6 tháng đầu năm 2016 sản xuất CN-TTCN của huyện Ý Yên có những chuyển biến tích cực và tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 2.897 tỷ đồng, tăng 16,67%; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 4.578 tỷ đồng, tăng 21,1% so với với cùng kỳ năm 2015. Nhiều ngành công nghiệp chủ yếu đạt giá trị sản lượng cao trong nửa đầu năm 2016 như: dệt may ước đạt 2,5 triệu sản phẩm, giá trị 350 tỷ đồng; chế biến gỗ ước đạt 2 triệu 560 nghìn m
3 với giá trị là 1.525 tỷ đồng; chế biến thực phẩm, đồ uống ước đạt giá trị 97,8 tỷ đồng.
Để có được kết quả đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương tổ chức rà soát, xây dựng và triển khai chương trình phát triển sản xuất CN-TTCN. Phòng Công thương là đơn vị thường trực giúp UBND huyện quản lý Nhà nước, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiềm lực mạnh đầu tư phát triển sản xuất. Huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn; các xã, thị trấn tăng cường vai trò quản lý của chính quyền các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Qua nhiều năm đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển CN-TTCN, đến nay trên địa bàn huyện Ý Yên có 3 CCN ở Thị trấn Lâm và các xã Yên Xá, Yên Ninh. Hiện tại đã có tổng số 198 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại 3 CCN của huyện. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN đạt 395.629 triệu đồng; tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 của các CCN đạt 890,6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động. Trong đó có 5 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư mới vào CCN làng nghề thương mại dịch vụ phía nam Thị trấn Lâm. Ngoài các CCN tập trung, huyện còn chỉ đạo Phòng Công thương phối hợp với các địa phương xây dựng chương trình, hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn địa điểm, ngành nghề, vùng nguyên liệu, thị trường… xây dựng kế hoạch phát triển. Trong số 11 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 đã có 4 xã, thị trấn phục hồi và phát triển được 14 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất CN-TTCN được UBND tỉnh công nhận từ năm 2012 gồm Thị trấn Lâm và các xã: Yên Ninh, Yên Trung, Yên Hồng. Đến năm 2016, trên địa bàn huyện Ý Yên hiện có 45 điểm công nghiệp với tổng diện tích 824 nghìn m
2. Ngoài phát triển sản xuất CN-TTCN trong các CCN tập trung, hệ thống 14 làng nghề, làng nghề truyền thống của huyện cũng có bước phát triển mạnh như các nghề: cơ khí đúc, điêu khắc gỗ, may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa chắp… Bên cạnh đó, nhiều xã trước đây chỉ thuần nông, độc canh cây lúa cũng đã bước đầu phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN như: Yên Tân, Yên Lương, Yên Bình, Yên Dương, Yên Phong, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của nhiều địa phương. Tại xã Yên Phong, đến nay cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 30%; sản xuất CN-TTCN, thương mại tăng lên 70%. Nhờ đó, năm 2015, bình quân thu nhập của xã đạt trên 29 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 5,7%. Toàn xã hiện có 4 doanh nghiệp, 40 đội thợ xây dựng; gần 20 cơ sở sản xuất đa dạng các nghề: mộc, đúc dát đồng, may công nghiệp... Xã Yên Đồng đã hình thành và phát triển được đa dạng các ngành nghề sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn với 7 doanh nghiệp, 39 tổ hợp sản xuất các nghề: may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, chế biến gỗ, cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm, xây dựng dân dụng… tạo việc làm thường xuyên và thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng cho gần 2.100 lao động địa phương; có 221 hộ gia đình tham gia thường xuyên các hoạt động thương mại, dịch vụ… Nhờ đó, tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN và thương mại dịch vụ của xã đã chiếm 55% tổng giá trị kinh tế toàn xã.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN tạo động lực góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng NTM, huyện Ý Yên chủ trương tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh đào tạo nghề và đưa nghề mới về các địa phương thuần nông, tạo việc làm giảm lao động nông nhàn, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế; tập trung phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp và sản phẩm truyền thống để tăng giá trị sản xuất CN-TTCN. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện, phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá 2010) bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt trên 17%/năm, giai đoạn 2021-2030 đạt trên 19%/năm, trong đó trọng tâm là các ngành nghề: Cơ khí đúc và gia công kim loại với các sản phẩm chính như đúc đồng, kim khí, đồ gia dụng, nâng cao chất lượng và quảng bá thương hiệu sản phẩm đúc Ý Yên trong và ngoài nước. Ngành sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với chú trọng nâng cao hơn nữa độ tinh xảo, thẩm mỹ của sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh cung cấp cho các thị trường trong và ngoài nước. Tiếp tục chú trọng phát triển các ngành nghề đã định hình lâu dài trên địa bàn huyện như hàng thủ công mây tre đan, thêu ren, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng... Khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu đánh giá và đề xuất xây dựng KCN Hồng Tiến (quy mô 150ha) và Trung Thành (quy mô 200ha) trong giai đoạn sau năm 2020. Mở rộng CCN Thị trấn Lâm (từ 13ha lên 21,2ha) trong giai đoạn đến năm 2020; xem xét khả năng hình thành các CCN đã được quy hoạch gồm Yên Xá (12ha) và Yên Ninh (20ha) trong giai đoạn sau năm 2020. Nghiên cứu quy hoạch, hình thành các điểm công nghiệp tại các xã có nghề sản xuất CN-TTCN phát triển (Yên Trị, Yên Bình, Yên Cường, Yên Nhân, Yên Phong…)./.
Thành Trung