thịt, 36 nghìn con lợn bố mẹ, trên 13 triệu con gà, 1,2 triệu con vịt và 23 nghìn con trâu, bò. Tuy nhiên về năng lực sản xuất giống vật nuôi của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị chủ lực sản xuất giống vật nuôi là Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh và Cty CP Gà giống Châu Thành. Ngoài ra còn có 60 cơ sở ấp nở gia cầm, hơn 40 nghìn hộ chăn nuôi lợn nái, 13 cơ sở sản xuất tinh lợn nhân tạo. Toàn tỉnh có 1.600 con lợn đực giống, trong đó có 10 con lợn đực giống thế hệ ông bà, 90 con lợn đực khai thác tinh (còn lại là đực phối trực tiếp); 137 nghìn con lợn nái, trong đó 200 con lợn nái ngoại ông bà (tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh), trên 5.000 con lợn nái ngoại thế hệ bố mẹ và gần 100 nghìn con lợn nái lai, 35 nghìn con lợn nái Móng Cái; hằng năm sản xuất khoảng 1.500 con lợn bố mẹ, gần 3 triệu con lợn giống thương phẩm và trên 100 nghìn liều tinh lợn ngoại. Trong khi đó, về giống gia cầm, tại Cty CP Gà giống Châu Thành có 3.500 con giống gà cụ kỵ Kabir, 1.000 con giống gà Ross 308, hằng năm cung cấp 200 nghìn con gà giống bố mẹ (tương ứng 10% nhu cầu giống của tỉnh) và 3,5 triệu con giống thương phẩm (đáp ứng trên 20% nhu cầu của tỉnh). Số lượng giống gia cầm còn lại, giống trâu, bò và các giống vật nuôi khác phụ thuộc hoàn toàn vào các cơ sở sản xuất giống của Trung ương và các tỉnh ngoài, do vậy việc kiểm soát chất lượng con giống và dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. 
Cơ sở sản xuất lợn giống của một hộ chăn nuôi ở xã Giao Hà (Giao Thủy).
Cơ sở sản xuất lợn giống của một hộ chăn nuôi ở xã Giao Hà (Giao Thủy).
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng là nguyên nhân lớn nhất kìm hãm việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống. Muốn phát huy tốt tiềm năng di truyền của giống về năng suất, chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu về dinh dưỡng và các điều kiện về chuồng trại, thiết bị... Nhưng do chăn nuôi tận dụng, quy mô nhỏ nên việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật gặp khó khăn, vì vậy có giống tốt nhưng không phát huy được tối đa tiềm năng năng suất của giống. Bên cạnh đó, năng lực quản lý và điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị để chọn lọc nâng cao năng suất, chất lượng giống tại Trung tâm Giống của tỉnh cũng nhiều hạn chế; đàn giống nuôi trong dân chất lượng chưa đảm bảo, xuống cấp do chưa được thay thế, chọn lọc thường xuyên và khai thác, sử dụng không theo quy định. Công tác quản lý Nhà nước về giống vật nuôi thực hiện chưa nghiêm túc. Hiện nay các trang trại sản xuất con giống chưa thực hiện công bố chất lượng giống; kinh doanh con giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vẫn còn xảy ra. Kinh phí đầu tư chưa tương xứng với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác giống. Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giống phục vụ người chăn nuôi. Trước hết, tỉnh cần căn cứ vào mục tiêu, nhu cầu con giống quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất con giống có năng suất, chất lượng thịt tốt, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất tại địa phương. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất giống gia súc, gia cầm chủ lực của tỉnh: Cty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông, Cty CP Hoàng Thành Đạt, Cty TNHH Thái Việt, Cty Phú Lộc, Cty CP Gà giống Châu Thành… mở rộng sản xuất giống gia súc, gia cầm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cải tạo đàn lợn nái nền và đàn gia cầm giống, cung cấp giống chăn nuôi chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Củng cố và phát triển hệ thống giống lợn; tiếp tục hỗ trợ, đầu tư cho Trung tâm Giống gia súc, gia cầm và các trang trại có đủ điều kiện nuôi giống gia cầm bố mẹ để sản xuất giống thương phẩm phục vụ chăn nuôi. Mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò; tổ chức bình tuyển, đánh giá chất lượng đàn lợn đực giống hằng năm, nhằm loại thải thay thế những con đực giống chất lượng kém; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nhập giống tốt, đặc biệt là nhập lợn đực giống có năng suất cao của nước ngoài. Tăng cường chọn lọc, cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng đàn lợn Móng Cái, để chọn đàn nái nền tốt, lai tạo với đực giống ngoại (Yorshire, Landrace…) tạo giống lợn lai phục vụ chăn nuôi lợn sữa xuất khẩu.
 
Ngoài các giải pháp kỹ thuật trên, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển con giống ra, vào địa bàn tỉnh, hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh, khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống tại các trang trại, cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn, tránh mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa kiểm soát dịch bệnh./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com