Để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, thời gian qua, các địa phương toàn tỉnh đã chủ động bám sát quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2010-2015), nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất. Huyện Nam Trực có 11.450ha đất nông nghiệp, chiếm 70,7%, trong đó, đất trồng lúa chiếm 8.411ha; đất phi nông nghiệp chiếm 4.747ha, chiếm 28,97%; còn lại là đất dành cho phát triển hạ tầng giao thông thủy lợi, công trình năng lượng, quốc phòng an ninh, trụ sở cơ quan, tôn giáo, tín ngưỡng… Trong xây dựng quy hoạch, huyện chú trọng quỹ đất dành cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao như: vùng trồng hoa cây cảnh Điền Xá (Vị Khê) khoảng 1.000ha, vùng đồng màu đường Vàng chuyên trồng rau quả sạch 1.400ha, vùng lúa cao sản chất lượng, lúa đặc sản 6.000ha. Các vùng đất cao hạn, úng trũng được quy hoạch để xây dựng trang trại tập trung như ở các xã, thị trấn: Nam Giang, Hồng Quang, Nam Thái, Nam Tiến. Bên cạnh đó, huyện xác định cụ thể các vùng để phát triển CCN tập trung nhằm thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ năm 2015 đến nay, các dự án nhà máy giày da tại CCN Đồng Sơn (9,8ha); nhà máy dệt kim của Hàn Quốc (5ha); mở rộng CCN Đồng Côi tại Thị trấn Nam Giang (15ha)… đi vào hoạt động thu hút trên 30 nghìn lao động. Đồng thời, trên địa bàn huyện triển khai xây dựng mới và mở rộng nhiều tuyến đường quan trọng nối liền Nam Trực với Thành phố Nam Định và các huyện phía Nam của tỉnh như: tỉnh lộ 488, tỉnh lộ 487, đường cầu Tân Phong... Các công trình xây dựng theo chương trình NTM như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, đường trục nội đồng, công trình vệ sinh môi trường… đều có để quỹ đất trong quá trình kiến thiết. Nhờ sử dụng đất hợp lý, tiềm năng đất đai được khai thác hiệu quả đã góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của huyện Nam Trực. Năm 2015, nông nghiệp đạt hơn 108.639 tấn, tăng 3%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.320 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2014; 20 xã, thị trấn đều đạt trên 13 tiêu chí xây dựng NTM; trong đó 3 xã Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Thái đã đạt chuẩn NTM. Với mục tiêu ưu tiên đáp ứng nhu cầu đất đai phục vụ phát triển kinh tế theo hướng CNH-HĐH, huyện Trực Ninh đã quy hoạch và sử dụng hiệu quả quỹ đất cho phát triển các CCN tập trung là: Cổ Lễ, Cát Thành và Trực Hùng. Trong đó CCN Thị trấn Cổ Lễ có tổng diện tích gần 10ha, thu hút 19 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề: tái chế phôi thép, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), dệt, may công nghiệp… với tổng mức đầu tư trên 55,2 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào CCN Cổ Lễ hiện đang sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.500 lao động. CCN Trực Hùng có tổng diện tích trên 12,8ha, thu hút 16 dự án đầu tư sản xuất các ngành nghề: cơ khí, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, kéo sợi PE, sản xuất VLXD, sản xuất lúa giống… với tổng mức đầu tư gần 91 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 300 lao động. CCN Thị trấn Cát Thành có tổng diện tích 26ha, hiện đã có 5 dự án đầu tư sản xuất các ngành nghề: đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, cơ khí… với tổng mức đầu tư trên 269,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1.600 lao động. Bên cạnh đó, huyện còn khai thác hợp lý các quỹ đất tập trung đã khoanh vùng sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa trong chương trình xây dựng NTM của các xã, thị trấn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đầu tư, phát triển sản xuất CN-TTCN. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp như: Cty TNHH Shin Myung First Vina (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xã Trung Đông; Cty TNHH AMARA Việt Nam đầu tư tại Thị trấn Cổ Lễ… Trong sử dụng quỹ đất sản xuất nông nghiệp huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện quản lý theo đúng Luật Đất đai. Đến hết năm 2015, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 19.264ha; trong đó diện tích lúa 15.521ha, năng suất bình quân hơn 126,72 tạ/ha (đứng thứ 4 toàn tỉnh). Tổng diện tích cây màu đạt 3.743ha; trong đó cây vụ đông đạt 1.515ha, toàn huyện đã xây dựng được 5 cánh đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 1.051ha. Không chỉ sử dụng đất đúng mục đích, các địa phương trong huyện còn tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh, tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2010-2015 đạt tốc độ tăng bình quân 3,2%/năm. Đến nay huyện Trực Ninh có 15/21 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện 4 xã xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 là: Trực Khang, Trực Cường, Trực Tuấn, Liêm Hải đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, phấn đấu được công nhận xã NTM trong năm 2016.
|
Nhờ sử dụng hợp lý, tỉnh đã khai thác hiệu quả quỹ đất KCN Bảo Minh (Vụ Bản), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. |
Không chỉ có các huyện Nam Trực, Trực Ninh mà các địa phương khác trong tỉnh cũng được đánh giá khá hiệu quả trong phân bổ và sử dụng tài nguyên đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2015) đã được phê duyệt, khắc phục các tồn tại trong quản lý để đất đai thực sự là tài nguyên quan trọng cho phát triển. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại thực trạng một số địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu đồng bộ giữa quy hoạch ngành và quy hoạch sử dụng đất nên chất lượng thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh chưa cao. Ngoài ra, có những kế hoạch sử dụng đất không đáp ứng đầy đủ phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Trung ương; vị trí sử dụng đất của một số công trình, dự án được xác định chưa phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương… Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã phê duyệt tại nhiều nơi chưa nghiêm và chưa có chế tài mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng các KCN, khu kinh tế, khu đô thị, CCN có diện tích lớn, dẫn đến tình trạng đất đai bị khoanh bao, đầu tư hạ tầng tốn kém, dàn trải nhưng khả năng thu hút đầu tư thực tế thấp.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, khai thác tốt tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, mới đây HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 21-7-2016 điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển, khắc phục các yếu kém, sai sót của kỳ đầu, tránh lãng phí tài nguyên đất. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, hiện nay, các địa phương cũng đang tập trung hoàn tất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở quỹ đất của các cấp đã được tỉnh điều chỉnh và phê duyệt. Đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để các tổ chức, người dân nắm vững các quy định pháp luật đất đai, sử dụng đất đai đúng quy hoạch, kế hoạch. Đồng thời, công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân lựa chọn và giám sát trong quá trình thực hiện. Tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai để các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân yên tâm đầu tư phát triển kinh tế. Tiếp tục ưu tiên quỹ đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo giao thông kết nối vùng thuận lợi, lựa chọn những vị trí đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao nhưng thuận lợi về giao thông để xây dựng các KCN, CCN, điểm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổng hợp./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy