Tín dụng làm giàu vùng quê cách mạng

09:08, 31/08/2016

Xã Trung Thành có thời gian khá dài trước kia là trung tâm kinh tế, chính trị của huyện Vụ Bản. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Định lần thứ nhất, chúng thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét, đàn áp phong trào cách mạng trên địa bàn các huyện phía bắc tỉnh nói chung, xã Trung Thành nói riêng. Trung Thành trở thành “địa chỉ đỏ” nuôi dưỡng phong trào cách mạng thông qua sự tuyên truyền giác ngộ của các đồng chí cán bộ Việt Minh do tỉnh, huyện phái về. Chính vì thế, trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Trung Thành là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Vụ Bản giành được chính quyền về tay nhân dân. Tiếp đó, trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, có lúc Trung Thành đã bị thực dân Pháp chiếm đóng, phải chịu bao đau thương, uất hận, song quân và dân Trung Thành vẫn kiên cường bám trụ khiến cho địch chưa khi nào có thể “bình định” miền quê này. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung Thành là một địa phương dẫn đầu các phong trào thi đua củng cố hậu phương, chi viện cho tiền tuyến của huyện.

Một góc CCN Trung Thành (Vụ Bản).
Một góc CCN Trung Thành (Vụ Bản).

Đất nước hoàn toàn tự do, độc lập, truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương chính là động lực để thúc đẩy Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trung Thành không ngừng nỗ lực vươn lên để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh theo đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Suốt 3 thập kỷ qua, phong trào đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội, thực hiện CNH-HĐH nông thôn ở Trung Thành được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các thôn, xóm tích cực triển khai thực hiện. Các nhiệm vụ dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng tạo điều kiện tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác được triển khai sâu rộng; phong trào phát triển chăn nuôi theo hướng “đa con” không ngừng lớn mạnh; phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tiếp tục có bước tiến mới… Tiếp sức cho các phong trào trên có sự đóng góp quan trọng của nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Phú Long, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, các tầng lớp nhân dân trong xã luôn tích cực huy động các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần. Trong giai đoạn 2010-2015, trung bình mỗi năm các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn đã giải ngân cho người dân vay đầu tư cho sản xuất, kinh doanh trên 30 tỷ đồng, trong đó có khoảng 20% từ Ngân hàng Chính sách xã hội, số vốn còn lại là từ các ngân hàng thương mại. Nhờ có nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân nên các phong trào thi đua sản xuất của xã không ngừng phát triển. Thực hiện chương trình xây dựng NTM và chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xã đã tiến hành quy hoạch toàn bộ trên 300ha đất sản xuất nông nghiệp thành vùng sản xuất lúa hàng hóa và vùng lúa bảo đảm an ninh lương thực 150ha, vùng chuyên màu rộng 120ha, vùng nuôi thủy sản rộng hơn 30ha. Các vùng sản xuất được đầu tư chỉnh trang bờ vùng, bờ thửa rộng rãi và từng bước được cứng hóa, lắp đặt hệ thống cống, xây dựng kênh mương tưới tiêu hợp lý, tạo thuận lợi cho việc sản xuất của bà con. Vùng chuyên lúa được xã khuyến cáo gieo cấy tập trung chủ lực bằng giống lúa Bắc thơm là giống lúa có giá trị kinh tế khá và được thị trường ưa chuộng. Vùng chuyên màu chú trọng luân canh theo công thức lạc xuân + đậu tương hè thu + khoai tây đông, xuân. Đối với vùng nuôi thủy sản tập trung xây dựng các mô hình sản xuất tổng hợp: nuôi các loại cá truyền thống, kết hợp chăn nuôi lợn, bò và thủy cẩm. Để bảo đảm sản xuất thành công, Ban Nông nghiệp xã thường xuyên phối hợp với HTXNN tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về kỹ năng chăm sóc, bảo vệ lúa, rau màu và các đàn vật nuôi bảo đảm an toàn, không bị sâu bệnh cũng như dịch bệnh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và thu nhập của người dân; cung cấp thông tin về các chính sách, quy định mới của Chính phủ, của tỉnh trong việc tiếp cận các nguồn vốn của các ngân hàng để đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp… Nhờ đó hiệu quả và giá trị sản xuất nông nghiệp của Trung Thành ngày càng ổn định và phát triển. Hằng năm, đàn trâu, bò của xã đạt từ 220-250 con, đàn lợn từ 5.000-5.200 con, đàn gia cầm, thủy cầm tăng từ 22.800 con (năm 2010) lên 45.500 con (năm 2015). Giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác năm 2015 đạt 98 triệu đồng, riêng vùng màu đạt từ 120-150 triệu đồng. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông Vũ Văn Hiển ở thôn Chinh được Ngân hàng NN và PTNT Nam Định cho vay 350 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 150 con lợn/lứa kết hợp nuôi cá và cấy lúa. Nhờ mạnh dạn đầu tư và chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc tốt đàn vật nuôi nên mỗi năm ông Hiển đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng. Trang trại tổng hợp của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với thu nhập ổn định. Trang trại của ông Bùi Duy Ngọc ở xóm Phố cũng được nhiều người dân trong vùng biết đến bởi tiếng tăm về hiệu quả và cách làm. Năm 2010, khi xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất, ông Ngọc đã quyết định nhận thầu 1,5ha đất trũng để đầu tư xây dựng trang trại. Qua thẩm định hồ sơ vay vốn, phương pháp sử dụng vốn, nhận thấy mô hình trang trại của ông có khả năng phát triển, Ngân hàng NN và PTNT Nam Định đã quyết định giải ngân cho ông vay 300 triệu đồng để đầu tư mua giống lợn, thức ăn. Được tiếp vốn, ông Ngọc đầu tư xây dựng chuồng nuôi lợn, đào ao khoanh vùng nuôi cá, trên bờ ông nuôi bò, gà, phần diện tích còn lại cấy lúa. Mô hình tổng hợp như rết nhiều chân giúp ông thành công, mang lại nguồn thu mỗi năm khoảng 1,7 tỷ đồng. Trang trại của ông đã được UBND huyện Vụ Bản cấp giấy chứng nhận trang trại đạt tiêu chuẩn theo quy định. Không chỉ kinh tế nông nghiệp, mà các ngành nghề khác như hàn, rèn, may mặc, chế biến nông sản, thực phẩm của Trung Thành cũng không ngừng tăng trưởng, thu hút và tạo việc là cho cơ bản số lao động ở địa phương. Tính đến năm 2015, tổng giá trị của ngành nghề phi nông nghiệp đạt 21,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65% cơ cấu kinh tế của xã. Nhờ kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nên Trung Thành đã có nguồn lực đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đến nay xã đã cơ bản (18/19) hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, cùng với sự “tiếp sức” kịp thời của nguồn vốn tín dụng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trung Thành đã không ngừng vươn lên trong sự nghiệp xây dựng quê hương anh hùng ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Phạm Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com