Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và UBND tỉnh, chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ tháng 4-2014. Qua hơn 2 năm triển khai, chương trình đã thu được một số kết quả tích cực, tuy nhiên để chương trình đi vào thực chất hơn vẫn cần sự vào cuộc một cách tích cực, chủ động hơn nữa của các bên.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh NHNN tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản số 36/KH-UBND ngày 21-5-2014 về kế hoạch triển khai thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc tổ chức thực hiện chương trình là nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để nắm bắt được thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, Chi nhánh NHNN tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị đối thoại, kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại Thành phố Nam Định và huyện Hải Hậu. Các hội nghị đã có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và khoảng 1.350 lượt doanh nghiệp. Tại các hội nghị hàng trăm ý kiến được trao đổi thẳng thắn, cởi mở và thiết thực, sau đó 127 hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp được ký kết với tổng giá trị cam kết là 2.606 tỷ đồng. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, từ khi triển khai chương trình đến nay đã có 145 khách hàng vay tham gia chương trình. Trong đó có 140 hợp đồng tín dụng cam kết cho vay mới và tăng hạn mức tín dụng, với tổng trị giá cam kết giải ngân 3.117 tỷ đồng, kết quả đã thực hiện giải ngân đến nay là 2.556 tỷ đồng, bằng 80,5% so với cam kết, lãi suất cho vay được các ngân hàng áp dụng ở mức hợp lý, được doanh nghiệp chấp thuận. Có 5 hợp đồng tín dụng với dư nợ 197,5 tỷ đồng được điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản vay cũ. Ngoài chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, trong thời gian qua các doanh nghiệp còn được hỗ trợ thông qua các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với tổng nguồn vốn đã giải ngân gần 1.364 tỷ đồng. Có thể khẳng định, chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN và UBND tỉnh, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp. Chương trình đã thúc đẩy các ngân hàng thương mại đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh; dư nợ tín dụng tăng trưởng đáng kể, đến nay tổng dư nợ đạt 32.626 tỷ đồng, tăng 8.534 tỷ đồng so với thời điểm bắt đầu triển khai chương trình, có tác động tích cực, giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tại các hội nghị, các ý kiến phát biểu của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến huyện và các doanh nghiệp đều đánh giá cao sự tích cực của ngành Ngân hàng trong việc triển khai chương trình. Chương trình được xem là sự tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường một cách thiết thực.
|
Lãnh đạo Chi nhánh NHNN tỉnh giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp trong Hội nghị Đối thoại và kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. |
Tuy nhiên, theo đánh giá của NHNN để tham gia chương trình với các khách hàng là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quan hệ tín dụng còn nhiều vướng mắc; đối với các dự án đầu tư mới, tuy các ngân hàng đã rất tích cực nhưng số lượng khách hàng còn hạn chế; số lượng khách hàng tham gia chương trình chưa nhiều, doanh số vay không lớn… Nguyên nhân chủ yếu là do khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức độ yếu vì chưa có nhiều dự án mới, năng lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế, thiếu tài sản bảo đảm hoặc còn khó khăn về định hướng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy để chương trình đi vào thực chất hơn, ngành Ngân hàng, các sở, ngành, các địa phương cần thống nhất, đồng thuận tìm biện pháp tạo sự kết nối chặt chẽ hơn giữa ngân hàng với các doanh nghiệp trên địa bàn. Các doanh nghiệp cần được UBND tỉnh, các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý để duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người dân, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh. Tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp trong năm 2016, trong đó NHNN tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại Ngân hàng - Doanh nghiệp phạm vi toàn tỉnh; từng chi nhánh ngân hàng chủ động tổ chức các hội nghị tọa đàm với các doanh nghiệp để thông tin, phổ biến đến doanh nghiệp về cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng, cũng như trao đổi, giải đáp, thực hiện các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp một cách cụ thể, tìm tiếng nói chung. Gắn kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp và ngân hàng nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách. Chi nhánh NHNN tỉnh cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện chương trình, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai quyết liệt chương trình. Tổ chức làm việc với một số chi nhánh ngân hàng và doanh nghiệp để kiểm tra tiến độ thực hiện các hợp đồng tín dụng thuộc chương trình đã ký kết. Các ngân hàng tiếp tục thực hiện phân nhóm khách hàng, tiếp cận khách hàng vay để tìm kiếm khách hàng mới tham gia chương trình nhất là doanh nghiệp mới thành lập có nhu cầu vốn tín dụng; doanh nghiệp đã có quan hệ tín dụng nhưng có dự án đầu tư mới, doanh nghiệp có nhu cầu tăng hạn mức tín dụng ngắn hạn, doanh nghiệp có nhu cầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay... Khi có khách hàng vay đồng ý tham gia chương trình cần tổ chức ngay các buổi lễ ký kết công khai hợp đồng tín dụng dưới sự chứng kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước. Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam về chính sách tín dụng trọng điểm, chủ động làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để được tiếp cận vốn tín dụng với hạn mức và lãi suất hợp lý nhằm phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các ngân hàng tăng cường sự kết nối để đưa vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh:
Phạm Văn Đại