Đến tham quan trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Phạm Văn Tiến, ở xóm 3A, xã Hải Minh (Hải Hậu), chúng tôi cảm nhận được sự thông thoáng, sạch sẽ của khu vực trang trại. Trao đổi với chúng tôi, anh Tiến cho biết, đầu năm 2016, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân (HND) tỉnh, trang trại của gia đình anh đã đưa vào sử dụng chế phẩm BioWish. Đây là chế phẩm sinh học do Mỹ sản xuất có khả năng thúc đẩy nhanh sự phân huỷ các chất hữu cơ nhằm xử lý chất thải, khử mùi, tăng cường hình thành men vi sinh có ích. Đồng thời, khi sử dụng chế phẩm này trên đàn lợn đã giúp cải thiện chế độ tăng trưởng của vật nuôi, giảm chi phí thức ăn (khoảng 10%); tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch. Đây cũng là mô hình thử nghiệm dựa trên sự đối chứng giữa đàn lợn có sử dụng chế phẩm sinh học và đàn lợn không sử dụng chế phẩm. Hiện gia đình anh đang chăn nuôi 2 lợn đực giống, 110 con lợn nái và trên 1.000 con lợn thịt. Để chăn nuôi đạt hiệu quả, được sự hỗ trợ của HND tỉnh, anh còn liên kết với Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam để mua con giống bố mẹ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Bình quân mỗi năm anh Tiến xuất bán 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa từ 10 tấn trở lên. Trừ chi phí, thu nhập từ chăn nuôi lợn của gia đình anh đạt trên 300 triệu đồng. Cũng như gia đình anh Tiến, trang trại nuôi tôm của gia đình ông Trần Văn Viện, xã Hải Triều (Hải Hậu) cũng liên kết với doanh nghiệp tại Hà Nội trong việc bao tiêu sản phẩm. Theo ông Viện, tháng 4-2016, trang trại của gia đình ông đã triển khai sử dụng chế phẩm sinh học BioWish trộn vào thức ăn nuôi tôm. Qua việc sử dụng, các ao nuôi tôm đã mang lại kết quả khả quan. Con tôm hạn chế được dịch bệnh, nguồn nước khi sử dụng chế phẩm cũng đảm bảo yêu cầu, không bị ô nhiễm môi trường. Hiện gia đình ông Viện đang nuôi 7ha tôm sú. Vụ thu hoạch vừa qua, các ao nuôi tôm đã cho thu hoạch bình quân 11-12 tấn/ha, giá trị thu được đạt trên 500 triệu đồng/ha.
|
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn kỹ thuật pha chế phẩm sinh học áp dụng trên nuôi tôm cho nông dân. |
Đây chỉ là 2 trong hơn 20 mô hình do HND tỉnh đang triển khai trong việc thực hiện chương trình liên kết với các doanh nghiệp. Xác định liên kết “4 nhà” là “chìa khóa” để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, vì vậy, những năm qua, HND tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình “liên kết 4 nhà” bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng chí Tô Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết, thời gian qua HND tỉnh đã tích cực liên kết với các Cty, doanh nghiệp để xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Đầu năm 2016, HND tỉnh còn phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) tổ chức chương trình “Nhịp cầu nhà nông” cho hội viên nông dân huyện Nam Trực có điều kiện tiếp cận, giao lưu với các nhà khoa học, các chuyên gia ở các lĩnh vực nông nghiệp. Đây là chương trình hội thảo tư vấn, khuyến nông, nhằm liên kết một cách có hiệu quả nhất giữa nông dân với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp; tạo điều kiện giúp hội viên nông dân được giao lưu, học tập, trao đổi thông tin, củng cố và trang bị thêm kiến thức khoa học và kinh nghiệm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các chuyên gia đã tư vấn, giới thiệu quy trình thực hiện “5 đúng” trong canh tác nông nghiệp cho hội viên nông dân: “đúng loại đất, đúng kỳ sinh trưởng, đúng giống cây, đúng phương pháp canh tác và đúng loại phân bón”, đồng thời hội viên nông dân được trực tiếp đặt câu hỏi và nghe tư vấn của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, HND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tư vấn cho hội viên nông dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ sinh học nói chung và việc sử dụng chế phẩm sinh học BioWish nói riêng vào sản xuất nông nghiệp; tiếp tục tổ chức các chương trình nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường trong sản xuất. Theo các hộ nông dân tham gia chương trình “liên kết 4 nhà” cho biết, trước đây chưa sản xuất trong chuỗi liên kết “4 nhà”, các hộ mạnh ai nấy làm, làm theo kinh nghiệm bản thân, sau khi thu hoạch thì tự liên hệ với thương lái để bán nên vừa vất vả, mất thời gian, vừa bị thương lái ép giá. Từ khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, nông dân yên tâm chăn nuôi, sản xuất bởi sản phẩm có đầu ra ổn định, doanh nghiệp đến ký hợp đồng thu mua tại trang trại. Đi đôi với thành lập chuỗi “liên kết 4 nhà”, hằng năm HND tỉnh còn chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp nhu cầu thực tế ở địa phương. Từ đầu năm 2016 đến nay, HND tỉnh đã phối hợp với các Cty, doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hội viên nông dân; tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn cách sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học theo đúng quy trình, tạo ra hiệu quả cao.
Có thể khẳng định, các mô hình trong việc liên kết giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông do HND tỉnh xây dựng không chỉ mang lại hiệu quả sản xuất cho người nông dân mà còn là “đòn bẩy” cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững. Thời gian tới, HND tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền để cán bộ, hội viên nông dân tự nguyện tham gia sản xuất trong các vùng liên kết. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp tục phối hợp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân./.
Bài và ảnh:
Hoàng Tuấn