Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Kết quả và những vấn đề đặt ra (kỳ II)

09:09, 18/09/2016

[links()]

(Tiếp theo và hết)

Kỳ II - Những vấn đề đặt ra

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nâng cao thu nhập cho người dân là hướng đi đúng đắn, hiệu quả trong thực hiện Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cùng với những vùng chuyển đổi được quy hoạch, vẫn còn tình trạng chuyển đổi tự phát trái với quy định quy hoạch, vi phạm về quản lý đất đai.

Xã Nam Toàn (Nam Trực) nổi tiếng với nghề trồng hoa cây cảnh đem lại giá trị thu nhập cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên tình trạng tự ý chuyển đổi đất 2 lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế gia trại thời gian qua ở Nam Toàn khá phổ biến. Thống kê đến năm 2016, toàn xã có gần 800 hộ có vi phạm quản lý đất đai dưới nhiều hình thức, với tổng diện tích vi phạm hơn 670 nghìn m2 đất.

Đồng chí Tạ Ngọc Duy, Chủ tịch UBND xã Nam Toàn cho biết: Trên thực tế nhiều hộ gia đình đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao tại các vùng đã được quy hoạch. Thấy có hiệu quả, một số hộ dân tự ý chuyển đổi ngoài quy hoạch, nhất là ở khu vực xen kẹp với trồng lúa, từ đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường, sử dụng đất sai mục đích… Do vậy việc điều hành sản xuất nông nghiệp, công tác quản lý của xã hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Hiện xã đã lập báo cáo tình hình, hiện trạng sử dụng đất chuyển đổi tại địa phương gửi các phòng, ban chuyên môn của huyện đề nghị giúp địa phương đưa ra các giải pháp định hướng giải quyết các trường hợp chuyển đổi tự phát, ngoài vùng quy hoạch. Không chỉ không quản lý được việc chuyển đổi mục đích sản xuất mà việc chuyển đổi tại một số địa phương còn thiếu tính định hướng về đối tượng cây trồng, vật nuôi và thị trường tiêu thụ. Ông Tăng Thiên Lý, xã Nghĩa An (Nam Trực) cho biết: Năm 2009, tôi đấu thầu 7.000m2 ở khu đất chuyển đổi của xã để nuôi cá truyền thống. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay toàn xã đã có vài chục hộ thả cá. Tuy nhiên, chúng tôi không được định hướng về thị trường đối tượng nuôi nên rất khó khăn về tiêu thụ. Đáng ngại hơn một số hộ chưa đầu tư nhiều cho kỹ thuật chăm sóc cá nhưng vẫn đào ao nuôi thả cá, nên hay xảy ra dịch bệnh dẫn tới năng suất thấp. Năm 2012, tổng thu nhập nuôi thủy sản ở Nghĩa An chỉ đạt 5 tỷ đồng, chiếm chưa tới 10% tổng giá trị thu nhập toàn xã.

