Tăng cường quản lý hoạt động thu mua hải sản

08:08, 27/08/2016
Thu mua là một công đoạn quan trọng liên quan đến chất lượng hàng hóa trong chuỗi sản xuất hải sản. Nếu công đoạn này không được quản lý tốt thì không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm sau cùng. Chính vì thế công tác quản lý hoạt động thu mua hải sản là rất cần thiết, không thể lơ là.
 
Toàn tỉnh hiện có hơn 40 cơ sở thu mua thủy, hải sản, chủ yếu tại các địa phương trọng điểm về khai thác, nuôi trồng thủy sản như Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Thu mua các sản phẩm hải sản từ những tàu khai thác tập trung ở các cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), cảng cá Quần Vinh 2, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), bến cá cửa Hà Lạn (Giao Thủy), chợ cá Giao Hải, xã Giao Hải (Giao Thủy)… Thường thì các chủ cơ sở thu mua, các thương lái sẽ đặt hàng hoặc ký kết hợp đồng với các chủ tàu cá, khi tàu cập bến sẽ tới cảng cá để trực tiếp kiểm tra chất lượng hải sản trước khi thu mua. Có mặt tại cảng cá Ninh Cơ, chứng kiến cảnh tàu cập bến với đầy ắp cá biển, tiếng gọi nhau í ới, người xách túi, người xách cân nhộn nhịp. Hiện nay các tàu thuyền khai thác xa bờ đều có hầm chứa đá lạnh để bảo quản hải sản đánh bắt được. Tuy nhiên, việc áp dụng phương thức bảo quản này nếu không được tàu dịch vụ tiếp đá kịp thời khi vươn khơi dài ngày sẽ khiến đá trong hầm bảo quản tan dần và làm giảm hiệu quả bảo quản hải sản khi vận chuyển vào bờ. Vì vậy, các cơ sở thu mua luôn phải kiểm tra kỹ càng chất lượng của hải sản. Tranh thủ trò chuyện với chị Hoàng Thị Đào, xã Hải Xuân (Hải Hậu) đang thu mua hải sản của tàu anh Vũ Minh Tường, chị cho biết: “Ngay khi nhận được tin tàu cá cập bến, chúng tôi có mặt để kiểm tra chất lượng hải sản. Chúng tôi chỉ chọn mua những hải sản còn sống, tươi ngon, bảo quản trong thùng xốp, ướp đá sạch và muối rồi vận chuyển về bán. Đặc biệt các thiết bị chứa đựng hải sản như thùng xốp luôn phải được vệ sinh sạch sẽ”. Tới cơ sở thu mua thủy hải sản Thành Vui (Hải Hậu), một trong những cơ sở thu mua được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Cơ sở cũng thu mua trực tiếp các sản phẩm cá biển mà người dân đánh bắt được như cá nục, cá thu, cá mực... Để đảm bảo chất lượng hàng hóa cơ sở chỉ thu mua hải sản từ những tàu khai thác được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo chất lượng mà cơ sở xây dựng. Ví dụ như sản phẩm hải sản phải đảm bảo không có tạp chất, không sử dụng hóa chất, kháng sinh để bảo quản trong quá trình vận chuyển vào đất liền. Đặc biệt trong quá trình bốc dỡ sản phẩm hải sản từ những tàu khai thác xa bờ về, cơ sở luôn tuân thủ các yêu cầu không làm nhiễm bẩn hải sản, các thao tác được thực hiện nhanh chóng, nhẹ nhàng, tránh làm dập nát, hư hỏng hải sản và không để hải sản trực tiếp dưới nền, sàn. Các nhân viên của cơ sở trong quá trình thu mua trực tiếp tiếp xúc với hải sản luôn được trang bị quần, áo, ủng, mũ, găng tay trong khi làm việc, để đảm bảo an toàn vệ sinh cho các sản phẩm hải sản.
Thu mua thủy sản tại cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Thu mua thủy sản tại cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Để hoạt động thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh phát triển, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, đòi hỏi sự quan tâm, hiểu biết của chủ cơ sở trong việc chấp hành các quy định về quản lý chất lượng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở của mình. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở thu mua định kỳ 2 lần/năm; nội dung kiểm tra thủ tục hành chính giấy phép về điều kiện sản xuất, kinh doanh, cơ sở vật chất nhà xưởng có đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm không và áp dụng những biện pháp xử lý phù hợp nếu cơ sở vi phạm. Đặc biệt, các cơ sở thu mua phải có sổ ghi chép đầy đủ cho mỗi lần thu mua, giao nhận nguyên liệu thủy, hải sản. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, xã nắm bắt thông tin, định hướng truyền thông kịp thời về tình hình hoạt động thu mua hải sản, đồng thời thông báo kết quả triển khai công tác quản lý, kết quả kiểm tra, xử lý ngay khi phát hiện các trường hợp vi phạm như thu gom, vận chuyển thủy hải sản đã chết, không rõ nguồn gốc... Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thu mua với các đại lý thu mua hay các thương lái để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh trái phép. Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, xã tăng cường tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các mặt thủy hải sản. 
 
Hoạt động thu mua thủy hải sản có được quản lý và kiểm soát chặt chẽ như vậy mới đảm bảo an toàn chất lượng nguyên liệu đầu vào cho các công đoạn chế biến và tiêu dùng. Kinh tế thủy sản là một ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, do vậy tăng cường quản lý và đầu tư phát triển hệ thống thu mua thủy hải sản đạt tiêu chuẩn để đảm bảo được thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm khai thác cũng như là sản phẩm thủy sản nuôi trồng là nhiệm vụ cần được các cấp chính quyền và ngành chức năng quan tâm, tập trung chỉ đạo, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm cho nhiều người dân lao động./.
 
Bài và ảnh:  Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com