Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

08:08, 22/08/2016
Thực hiện các chủ trương khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện, những năm qua các mô hình cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, sản xuất CN-TTCN, nghề truyền thống ở các thôn xóm trong khu vực dân cư sinh sống phát triển mạnh. Bên cạnh lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình và địa phương, vấn đề đặt ra là tình trạng phát thải một khối lượng lớn các loại chất thải ra môi trường mà chưa có hoặc có các công trình, biện pháp xử lý chất thải chưa đảm bảo đạt các quy chuẩn về môi trường. Thực trạng đó không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến việc gửi đơn thư phản ánh, khiếu nại chính quyền địa phương. Điển hình như trường hợp một số hộ dân xóm 6A, xã Hải Phong rất bức xúc, gửi đơn thư kiến nghị đến rất nhiều cấp chính quyền và các đơn vị liên quan về trường hợp gia đình ông Phạm Văn Quynh và con là ông Phạm Văn Minh xã Hải Phong xây dựng chuồng trại chăn nuôi vịt gây ô nhiễm môi trường.
Chế biến sứa tại doanh nghiệp tư nhân nằm xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Chế biến sứa tại doanh nghiệp tư nhân nằm xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Trước thực trạng này, UBND huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Rà soát, kiểm tra các hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các ngành nghề trong việc thực hiện cam kết BVMT, đánh giá tác động môi trường hoặc đề án BVMT theo quy định. Tổ chức kiểm tra, xử lý, yêu cầu khắc phục và bồi thường thiệt hại đối với các hộ gia đình, cá nhân, các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, lực lượng chức năng và các địa phương đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý nhiều trường hợp chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định về BVMT trong quá trình chăn nuôi, sản xuất tại khu dân cư. Về trường hợp chăn nuôi vịt gây ô nhiễm môi trường tại xã Hải Phong, Phòng TN và MT, UBND xã Hải Phong đã kiểm tra thực tế và lập biên bản vi phạm. Theo đó hộ bà Trần Thị Mận (vợ ông Quynh) và con trai là Phạm Văn Minh đã tận dụng mặt nước sông Phong Giang chăn nuôi khoảng 400 con vịt không đảm bảo vệ sinh môi trường. Hộ bà Mận và ông Minh đã nhận thức được hành vi và cam kết tự vệ sinh tiêu độc, khử trùng và di dời đàn vịt vào khu chăn nuôi tập trung trong thời hạn 45 ngày dưới sự giám sát của Phòng TN và MT, UBND xã Hải Phong. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề nhân dân đề xuất, kiến nghị mặc dù lực lượng chức năng và các xã, thị trấn đã tích cực triển khai giải quyết nhưng chủ yếu mới dừng ở mức kiểm tra, nhắc nhở là chính do khó khăn về nhân lực, lĩnh vực TN và MT xã chỉ có một cán bộ địa chính kiêm nhiệm phụ trách vấn đề môi trường. Việc xử lý các hộ dân, cơ sở, doanh nghiệp đang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất CN-TTCN tại địa bàn khu dân cư gây ô nhiễm môi trường của huyện Hải Hậu còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất CN-TTCN xen kẽ trong khu dân cư sinh sống trên địa bàn quy mô nhỏ phần lớn không có giấy phép kinh doanh nên cũng không đăng ký các thủ tục môi trường. Một số chủ gia đình, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất CN-TTCN ý thức kém, luôn tìm cách đối phó hoặc thiếu thiện chí hợp tác với các cơ quan chức năng. Mặt khác, các chế tài xử lý vi phạm quy định trong lĩnh vực BVMT đối với cấp chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa đủ mạnh để xử lý dứt điểm hành vi vi phạm.
 
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả xử lý các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư sinh sống trong quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất CN-TTCN, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn giúp các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm rõ quy định: Nếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường thì có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 49 về “Xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường” của Luật BVMT năm 2014. Biện pháp xử lý bao gồm: Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp BVMT cần thiết. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường. Buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường. Cấm hoạt động. UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn nghiêm túc rà soát, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và phương án xử lý; yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường trách nhiệm hướng dẫn, giám sát và nêu cao tinh thần tự giác của các hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp đang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất CN-TTCN trong khu dân cư thực hiện tốt công tác BVMT, không để xảy ra vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời vận động các hộ gia đình, cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất CN-TTCN trong khu dân cư tập trung di chuyển vào các khu quy hoạch sản xuất tập trung của địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về BVMT trong quá trình sản xuất của các cơ sở kinh tế, hộ gia đình nhằm bảo đảm việc chấp hành tốt các quy định về BVMT trong phát triển kinh tế gia đình và địa phương./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com