Việc đầu tư xây dựng các trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế - xã hội và quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Tuy nhiên thời gian qua, việc đầu tư xây dựng trạm BTS trên địa bàn tỉnh còn có nhiều bất cập, trong đó tình trạng một số doanh nghiệp đơn vị viễn thông xây dựng không phép vẫn xảy ra.
Qua kiểm tra rà soát hiện nay trên địa bàn tỉnh có 221 trạm BTS chưa có giấy phép xây dựng do Chi nhánh Viettel Nam Định lắp đặt; trong đó có 59 cột loại A2a, 162 cột loại A2b. Một số doanh nghiệp viễn thông chưa nhận thức rõ và thực hiện đầy đủ thủ tục trong việc đầu tư xây dựng trạm BTS. Một số trạm xây dựng theo hình thức xã hội hóa thực hiện thủ tục đầu tư không đúng quy định; thiếu thủ tục về đất đai hoặc chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của người dân. Một số vị trí mặt bằng xây dựng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó không hoàn tất hồ sơ xin giấy phép xây dựng; đặc biệt có trường hợp đơn vị xây dựng trạm giao cho nhiều đầu mối thi công nên dẫn đến việc các đơn vị thiếu phối hợp trong công tác xin cấp giấy phép xây dựng. Một số đơn vị thực hiện việc đo kiểm theo từng đợt; việc đề xuất kiểm định phải thực hiện qua nhiều cấp nên việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận không kịp thời. Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý xây dựng các trạm BTS thời gian qua chưa chặt chẽ, các trạm BTS thường quy mô không lớn diện tích chiếm đất không nhiều nên doanh nghiệp viễn thông khi xây dựng trạm BTS hầu như không làm thủ tục xin cấp phép xây dựng. Do vậy Sở không có cơ sở thẩm định và cho ý kiến về vị trí lắp đặt bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
|
Trạm BTS tại chợ Rồng (TP Nam Định) do Viettel Nam Định - Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông quân đội là chủ đầu tư. |
Để tạo điều kiện cho Chi nhánh Viettel Nam Định thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao cũng như phát triển mạng lưới hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh đã họp, thống nhất cho phép Chi nhánh Viettel Nam Định tiếp tục khai khai thác và sử dụng đối với 221 trạm BTS đã xây dựng nhưng không có giấy phép xây dựng với điều kiện đảm bảo chất lượng an toàn công trình và phù hợp với quy hoạch viễn thông, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy định khác có liên quan. Việc cấp phép, xây dựng đối với các công trình trạm BTS triển khai mới thực hiện theo Thông tư liên tịch số 15/2016/TTLT-BTTTT-BXD ngày 22-6-2016 của liên Bộ Xây dựng và Bộ TT và TT hướng dẫn quản lý việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Chi nhánh Viettel Nam Định nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về việc xây dựng các trạm BTS không phép trong thời gian qua; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu liên quan theo yêu cầu của các Sở Xây dựng, Sở TT và TT để lưu trữ, quản lý theo quy định. Đồng thời, đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá và cam kết bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, an toàn mọi mặt của công trình cũng như các vấn đề liên quan tới các công trình lân cận; tự bỏ kinh phí để thực hiện tháo dỡ, di chuyển (không yêu cầu đền bù) khi Nhà nước có yêu cầu giải phóng mặt bằng thực hiện các chương trình, dự án. Định kỳ 6 tháng/lần tổ chức kiểm định chất lượng công trình và báo cáo kết quả thực hiện về các sở, ngành liên quan để kiểm tra theo dõi. Sở Xây dựng, Sở TT và TT căn cứ chức năng nhiệm vụ hướng dẫn Chi nhánh Viettel Nam Định hoàn thiện hồ sơ để tiến hành cấp phép xây dựng theo quy định hiện hành. Tại Thông tư liên tịch số 15/2016/TTLT-BTTTT-BXD cũng có quy định để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc về cấp phép xây dựng cho các doanh nghiệp viễn thông như quy định trường hợp cột ăng-ten không cồng kềnh và công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động được miễn giấy phép xây dựng. Cột ăng-ten không cồng kềnh là loại cột ăng-ten được lắp đặt trong và trên các công trình xây dựng nhưng không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực, an toàn của công trình xây dựng. Việc miễn giấy phép xây dựng được áp dụng với các loại công trình như cột ăng-ten thuộc hệ thống cột ăng-ten nằm ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được phê duyệt hoặc đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến; công trình cột ăng-ten không cồng kềnh tại khu vực đô thị phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được phê duyệt; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động khác thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và các quy định có liên quan. Yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động được miễn phép xây dựng phải gửi văn bản thông báo ngày khởi công xây dựng cho UBND cấp xã, Sở Xây dựng, Sở TT và TT trên địa bàn xây dựng công trình trong thời hạn 7 ngày làm việc trước khi khởi công.
Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở TT và TT tổ chức tập huấn phổ biến 2 Thông tư về cấp phép xây dựng (Thông tư liên tịch số 15/2016/TTLT-BTTT-BXD và Thông tư số 15/2016/TT-BXD), tập trung quán triệt những điểm quy định về cấp phép xây dựng đối với trạm BTS. Cùng với đó, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị trên địa bàn tỉnh có cột tháp thu phát sóng viễn thông tiến hành thống kê, rà soát, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm định bảo trì, bảo dưỡng hạ tầng nhà trạm, cột ăng-ten truyền thông, chú ý xác định rõ nguyên nhân và phương hướng khắc phục đối với các cột ăng-ten, trạm BTS gãy đổ do bão số 1. Theo thống kê, sau cơn bão số 1, toàn tỉnh có 15 cột ăng-ten gãy đổ, trong đó Giao Thủy (3 cột), Trực Ninh (3 cột), Xuân Trường (2 cột), Nam Trực (4 cột), Ý Yên (2 cột), Vụ Bản (1 cột). Hiện tại, các doanh nghiệp đã sửa chữa và khôi phục hoạt động trở lại được 10/15 trạm BTS, riêng trạm BTS biển đảo tại Cồn Lu, xã Giao Thiện (Giao Thủy) Viettel Nam Định đang đề xuất với Tổng Cty cho xây dựng mới là trạm tự đứng./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn