Vững vàng vươn khơi bám biển

09:08, 31/08/2016

Với mỗi ngư dân, biển cả gắn bó như chính máu thịt của họ. Bám biển không những là nghề mang lại “miếng cơm manh áo”, là tinh thần, là niềm vui, mà còn là cơ hội để họ góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Để nghề “dò bụng biển” ngày càng phát triển và để ngư dân yên tâm vươn khơi xa bám biển, các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp từ cơ chế chính sách đến hỗ trợ cụ thể tạo điều kiện cho ngư dân nâng cao năng lực đi biển (tăng công suất tàu, trang thiết bị đồng bộ...).

Thành quả sau chuyến vươn khơi dài ngày bằng tàu vỏ thép của anh Phạm Văn Khuyến, xã Hải Chính (Hải Hậu).
Thành quả sau chuyến vươn khơi dài ngày bằng tàu vỏ thép của anh Phạm Văn Khuyến, xã Hải Chính (Hải Hậu).

Theo kế hoạch hành động thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, Sở NN và PTNT đã tham mưa cho UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, các huyện triển khai có hiệu quả chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Nâng cao đội tàu khai thác thủy sản, giảm bớt tàu công suất nhỏ, đóng mới, bổ sung, thay thế tàu có công suất lớn, chuyển trọng tâm từ khai thác gần bờ sang xa bờ. Tỉnh ta được Bộ NN và PTNT phân bổ đóng mới bổ sung 34 tàu cá vỏ thép, trong đó có 30 tàu khai thác thủy sản, 4 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngay sau khi có quyết định phân bổ của Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1970/QĐ-UBND về việc phân bổ số lượng tàu cá đóng mới bổ sung cho các huyện. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đóng mới bổ sung 34/34 tàu cá vỏ thép và phê duyệt đóng mới thay thế 1 tàu vỏ thép cho các tổ chức, cá nhân trong tỉnh. Huyện Giao Thủy có 7 tàu khai thác thủy sản; huyện Hải Hậu có 19 tàu, trong đó có 18 tàu được đóng mới bổ sung, 1 tàu đóng mới thay thế; huyện Nghĩa Hưng có 9 tàu khai thác thủy sản. Hiện đã có 28/35 tàu cá vỏ thép đang được đóng mới tại 7 cơ sở đóng tàu trong tỉnh. Trong đó có 7 tàu vỏ thép đã làm thủ tục đăng ký và hoạt động khai thác hải sản. Đồng chí Mai Văn Quyết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hải Hậu cho biết: “Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà ngư dân có tàu to hơn, máy lớn hơn để đánh bắt xa bờ, đảm bảo khai thác có hiệu quả hơn, cũng như được góp phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngư dân huyện Hải Hậu rất hào hứng và phấn khởi đón nhận”. Chúng tôi có mặt tại cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đúng dịp những ngư dân nơi đây đang hối hả chuẩn bị cho chuyến ra khơi dài ngày. Anh Nguyễn Văn Thông, xã Hải Chính (Hải Hậu) đã có thâm niên hàng chục năm trong nghề đi biển, mới được bàn giao cho một tàu cá vỏ thép công suất 1.055CV, được đóng tại Cty CP Kinh tế Thiên Trường. Anh chia sẻ: “Nghề đi biển là nghề cha truyền con nối với chúng tôi. Từ lúc mới mười tám, đôi mươi, tôi đã theo bố đi biển. Trước kia tàu thuyền của chúng tôi đơn sơ lắm, không có tàu lớn như bây giờ, cũng không có những thiết bị hiện đại như la bàn, bộ đàm… nên đi biển vừa vất vả lại không thực sự hiệu quả lắm. Ngày ấy, chỉ mong có thuyền lớn để có thể tham gia ở các ngư trường lớn, ở xa. Bây giờ được các cấp chính quyền quan tâm cho vay vốn ưu đãi nên có con tàu này, tôi có thể vươn khơi xa, cuộc sống gia đình khấm khá hơn và chúng tôi còn tham gia vào nhiệm vụ khẳng định chủ quyền ở vùng biển, đảo của Tổ quốc”. Với mỗi ngư dân, phần lớn thời gian là làm việc và sinh sống trên biển nên với họ “tàu là nhà, biển cả là quê hương”. Anh Phạm Văn Khuyến cũng ở xã Hải Chính thì lại chia sẻ: “Trước kia bám biển bằng tàu vỏ gỗ, tôi cùng các anh em cũng đã có dịp được vươn ra vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa rồi. Bây giờ có tàu vỏ thép công suất lớn, chúng tôi càng thêm phấn khởi, tự tin đương đầu với sóng to, gió lớn để vươn khơi. Chúng tôi luôn tự ý về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với biển, đảo quê hương”. Giữa đại dương nghìn trùng, những tàu khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trước gió như là một bằng chứng sống để khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến nay, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngành kinh tế biển đã được các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh triển khai tích cực từng bước phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ tăng khả năng vươn khơi. Những biện pháp hỗ trợ trên đã đạt hiệu quả tích cực, ngư dân hồ hởi, phấn khởi đón nhận và thực hiện. Cùng với việc khuyến khích ngư dân phát triển kinh tế biển, các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, ý thức độc lập dân tộc cho ngư dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân. Đặc biệt chú trọng hướng dẫn cho ngư dân kỹ năng đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền biển đảo, góp phần cùng quân và dân cả nước nói chung và nhân dân Nam Định nói riêng kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com