Trang trại chăn nuôi lợn nái của một hộ nông dân ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Trang trại chăn nuôi lợn nái của một hộ nông dân ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Tại một số địa phương, sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT) các vùng sản xuất theo quy hoạch đã định hình phù hợp, ổn định. Tuy vậy, khi quy hoạch xây dựng NTM lại không thống nhất. Nhiều vùng sản xuất trước đây của xã đã quy hoạch chuyển đổi, nay không nằm trong quy hoạch NTM. Nhiều vùng chăn nuôi được quy hoạch xa khu dân cư, nhưng chỉ sau vài năm việc quản lý xây dựng, giãn cư không hợp lý khu vực này lại được “đưa” vào gần khu dân cư. Nhiều địa phương đã có quy hoạch vùng chuyển đổi nhưng việc thực hiện chưa được tốt. Xã Trực Phú là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển khá mạnh của huyện Trực Ninh. Từ chăn nuôi nông hộ truyền thống, để nâng cao thu nhập nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, quy mô, hình thành gia trại chăn nuôi. Đồng chí Tạ Ngọc Ân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau DĐĐT, Trực Phú xây dựng quy hoạch phát triển trang trại, gia trại. Đồng thời có chủ trương vận động, khuyến khích các hộ nông dân thuê đất để phát triển trang trại tập trung quy mô lớn nhằm tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa có chất lượng tốt, đảm bảo VSATTP, tăng sức cạnh tranh, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân; đồng thời nhằm kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Tuy định hướng chỉ đạo rõ ràng và trên thực tế giá trị chăn nuôi luôn chiếm 20-30% tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của xã song đến nay trên địa bàn xã vẫn chưa có trang trại nào đạt tiêu chí mới của Bộ NN và PTNT. Chăn nuôi của xã chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, gia trại nằm xen kẽ trong các khu vực dân cư. Ngoài bất cập về quy hoạch, thì hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ sản xuất tại các khu chuyển đổi thiếu đồng bộ, gặp nhiều khó khăn. Sau DĐĐT, huyện Vụ Bản đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất theo hướng gia trại, trang trại. Hiện toàn huyện có trên 320 trang trại, gia trại với tổng giá trị sản xuất đạt trên 240 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên đến nay, hệ thống hạ tầng cho khu chuyển đổi ở nhiều xã trong huyện vẫn chưa được đầu tư bài bản. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận trang trại theo tiêu chí mới còn chậm dẫn tới việc người dân khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Không những khó khăn về nguồn vốn, nhiều trang trại được tổ chức sản xuất trên diện tích đấu thầu quỹ đất công ích của xã, thời gian hợp đồng chỉ 5 năm nên các chủ trang trại còn băn khoăn, chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng. Đây là vấn đề chung của hầu hết các địa phương chứ không chỉ riêng đối với huyện Vụ Bản.

Để việc chuyển đổi được thuận lợi, việc xem xét, đổi mới cơ chế chính sách tín dụng nông thôn trong huy động các nguồn vốn cho vay thông qua các quỹ phát triển, các mục vay đặc thù ưu tiên phục vụ sản xuất và xây dựng NTM là vấn đề được đông đảo nông dân kiến nghị. Ông Vũ Văn Luân, chủ trang trại tổng hợp ở vùng chuyển đổi của xã Trực Mỹ (Trực Ninh) đề nghị: Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất và điều kiện cho vay linh hoạt giúp người dân được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Các cấp có thẩm quyền sớm nghiên cứu, xem xét thời hạn cho thuê đất nông nghiệp để các hộ nông dân yên tâm đầu tư sản xuất trên diện tích đất thuê. Ông Triệu Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường đề nghị: Nhà nước tiếp tục hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi nội đồng, điện, nước đối với các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyển đổi theo quy hoạch. Ngoài ra, tiếp tục tháo gỡ các chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế sản xuất ở các địa phương.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ chuyển khoảng 9-10 nghìn ha quỹ đất trồng lúa sang trồng cây rau màu ngắn ngày, cây dược liệu và các mô hình canh tác kết hợp có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Do vậy, để việc chuyển đổi ổn định và bền vững, cần tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, kế hoạch, quy mô diện tích của từng địa phương theo lộ trình phù hợp. Bố trí mùa vụ hợp lý, nhóm cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, có sức cạnh tranh cao. Việc chuyển đổi phải gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng NTM và phải tính đến tác động của BĐKH với quy hoạch; đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi cho phù hợp với mô hình chuyển đổi. Các cấp quản lý phải tăng cường vai trò làm “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu CNH-HĐH sản xuất nông nghiệp. Hình thành các tổ hợp tác, HTX chuyên ngành để tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cần nhân rộng những điển hình nông dân sản xuất giỏi trên lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước theo Thông tư 47/2013/TT-BNNPTNT ngày 8-11-2013 của Bộ NN và PTNT là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhưng không làm mất diện tích đất trồng lúa và giúp tăng hiệu quả kinh tế - xã hội trên cùng một diện tích đất. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ thông tin thị trường giúp nông dân định hướng tốt trong việc chuyển đổi; đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi liên kết và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính đặc thù của từng địa phương. Đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích nông dân tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



Thế giới Cây và hoa Việt Nam

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com